{keywords}
 Đừng ngại đặt câu hỏi cho sếp (Nguồn ảnh: Pexels)

Bắt đầu một công việc mới thường rất căng thẳng, vì có rất nhiều ẩn số cần tìm hiểu. Thiết lập mối quan hệ tốt với sếp có thể giúp bạn bắt nhịp nhanh hơn. Lưu ý là bí quyết giúp bạn phối hợp ăn ý với sếp cũ có thể không hiệu quả với sếp mới. Điều quan trọng là bạn làm việc chuyên nghiệp và hiểu đúng yêu cầu của sếp đối với vị trí của bạn.

Gợi ý 7 câu hỏi bạn có thể không ngại ngần đặt ra với người sếp mới của mình:

Tôi nên phối hợp với các bộ phận nào khác?

Những gì chúng ta biết thường ít quan trọng hơn những gì chúng ta chưa biết - kết quả công việc trong nhóm của bạn hoàn toàn có thể bị tác động bởi sự thay đổi ở một bộ phận khác. Sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu bạn biết được cán cân quyền lực giữa các nhóm khác và nhóm của bạn, những ảnh hưởng không chính thức từ bên ngoài đã - đang - sẽ chi phối công việc của nhóm cũng như cá nhân bạn. Sếp của bạn là người nắm rõ hơn ai hết những thông tin này. Và nếu bạn tận dụng được kiến thức đó để phối hợp, liên minh, bạn sẽ thuận lợi hơn ở vị trí mới.

Sếp thích nhận và phản hồi thông tin như thế nào?

Có nhiều người đặt ranh giới rất rõ giữa giờ hành chính và đời sống cá nhân. Một số khác sẵn sàng phản hồi bất kể giờ giấc. Và một số người thích nhận tin qua cuộc gọi trực tiếp hơn là tin nhắn. Cứ bạo dạn hỏi họ với mục đích là để tốt hơn cho công việc. Truyền đạt thông tin thông suốt và đúng lúc chính là cách giao tiếp hiệu quả.

Sếp muốn đánh giá định kỳ về công việc như thế nào?

Sẽ rất thuận lợi cho bạn nếu được sếp đánh giá, nhận xét về công việc một cách thường xuyên. Điều này giúp bạn nhận thức được các sai lầm để quay lại đúng hướng, cũng như tiết kiệm thời gian thử và rút kinh nghiệm. Hãy đề xuất các cuộc nói chuyện 15 phút/ tuần hoặc nhận xét qua email báo cáo công việc, thậm chí là chat… miễn sao thuận tiện cho sếp. Mục tiêu vẫn là bạn có thể cải thiện hiệu suất công việc.

{keywords}
 Hỏi đúng câu hỏi giúp bạn đi đúng hướng nhanh hơn (Nguồn ảnh: Pexels)

Tôi có thể làm gì để gia tăng giá trị cho nhóm và công ty?

Câu hỏi nghe có vẻ nghiêm trọng này nếu được trả lời thấu đáo sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn vai trò của mình, kỳ vọng của sếp. Một số nhà quản lý thường không nói ra từ đầu mà để nhân viên mới tự thể hiện bản thân, sau đó mới xác định lộ trình sự nghiệp cho nhân viên này trong tương lai. Nhưng chủ động đặt câu hỏi sẽ giúp bạn ưu tiên thời gian, công sức cho các nhiệm vụ quan trọng nhất.

Anh/ chị sẽ làm gì nếu ở vị trí của tôi?

Hãy chú ý thái độ khi hỏi, để họ hiểu rằng bạn đang đi tìm lời khuyên vì bạn tôn trọng và đánh giá cao chuyên môn của họ. Chưa chắc bạn đã đồng tình với những gợi ý mà họ đề ra, nhưng điều này cũng tạo một kết nối tốt giữa hai người, và cho phép bạn hiểu sâu hơn về cách người quản lý của bạn suy nghĩ, cảm nhận và hành động.

Làm thế nào để tôi có thể phát triển trong vị trí này?

Câu hỏi này có thể khiến sếp đánh giá cao, vì nó cho thấy bạn cầu tiến và có trách nhiệm với công việc. Trong một thế giới biến chuyển không ngừng, tập trung cải thiện và nâng cao kỹ năng cho thấy tầm nhìn xa của nhân sự. Câu trả lời của sếp cũng có thể hé lộ các tiêu chí giúp bạn thăng tiến trong tổ chức.

Tôi có thể làm gì tốt hơn?

Đây là câu hỏi bạn nên đặt ra sau 1 tháng thử việc. Câu hỏi này khuyến khích sếp cung cấp những hướng dẫn rất cần thiết để thu hẹp khoảng cách giữa kỳ vọng của sếp và thể hiện thực tế của bạn trong công việc.

Mỗi người có một cá tính, cách tư duy và phương pháp riêng để nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Chưa chắc tất cả các câu trả lời của sếp trực tiếp đã là đáp án duy nhất đúng mà bạn phải theo đuổi. Nhưng những thông tin thu lượm được từ 7 câu hỏi trên sẽ mang lại một cái nhìn tổng quan hơn, và có thể giúp bạn xây dựng chiến lược để tăng tốc nhanh hơn trong sự nghiệp.

Vĩnh Phú