Phải chăm sóc sức khỏe từ khi chưa bị bệnh

Tại hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện dự án Chăm sóc sức khoẻ nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 sáng nay tại Lâm Đồng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Hầu hết các chỉ số xã hội và sức khoẻ của Việt Nam đều tương đương với những nước có thu nhập cao hơn nhiều so với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với hàng loạt thách thức như quá tải bệnh viện, các bệnh không lây nhiễm tăng nhanh, gánh nặng bệnh tật kép, tốc độ già hoá dân số nhanh, chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương...

Để ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống y tế ở các vùng khó khăn, Bộ Y tế đã đàm phán, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gần 100 triệu USD cho 5 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum thực hiện dự án Chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế chỉ đạo tại hội nghị 

 

Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư 30 triệu USD, triển khai từ 2004 – 2010. Giai đoạn 2, bắt đầu từ năm 2014 và kéo dài đến tháng 6/2020 với số vốn gần 65 triệu USD.

“Sở dĩ Bộ Y tế đàm phán nhiều lần để xin hỗ trợ tiếp giai đoạn 2 do các chỉ số sức khoẻ ở 5 tỉnh như tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, tỉ lệ tử vong mẹ... vẫn còn cao hơn nhiều so với mức trung bình cả nước”, Bộ trưởng Y tế nói rõ.

Theo đó trong giai đoạn 2, Bộ trưởng Y tế yêu cầu dự án phải đặt mục tiêu cải thiện các chỉ số sức khoẻ nói trên, làm sao để người dân tộc, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa được tuyên truyền nâng cao sức khoẻ, biết phòng bệnh bằng cách đi tiêm chủng, biết cách phòng chống các bệnh không lây nhiễm như tiểu đưởng, tăng huyết áp, ung thư... bằng cách bớt ăn mặn, không được hút thuốc lá, vận động thường xuyên... Đây là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ, giống nòi.

“Dự án phải hướng dẫn được bà con phòng bệnh, phát hiện sớm các bệnh, biết cách cải thiện nếp ăn uống, vệ sinh. Giờ xây trạm y tế mới nhưng phải xem có bao nhiêu % người dân đến đo huyết áp, bao nhiêu % đến đo đường huyết. Những xã trong dự án phải phấn đấu không có dịch sởi, tỉ lệ tiêm vắc xin phải cao, khống chế được sốt xuất huyết, tay chân miệng, đặc biệt là khống chế được sốt rét. Giờ phải có sản phẩm đầu ra chứ không thể nói chung chung”, Bộ trưởng Y tế chỉ đạo.

Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn cuối, dự án cần tập trung khâu dự phòng, đặc biệt với các bệnh không lây nhiễm – là nguyên nhân gây ra hơn 70% các trường hợp tử vong tại Việt Nam. Thực tế, các bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư... có tới 40% do lối sống, 20% do di truyền, 10% phụ thuộc vào dịch vụ y tế.

Bộ trưởng nhấn mạnh, dự phòng lâu nay chỉ nghĩ đến chống dịch, tiêm chủng, vệ sinh môi trường là không đúng, đó chỉ là một khúc trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Dự phòng giờ phải phòng được các bệnh không lây nhiễm, phải phòng bệnh trước khi bị bệnh nặng.

“Chúng ta không dám mơ như các nước khám sàng lọc cả ung thư, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính... Giờ chỉ cần đo huyết áp thôi, hiện Bộ Y tế đang phấn đấu mọi người dân trưởng thành được đo huyết áp chứ như hiện nay, nhiều cán bộ viên chức đến lúc khám sức khoẻ mới biết bị mạch vành, huyết áp cao. Đó là không phải không được chăm sóc mà không biết chăm sóc”, Bộ trưởng Kim Tiến nói.

Y tế cơ sở thay đổi chóng mặt

TS Hà Văn Thúy, Giám đốc Dự án cho biết, trong giai đoạn 2, dự án tiếp tục đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao của người dân 5 tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng thiệt thòi khác.

Dự án tập trung vào 3 hợp phần: Tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại tuyến xã; cải thiện chất lượng và tiếp cận dịch vụ y tế tại bệnh viện và tăng cường năng lực quản lý tại các tuyến.

Qua hơn 4 năm thực hiện, tất cả các hoạt động gồm: Mua sắm xe cứu thương, thiết bị y tế, thiết bị văn phòng, tuyển chọn tư vấn, xây dựng cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực, truyền thông… đã được triển khai thực hiện đồng bộ ở cả tuyến trung ương và địa phương.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế hỏi han người dân đến khám bệnh tại trạm y tế xã Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng


Trong đó dự án đã đầu tư xây dựng và bàn giao được 51/58 trạm y tế xã, 1/9 phòng khám đa khoa khu vực, 6/15 bệnh viện huyện. Như vậy, dự án đã trao hợp đồng xây dựng 70/83 công trình.

Ngoài ra, ông Thúy cho biết, dự án đã bàn giao 22 xe ô tô cứu thương và các trang thiết bị thiết yếu cho các đơn vị; đào tạo, đã hỗ trợ gần 9.000/11.861 cán bộ, bao gồm cả đào tạo dài hạn BSCKI, BSCKII, BS liên thông và các khoá đào tạo ngắn hạn.

Ông Thúy nhấn mạnh, thành quả của dự án y tế tại Tây Nguyên không chỉ giúp người dân nâng cao nhận thức mà còn giúp y tế cơ sở phát triển vượt bậc, có bệnh viện huyện vượt bệnh viện tỉnh thu hút bệnh nhân.

“Đơn cử như tại BV đa khoa huyện Đắk R'lấp, số bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú đã vượt bệnh viện tỉnh Đắk Nông. Người dân ngày càng tin tưởng vào y tế cơ sở, điều trị ngay tại địa phương”, ông Thúy chia sẻ.

Ông Thúy cũng cho biết, nhờ những hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đã làm cho bộ mặt của nhiều trạm y tế, trung tâm y tế huyện thay đổi, khang trang đẹp đẽ và được mua sắm, bổ sung nhiều trang thiết bị y tế hiện đại.

Người dân nhiều địa phương đã thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khoẻ, đã đến trạm y tế sinh đẻ nhiều hơn, đã chủ động tham gia khám sàng lọc và quản lý một số bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư, hen, COPD... 

{keywords}
Người dân xã Đạ Ròn đến trạm y tế xã đo huyết áp

 

Trước đó vào chiều 10/1, Bộ trưởng Y tế đã trực tiếp đi thăm trạm y tế xã Đạ Ròn, trạm y tế xã Thạnh Mỹ, Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng. Đây đều là những đơn vị được dự án đầu tư trong giai đoạn 2.

Bộ trưởng đánh giá cao những thay đổi mang tính bước ngoạt của 2 trạm y tế, tiếp nhận nhiều người dân đến sinh đẻ, đến kiểm tra huyết áp, có vườn thuốc nam, phòng chờ, nhà vệ sinh sạch đẹp...

Riêng tại TTYT huyện Đơn Dương có khu khám bệnh, điều trị nội trú, phòng mổ khang trang. Hiện đã có khoảng trên 90% người dân huyện này được khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe, trong đó đang quản lý hơn 3.000 bệnh nhân tăng huyết áp, gần 700 bệnh nhân đái tháo đường, 284 bệnh nhân ung thư, 56 bệnh nhân hen và 67 bệnh nhân COPD...

Thúy Hạnh

Bộ trưởng Y tế yêu cầu cả ngành tập thể dục trong giờ giao ban

Bộ trưởng Y tế yêu cầu cả ngành tập thể dục trong giờ giao ban

- Bộ Y tế đã bắt đầu khởi động chương trình tập thể dục tại chỗ trong giờ giao ban, tiến tới nhân rộng tới toàn ngành.