Ở độ tuổi 45 - 55, do chức năng buồng trứng suy giảm nên 85% phụ nữ mắc hội chứng tiền mãn kinh với mức độ khác nhau...
Theo y học cổ truyền, đây là hậu quả của tình trạng thận khí suy nhược, tinh huyết sút kém, kinh mạch hư tổn, công năng tạng phủ rối loạn dẫn đến mất cân bằng âm dương trong cơ thể.
Ảnh minh họa |
Để khắc phục, một trong những phương pháp tốt nhất là sử dụng các món ăn thích hợp. Cách này rất đơn giản nhưng cho hiệu quả rất lớn. Sau đây là một số món ăn bài thuốc cụ thể:
Thể thận dương hư
Đông trùng hạ thảo 10g, thịt gà 250g. Thịt gà rửa sạch, cho vào nồi, đun sôi, hớt bọt. Cho đông trùng hạ thảo vào, hầm nhỏ lửa cho nhừ, chia làm 2 lần ăn trong ngày.
Tôm nõn loại to 10 con, gạo kê 100g, dầu vừng, gia vị vừa đủ. Tôm rửa sạch, thái nhỏ, nấu với gạo kê thành cháo rồi chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Thể can thận âm hư
Táo nhân 30g, sinh địa 30g, gạo tẻ 100g. Táo nhân đập vụn, sinh địa thái phiến, sắc kỹ cả hai vị lấy 200ml nước thuốc rồi cho gạo vào nấu thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.
Tang thầm (quả dâu chín) 50g, đường trắng 200g, bột mì 300g, trứng gà 5 quả. Tang thầm rửa sạch, sắc lửa nhỏ trong 20 phút rồi lọc bỏ bã lấy nước, cho đường, bột mì, trứng gà vào trộn đều, nặn thành bánh, nướng chín dùng dần. Ngày ăn 2 lần, mỗi lần 50-100g.
Thể tâm tỳ lưỡng hư
Thịt gà ác 200g, hà thủ ô 20g, hoàng kỳ 15g, đại táo 10 quả. Thịt gà rửa sạch, thái miếng, đại táo bỏ hạt, hà thủ ô và hoàng kỳ cho vào túi vải, buộc kín. Tất cả cho vào nồi đất, chế nước vừa đủ, đun to lửa cho sôi rồi dùng lửa nhỏ hầm kỹ trong 2 giờ, bỏ túi thuốc, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần.
Long nhãn 30g, nhân sâm 3g, nấm linh chi 5g. Tất cả tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà hằng ngày. Có thể chế thêm một chút đường phèn cho dễ uống.
Nấm linh chi 5g, viễn chí 10g, tam thất 10g, ngũ vị tử 4g, hạt sen 10g. Tất cả tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, chế thêm một chút đường, uống thay trà trong ngày.
Xem thêm: Viêm gan b, Bệnh tay chân miệng, viêm gan c
(Theo Sức khỏe & Đời sống)