Ngày 14/3, TAND TP Hà Nội đưa đường dây mua bán bộ phận cơ thể người ra xét xử theo trình tự sơ thẩm.
Theo đó, các bị cáo Nguyễn Phương Hồng (SN 1985, ở Thái Nguyên), Thàng Văn Thân (SN 1993, ở Lào Cai), Thái Phúc Bình (SN 1972, ở Hà Nội), Lê Văn Tứ (SN 1991, ở Phú Thọ), Đường Khắc Nghĩa (SN 1987, ở Thái Bình), Nông Văn Thức (SN 1990, ở Lào Cai) bị đưa ra xét xử về tội Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Trong đó, bị cáo Nghĩa, Thức, Thân và Tứ đều làm nghề dịch vụ lái xe đưa đón bệnh nhân tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nên có quan hệ quen biết nhau.
Cáo buộc cho rằng, quá trình làm việc tại đây, các bị cáo biết có nhiều bệnh nhân bị suy gan, suy thận có nhu cầu mổ ghép, thay gan, thận nên đã tìm kiếm những người có nhu cầu bán để thỏa thuận việc mua bán với mục đích hưởng lợi tiền công môi giới.
Trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 9/2022, các bị cáo chủ động tìm kiếm những người cần tiền, có nhu cầu bán gan, thận và những bệnh nhân suy gan, thận ở giai đoạn cuối, cần mổ ghép thay.
Để hợp thức hóa thủ tục, các bị cáo hướng dẫn người có nhu cầu bán gan, thận làm thủ tục hiến gan, thận, có xác nhận của UBND xã nơi cư trú rồi nộp đăng ký này tại các bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Quân y 103, Hữu nghị Việt - Đức.
Bằng thủ đoạn nêu trên, các bị cáo đã thực hiện 6 vụ môi giới mua bán gan, thận. Cáo buộc cho rằng, bị cáo Nghĩa tham gia 3 vụ, được hưởng 410 triệu đồng; Thức 3 vụ, hưởng lợi 360 triệu đồng; Thân 2 vụ, được 189 triệu đồng; Tứ 2 vụ, hưởng 55 triệu đồng; Hồng 1 vụ, được 220 triệu đồng.
Con nhỏ theo chân mẹ đến tòa
Trong số các bị cáo thì Thàng Văn Thân từng hiến thận cho ông Thái Phúc Bình nên ông Bình nhận Thân làm con nuôi. Trình bày tại tòa, ông Bình cho hay, bản thân bị cáo tham gia quản trị viên của nhóm Facebook “Cộng đồng bệnh nhân chạy thận và ghép thận”, thường xuyên làm từ thiện để giúp đỡ những bệnh nhân suy thận có hoàn cảnh khó khăn.
Hơn ai hết, bị cáo hiểu được việc người bệnh mà gặp được người chấp nhận hiến thận, gan thì quý báu như thế nào.
Vì vậy, khoảng tháng 6/2022, ông Bình thấy trên nhóm có bài đăng với nội dung cần người hiến gan cho ông H. (SN 1968). Khi đó, ông Bình đã trao đổi với Thân để tìm người muốn bán gan để mua, ghép cho ông H.
Thân lại gọi điện cho bị cáo Nguyễn Phương Hồng nhờ tìm người bán gan có nhóm máu O. Hồng đồng ý và cùng đi tìm người hiến gan.
Trong khoảng thời gian đó, một người đàn ông vì làm ăn thua lỗ, không có tiền trả nợ nên đã sẵn sàng bán gan của mình với giá 680 triệu đồng để lấy tiền trả nợ. Gan của người đàn ông này sau đó được bị cáo Thân mua lại với giá hơn 1,3 tỷ đồng. Thân đã bán lại gan cho ông H. để thu về hơn 1,7 tỷ đồng.
Các bị cáo cũng đã hướng dẫn người này làm thủ tục hiến gan lấy xác nhận của UBND xã nơi cư trú rồi nộp đăng ký hiến gan.
Sau khi ca phẫu thuật của ông H. thành công, ông Bình được con nuôi trả cho số tiền 120 triệu đồng. Bị cáo Hồng cũng được nhận số tiền công là 220 triệu đồng
Theo lời khai của ông Bình, số tiền 120 triệu đồng kể trên ông đã đem đi làm từ thiện để giúp các bệnh nhân suy thận có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Ông Bình cho biết, bản thân ông bệnh tật, thời gian sống không còn nhiều, ông không ý thức được việc mình làm là vi phạm pháp luật, mong được hưởng lượng khoan hồng.
Trong số các bị cáo, Nguyễn Thị Hồng phạm tội khi đang mang thai. Ngày bị cáo hầu tòa, đứa con nhỏ hơn 1 tuổi cũng theo chân mẹ dự tòa. Trong khi người mẹ đứng trước bục khai báo, đứa nhỏ đưa mắt ngơ ngác nhìn khắp xung quanh đầy sợ sệt.
Thấy mẹ vẫy tay, đứa nhỏ chập chững đi về phía mẹ. Bị cáo Hồng được phép bế con nhỏ khai tội. Đứa bé trong tay Hồng áp mặt vào vai mẹ, khẽ ngân nga giai điệu rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt các bị cáo mức án Hồng 15 năm tù; Thân 13 năm; Bình 12 năm. 3 bị cáo còn lại nhận án từ 7-9 năm tù.
Theo nhận định của HĐXX, hành vi của các bị cáo rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm tới sức khỏe của con người, xâm phạm mục đích nhân đạo cá nhân.