- Trực tiếp kiểm tra tuyến QL1 từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ dừng thu phí tại trạm Đèo Ngang từ ngày 10/7 vì đường quá xấu.

Trưa 9/7, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng kiểm tra các công trình trên QL1 đoạn Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế, xác định mặt đường trước cửa hầm đường bộ qua Đèo Ngang do Tổng công ty Sông Đà là Nhà đầu tư BOT bị hằn lún vệt bánh xe gây nguy hiểm, mất ATGT.

{keywords}

Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết định cho dừng thu phí trạm qua Đèo Ngang ngay tại hiện trường.

Tận mắt kiểm tra và chứng kiến đoạn đường trước cửa hầm biến dạng hình gồ sống trâu ngay đoạn trước cửa phía bắc Đèo Ngang, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo: “Đường như thế này thì không thể thu tiền của dân được...”.

Ngay lập tức Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ làm công văn hoả tốc yêu cầu chủ đầu tư dừng thu phí tại đoạn đường này cho đến khi khắc phục triệt để đường hư hỏng.

Lập tức, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Nguyễn Văn Huyện đã yêu cầu nhà đầu tư BOT và DN dự án BOT phải dừng thu phí tại trạm thu phí sử dụng cho dự án hầm đường bộ Đèo Ngang bắt đầu từ 9h ngày 10/7.

Việc thu phí tại trạm này sẽ bị dừng cho đến khi nhà đầu tư sửa chữa khắc phục toàn bộ các hư hỏng trên”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện khẳng định.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng giao Cục Quản lý đường bộ II cử Thanh tra và đơn vị trực thuộc tổ chức giám sát nhà đầu tư BOT và DN BOT trong việc thực hiện dừng thu phí và khắc phục tồn tại về quản lý, bảo trì công trình đúng với chỉ đạo trên.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị Công an, Sở GTVT Hà Tĩnh, Sở GTVT Quảng Bình phối hợp, hỗ trợ Cục Quản lý đường bộ II và các lực lượng liên quan tổ chức giám sát việc dừng thu phí cho đến khi khắc phục xong các tồn tại về quản lý, bảo trì để giao thông qua công trình BOT thông suốt, an toàn trong suốt thời hạn Hợp đồng BOT và việc sửa chữa khắc phục các tồn tại về chất lượng tại công trình này.

Hầm đường bộ Đèo Ngang được đưa vào khai thác sử dụng vào tháng 8/2004, theo hình thức đầu tư BOT. Chiều dài của hầm gần 500m, nối với đường dẫn hai đầu chừng 2km.

Hầm có chiều rộng 11,5m, cao 7,5m với 6 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m, đảm bảo cho các phương tiện cơ giới đạt tốc độ tối đa 60km/ giờ. Dự án này có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, thu phí hoàn vốn trong vòng 18 năm.

Sau khi đưa vào sử dụng, hầm đường bộ Đèo Ngang đã rút ngắn được khoảng cách 4,5km di chuyển (tương đương 13 - 15 phút) cho các phương tiện cơ giới lưu thông qua 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Vũ Điệp