Việc tuyến đường tránh TP. Hà Tĩnh liên tục xuống cấp nghiêm trọng, trên tuyến đường tồn tại nhiều hạng mục hết sức “vô duyên” đã khiến dư luận không khỏi nghi vấn có sai phạm trong quá trình thiết kế, giám sát và thi công công trình gần 500 tỷ này.

Để có được thông tin chính thức, PV. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Viết Huân, nguyên Trưởng BQL Dự án đường tránh TP. Hà Tĩnh, nguyên Chủ tịch HĐ thành viên Cty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà, hiện đang giữ chức vụ Tổng GĐ.

Liên tục xuống cấp, do đâu?

Như đã thông tin, tuyến đường tránh TP. Hà Tĩnh đã liên tục xuống cấp từ sau khi được đưa vào sử dụng. Mặt đường xuất hiện hàng nghìn ổ voi, ổ gà, gồ ghề khiến cho người tham gia giao thông trên tuyến đường này luôn có tâm lý bất an. Và thực tế đã có nhiều vụ tai nạn.

Nhiều hạng mục được thiết kế rất “vô duyên” trên suốt tuyến đường đã làm cho lòng đường bị thu hẹp dẫn tới nền đường bị dồn nén quá nhiều dẫn tới xuống cấp. (Ảnh: DT)


Tiếp thu phản ánh, đơn vị quản lý là Cty hạ tầng Sông Đã đã cho công nhân và phương tiện đến vá những ổ voi trên tuyến đường. Nhưng điều dư luận quan tâm là việc sửa chữa mang tính chất tạm thời này đã quá nhiều lần, và đâu lại vào đó. Trên mặt đường hiện vẫn tồn tại nhiều vết nứt nẻ, sẵn sàng bị xé tung ra khi các phương tiện đi qua.

Mới đây nhất, sau nhiều lần gửi công văn đề nghị chủ đầu tư sửa chữa không có kết quả, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã đề xuất với Bộ GTVT cho đóng cửa trạm thu phí tại Cầu Rác nếu chủ đầu tư tiếp tục chậm triển khai khắc phục tuyến đường này.
 
Ông Lâm Viết Huân, nguyên Trưởng BQL Dự án đường tránh TP. Hà Tĩnh, hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (đơn vị được Tập đoàn Sông Đà giao nhiệm vụ quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh) cho biết: Giải pháp vá ổ voi chỉ là tạm thời, hiện tuyến đường này đang tồn tại “nhiều vấn đề”.

Ông Huân cho hay, có thể lớp đá làm cốt liệu cho bề mặt không đạt yêu cầu, mà ở đây có thể là đá dăm 1x2 quá mềm dẫn đến hiện tượng bị rạn, vỡ khi có áp lực tải trọng đè lên. Khi đá vỡ vụn ra, không còn chất kết dính nên cấp phối ban đầu sẽ không còn đảm bảo, dẫn đến kết cấu áo đường bị phá vỡ.
 

Một ổ voi đang được lấp đá. Sự xuống cấp liên tục, nghiêm trọng trên tuyến đường này đã khiến dư luận nghi vấn có sai phạm trong quá trình thiết kế, giám sát, thi công. (Ảnh: DT)


Theo ông Huân, thiết kế của đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng 533 - thuộc Cienco5) cũng có vấn đề, thể hiện rõ nhất là trên tuyến đường khiến tuyến đường thêm xuống cấp.

Trước sự xuống cấp như vậy, công ty này đã “cầu cứu” đơn vị tư vấn 533 đến kiểm tra, thế nhưng “đâu lại vào đấy”. Dư luận khó chấp nhận được kiểu 'vừa đá bóng, vừa thổi còi' kiểu này. Bởi thiết kế công trình này là con đẻ của 533, vậy việc kiểm tra có thể khách quan?

Với tư cách là đại diện cho chủ đầu tư quản lý dự án tuyến đường tránh, ông Huân không nhắc gì đến trách nhiệm của cá nhân mình trong thời kỳ là người đứng đầu quản lý dự án.

“Việc đầu vào của nguyên liệu không đảm bảo thuộc về trách nhiệm của tư vấn giám sát Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Giao thông I. Họ được chủ đầu tư thuê để giám sát xây dựng công trình, nhưng đã không đảm bảo kiểm soát chất lượng của vật liệu đầu vào. Sai phạm này của họ chúng tôi đã kiểm điểm trong các cuộc họp rồi” – ông Huân nói.

Thuê đơn vị của Bộ GTVT vào cuộc

Trước thực trạng xuống cấp trên, những nghi vấn có sai phạm trong quá trình thiết kế, giám sát, thi công, Tập đoàn Sông Đã đã chỉ đạo, trước mắt khắc phục những hư hỏng để phục vụ cho các phương tiện đi lại, và để tìm ra “căn bệnh” thực sự của tuyến đường này, tập đoàn đã chỉ đạo thuê Viện Khoa học & Công nghệ GTVT (trực thuộc Bộ GTVT) vào cuộc kiểm tra.

Trong hợp đồng có nêu rõ, từ đầu tháng 11/2011 đến nay, một đoàn công tác của Viện Khoa học & Công nghệ GTVT đã vào tiếp nhận đầy đủ hồ sơ tài liệu liên quan đến dự án.
 

Những ổ voi đang được vá víu tạm thời. “Căn bệnh” thực sự của tuyến đường này sẽ có sau khi Viện Khoa học & Công nghệ - Bộ GTVT có kết quả kiểm tra. (Ảnh: DT)


Đoàn công tác của viện này đã tiến hành khảo sát đồng loạt, đo đạc chi tiết các hư hỏng nền mặt đường; thực hiện khoan cắt mặt đường, lấy mẫu thí nghiệm đánh giá các chỉ tiêu cơ lý; kiểm tra chất lượng nền đắp bằng thí nghiệm trùm xuyên động DCP; đo mô đuyn đàn hồi bằng cần đo võng Belkenman; thực hiện công tác đếm và cân xe…

Dự kiến trung tuần tháng 12/2011 này đơn vị tư vấn nói trên sẽ có báo cáo đánh giá toàn diện nguyên nhân dẫn đến thực trạng tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh xuống cấp gửi chủ đầu tư và cơ quan chức năng.

Việc thuê đơn vị độc lập, có năng lực này vào cuộc không chỉ giúp Tập đoàn Sông Đà xác định chính xác nhất nguyên nhân khiến tuyến đường xuống cấp, mà kết quả đánh giá của viện này sẽ còn giúp tập đoàn này có cơ sở để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến quá trình triển khai dự án.

Duy Tuấn