Việt Nam chủ động, nỗ lực triển khai các khuyến nghị UPR

Hôm 24/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) do Bộ Ngoại giao và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định nỗ lực, cam kết và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III đã được chấp thuận.

Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong một giai đoạn đầy biến động của thế giới với nhiều thách nổi lên như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, an ninh lương thực, xung đột vũ trang ảnh hưởng lâu dài về mọi mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, thậm chí đẩy lùi quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại nhiều quốc gia và đặt ra những trở ngại chưa từng có đối với việc đảm bảo các quyền con người cơ bản.

ba na cong dong thieu so dau tien o tay nguyen biet doc biet viet va biet lam tinh 3e91bff6b17f4858a6cbd8965786a7e5.jpg
Ảnh minh hoạ

Trong khoảng thời gian này, Việt Nam đã hết sức nỗ lực triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III được chấp thuận, đặc biệt trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, giảm nghèo đa chiều bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Những kết quả này đã được các nước, các tổ chức quốc tế và các cơ chế nhân quyền của LHQ đánh giá cao.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định, Việt Nam rất coi trọng tiến trình UPR và luôn bảo đảm sự tham gia của tất cả các bên liên quan trên nguyên tắc minh bạch, hợp tác, đối thoại thực chất và xây dựng. Đồng thời, tiến trình UPR không chỉ là cơ hội để rà soát tiến độ thực hiện các khuyến nghị, đánh giá các thành tựu mà quan trọng là xác định những lĩnh vực cần được cải thiện, rút ra những bài học kinh nghiệm. Vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận, cung cấp những ý kiến, thông tin đóng góp thiết thực, hữu ích theo hướng đó, cũng như đề xuất các hướng ưu tiên, nhu cầu hợp tác của Việt Nam, các đối tác phát triển và các bên liên quan.

Cơ hội để nỗ lực thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị

Đánh giá về những thành tựu của Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh việc duy trì quyền con người ở mọi khía cạnh vẫn là yếu tố rất quan trọng để viết chương tiếp theo của câu chuyện thành công về phát triển của Việt Nam.

Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 là trách nhiệm to lớn, nhưng cũng là cơ hội rất quan trọng để nỗ lực gấp đôi trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Trong số các cam kết của Việt Nam khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, điều đáng khích lệ là Việt Nam đã ưu tiên thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình theo các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã phê chuẩn 7 trên 9 điều ước.

"Với vị trí là một đối tác đáng tự hào và lâu dài của Việt Nam trong hơn 45 năm qua, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển và các lực lượng trong xã hội, để bảo đảm quyền con người là trung tâm của mọi nỗ lực phát triển", Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc Pauline Tamesis khẳng định.

Nhóm PV