Quảng Nam 1.jpg
Đoàn xã Duy Sơn (Duy Xuyên) phát huy hiệu quả mô hình “Chuyến xe cải cách hành chính”. Ảnh: H.N

Nỗ lực vào cuộc

Ông Trần Văn Hiền (khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước) đến Trung tâm Hành chính công huyện Duy Xuyên để thực hiện một số hồ sơ thủ tục hành chính và cảm thấy hài lòng vì thủ tục nhanh gọn.

“Bằng các hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, công dân đến giải quyết thủ tục ở huyện rất thuận tiện. Qua bảng niêm yết thủ tục bằng QR Code, tôi dễ dàng tìm hiểu thành phần hồ sơ cần thiết khi đăng ký kinh doanh nên chuẩn bị hồ sơ đảm bảo, được cán bộ chuyên môn tiếp nhận xử lý ngay. Ngoài ra, việc nộp phí, lệ phí qua tài khoản cũng rất thuận lợi” - ông Hiền chia sẻ.

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, huyện Duy Xuyên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư hạ tầng công nghệ.

Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, ngay từ đầu năm, chính quyền từ huyện đến cơ sở tổ chức quán triệt các chương trình thực hiện chuyển đổi số của ngành cấp trên và Huyện ủy đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Quảng Nam 2.jpg
Duy Xuyên đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo động lực cho sự phát triển. Ảnh: H.N

 Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa bằng kế hoạch chuyển đổi số toàn diện. Tại các cuộc giao ban hàng tuần, cuộc họp UBND thường kỳ đều triển khai, đôn đốc nhiệm vụ chuyển đổi số.

Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Duy Xuyên thực hiện hàng trăm bản tin chuyên mục phát thanh “Chuyển đổi số và cải cách hành chính” tới tất cả hệ thống phát thanh cơ sở.

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) huyện được đầu tư và đi vào hoạt động hiệu quả với 6 hợp phần trên các lĩnh vực. Đồng thời chính quyền huyện Duy Xuyên đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông phục vụ chuyển đổi số với tổng kinh phí hơn 11,5 tỷ đồng. Nhờ vậy, doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận với những thủ tục hành chính cần thiết.

Nâng cao chất lượng phục vụ

Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Duy Xuyên chú trọng triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu trong lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Quảng Nam 3.jpg
 Sản phẩm OCOP của huyện Duy Xuyên đều sử dụng mã số, mã vạch, dán tem QR Code. Ảnh: H.N

Đến nay, tất cả cơ quan, đơn vị và UBND 14 xã, thị trấn duy trì khai thác, sử dụng chức năng quản lý hồ sơ công việc và ký số văn bản đi trên hệ thống chính quyền điện tử, phần mềm chứng thực bản sao điện tử, phần mềm quản lý giao dịch điện tử hồ sơ đất đai.

Các trường học triển khai phần mềm quản lý hồ sơ hoạt động giáo dục, quản lý giáo án, chữ ký số nhà trường và chữ ký số cán bộ quản lý, giáo viên, quản lý thư viện.

Trung tâm Hành chính công của huyện tiếp tục thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử”, bao gồm: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu - ký số, trả kết quả; cung cấp 252 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 280 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp huyện trên cổng dịch vụ công của tỉnh, đạt tỷ lệ 90%.

Tỷ lệ thực hiện số hóa hồ sơ đầu vào đạt 100%, tỷ lệ hồ sơ số hóa kết quả giải quyết đạt 100%. Một trong những điểm nổi bật trong chuyển đổi số của Duy Xuyên phải kể đến là việc phát triển thương mại điện tử; sản phẩm OCOP của huyện đều sử dụng mã số, mã vạch, dán tem QR Code…

Quảng Nam 4.jpg
Toàn huyện Duy Xuyên có 100% sản phẩm OCOP sử dụng mã số, mã vạch, dán tem QR Code. Ảnh: H.N

Xác định tầm quan trọng Đề án số 06 của Chính phủ, thời gian qua Công an huyện Duy Xuyên tích cực tham mưu UBND huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các giải pháp nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện hiệu quả đề án này.

Qua thống kê, đến cuối năm 2023 Duy Xuyên hoàn thành việc cập nhật, làm sạch dữ liệu dân cư cũng như chỉ tiêu thu nhận và cấp căn cước công dân. Ngoài ra, huyện triển khai đồng bộ, hiệu quả 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06. Kết quả thu nhận và kích hoạt tài khoản định danh điện tử các mức 1, mức 2 đều đạt tỷ lệ hơn 95%.

Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói: “Chúng tôi đặc biệt phát huy vai trò của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số. Đồng thời đưa kết quả triển khai chuyển đổi số thành chỉ tiêu đánh giá của các ngành, các cấp và cán bộ, công chức…

Duy Xuyên đang phấn đấu trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các mũi đột phá chiến lược, tạo đòn bẩy cho sự phát triển bền vững”.

Theo Hoài Nhi/(Báo Quảng Nam)