- Kỳ thi tốt nghiệp vào tháng 6 tới diễn ra trong bối cảnh thời sự nóng bỏng: Trung Quốc đặt giàn khoan haiyang shiyou-981 tại thềm lục địa Việt Nam. Trao đổi với VietNamNet, nhiều giáo viên cho biết, khi ôn tập, cả cô và trò đều cập nhật nghiêm túc sự kiện này và mong đề thi sẽ đề cập tới.

Môn Ngữ văn: Hy vọng ít bài văn hô khẩu hiệu

{keywords}
Học sinh thi tốt nghiệp năm 2013. Ảnh: Văn Chung

"Gặp thời" nhất có lẽ là môn Ngữ văn. Mấy năm nay, ở các kỳ thi quốc gia (tốt nghiệp và đại học), trong cấu trúc đề thi Ngữ văn đều có câu hỏi mở (3 điểm) lấy một vấn đề thời sự xã hội đưa vào để học sinh bình luận. Đề tài được chọn thường là: sự giả dối - trung thực, tinh thần cởi mở, v.v...

Vận dụng "đề mở" này, nhiều giáo viên đã ra các đề thi đề cập tới tình yêu đất nước trong đợt thi thử vừa qua, trường hợp một cô giáo ở Hà Nội đưa bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" là ví dụ.

Hi vọng đề thi tốt nghiệp có nội dung về biển Đông hay tình yêu tổ quốc, cô giáo Thu Trang, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) nói:

“Có những em đầu nhuộm xanh đỏ, nhưng khi chạm đến chủ quyền đất nước thì đều nói với sự xúc động chân thành".

Theo cô Trang, cái được của việc này sẽ nhiều hơn, lấn át đi những lo lắng về vốn kiến thức còn hạn chế về sự việc cụ thể của học sinh.

“Học sinh dù sao còn ít tuổi, phát ngôn không đến nơi đến chốn hoặc đọc thông tin trái chiều chưa chính xác. Nhưng dù sao đây cũng là bài văn, người chấm ở góc độ bài thi không đặt vấn đề chính trị nhiều và không vì vậy mà quy kết, áp đặt các em.” – cô Trang nêu ý kiến.

Tuy nhiên, phong trào "ra đề văn với chủ đề tình yêu đất nước" cũng cho ra đời những bài văn từa tựa nhau. Các em viết về tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với Tổ quốc rất hào hùng và...chung chung.

"Nếu được ra đề thi với chủ đề này, tôi cần một độ lắng dịu nhất định, không nói về sự kiện này một cách trực tiếp. Ví dụ có thể ra một cái đề về trách nhiệm công dân,  không bàn gì giàn khoan cả, nhưng "gài" làm sao để học sinh đưa ví dụ dàn khoan vào bài mà suy nghĩ.  Về cơ bản, tôi mong môn văn đừng thô thiển đưa trực diện rồi bắt học sinh hô khẩu hiệu" - cô giáo Vân ở Khánh Hòa chia sẻ.

Môn Lịch sử: Cơ hội xóa định kiến

Cô Dương Ngọc, một giáo viên ở Ninh Bình dự đoán: Đưa sự kiện "hạ đặt giàn khoan Haiyang 981" vào đề thi môn Lịch sử sẽ "lấy điểm với dư luận và xóa đi định kiến về một môn học giáo điều máy móc trong nhà trường". Nhưng đưa thế nào thì không dễ, cô Ngọc nói.

Điều này được GS Đỗ Thanh Bình (khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) phân tích rõ hơn.

Theo ông, khi chương trình học không có nội dung dạy về chủ quyền biển đảo thì đề thi khó xuất hiện câu hỏi tương tự.

"Nội dung, chương trình SGK phổ thông cần sớm được sửa, bổ sung những sự kiện quan trọng đối với dân tộc như cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 hay vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo" - GS Bình đề xuất. Nếu SGK không viết, người trẻ quan tâm cũng sẽ tự tìm thông tin cho mình qua các kênh khác nhau. Nhưng với việc cập nhật thông tin trong tài liệu chính thống như SGK sẽ giúp định hướng thông tin cho người học.

Nói về chuyện "bài làm nhạy cảm", GS Bình đưa quan điểm: “Mục đích của học sinh đi thi trước hết là phải đạt được điểm. Trước một vấn đề hệ trọng của quốc gia, dân tộc tôi tin và không sợ các em sẽ đi quá đà hay có bài làm phản cảm. Những ngày qua qua báo chí và các kênh truyền thông bản thân mỗi em đã và sẽ được bồi đắp kiến thức, hiểu biết nhất định về chủ quyền biển đảo để lập luận cho bài viết tăng tính thuyết phục”.

  • Văn Chung - Song Nguyên