Nhắc đến FIFA, người ta sẽ nghĩ đến một game rất nổi tiếng gắn mác của EA. Ở châu Âu, nơi bóng đá là môn thể thao tối thượng, doanh số của FIFA tăng theo cấp số nhân trong vòng 5 năm. Chỉ tính riêng phiên bản FIFA 2013thôi cũng đã bán được gần 12,5 triệu bản. Với sự xuất hiện của FIFA 2015 vào tháng 10 năm ngoái, dự kiến con số doanh thu sẽ chỉ có tăng thêm.

Thế nhưng, dù có lượng người chơi "khủng" cùng một thương hiệu mang tính cạnh tranh cao nhất, EA vẫn không có nổi một giải đấu quốc tế đúng nghĩa, một trong những cách đẩy mạnh tên tuổi cho FIFA tốt hơn bất cứ phương thức quảng cáo nào. Liệu EA có thể giải quyết được vấn đề này như thế nào nếu như học theo một trong những nhà phát triển có bộ môn eSports được ưa chuộng nhất: League of Legend?

Hợp tác với những bên có ích cho mình

FIFA có một lợi thế mà bất cứ game eSports nào muốn thành công cũng cần phải có: sự hậu thuẫn từ một "ông lớn" trong ngành game. Hơn nữa, tính chất cạnh tranh của môn bóng đá khiến FIFA phù hợp để trở thành eSports và tổ chức thi đấu giải. Thế nhưng, đến nay FIFA chưa có một giải đấu hoành tráng nào cả. Những giải đấu FIFA quốc tế chúng ta vẫn thấy trước nay đều do bên thứ ba thực hiện, chẳng hạn, các tổ chức uy tín như ESL hay ESWC. Tuy nhiên, các sự kiện của họ rất đa dạng, đồng thời mối quan tâm của họ vẫn là những game như Counter-Strike, Dota 2 StarCraft 2. Vì thế, mối quan tâm của khán giả rất thấp và tiền thưởng lúc nào cũng ít, chỉ trên dưới khoảng 10.000 USD. Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ là giải EA Sport Challenge Series 2013 do World Gaming tổ chức, tổng trị giá giải thưởng lên đến 400 nghìn USD, trong đó 140 nghìn được trao cho cá nhân thắng cuộc.

Nếu EA muốn FIFA đứng top eSports, họ nên học tập theo League of Legend của Riot Games. Hãy tự mình tổ chức các giải đấu thường niên để tôn vinh người chơi, đồng thời tạo thành phong trào cho người hâm mộ.

Trước nay, EA vẫn có FIFA Interactive World Cup nhưng như vậy chưa đủ. EA nên làm tất cả để người chơi biết đến giải đấu của mình, từ thông tin chung cho đến tin tức về những game thủ tham gia, đồng thời hỗ trợ mạnh cho những nơi tổ chức giải bằng game của mình. Việc này không chỉ dựa vào sức mạnh của EA mà còn phải nhờ đến cả một hệ thống truyền thông khổng lồ, cả báo chí, truyền hình và các streamer đứng đằng sau.

Đừng hẹp hòi khi mở hầu bao

Tất nhiên, tiền bạc không làm nên đam mê, nhưng để nuôi được đam mê thì phải có tiền. Để game thủ trên toàn thế giới đổ hết tâm trí vào một giải đấu, hãy cho họ thấy những gì họ nhận được sau đó là xứng đáng. Tiền thưởng cho giải đấu không phải chỉ là khoản duy nhất, đi kèm với nó còn là tài trợ, tiếp cận game thủ, tiếp thị, quảng cáo (hoành tráng thì có thể làm hẳn một bộ phim tài liệu giống như Riot Games làm Road to Worlds cho giải League of Legends 2014 World Championships). Tất cả đều cần đến tiền, rất nhiều tiền.

Nhưng lợi thế của FIFA còn lớn hơn cả League of Legend. FIFA là game ra hàng năm, doanh thu năm nào cũng mấy chục triệu đô và năm nào cũng tăng trong khi League of Legend là game F2P, vì thế tiền bạc không phải vấn đề. Kể cả khi EA không muốn làm thì fan của họ vẫn sẵn sàng làm điều đó. Nên nhớ rằng, một khoản không nhỏ trong số tiền thưởng của các giải League of Legend đến từ microtransaction, và rõ ràng khoản này thì EA làm cực tốt.

Thay đổi từ từ

Tuy vậy, xét cho cùng vấn đề lớn nhất khiến FIFA chưa thể trở thành một game eSport lớn chính là việc phát hành hàng năm, đòi hỏi phải có những thay đổi để tạo cảm giác mới lạ, giữ chân người chơi. Hiện tại có hai series FIFA chính, một là game FIFA của EA và hai là FIFA Manager do EA cấp phép cho Bright Future GmbH. Hai cái này chẳng giống nhau và cũng chẳng năm nào giống với năm nào. Để thành thạo một game cần phải tốn cả trăm giờ chơi và mặc dù lối chơi vẫn giữ nguyên như vậy, những thay đổi nhỏ nhất cũng có thể khiến người chơi gặp nhiều rắc rối.

Chuyện này không có gì lạ, League of Legend cũng hay cung cấp những tướng mới và các bản vá lỗi khiến cơ chế trong game thay đổi. Tuy nhiên, những thay đổi này rất chậm, đủ để game thủ chuyên nghiệp có thể kịp thời nắm bắt, không những thế, thay đổi còn khiến khán giả cảm thấy thú vị hơn. FIFA không cần phải có những thay đổi quá sốc nhưng nếu học theo League of Legend, cứ dần dần từng chút một thì sẽ rất tốt, không chỉ cho khán giả và người chơi mà còn cả cho các giải thi đấu FIFA sau này.

Theo Gamethu