Đại diện EVN cho biết, những năm qua, hệ thống nguồn và lưới điện liên tục được mở rộng, theo quy hoạch phát triển điện lực các giai đoạn. Theo đó, hàng loạt những công trình thuỷ điện, nhiệt điện, đường dây truyền tải đã được xây dựng, vận hành. Từ chỗ chỉ có 5 nhà máy nhiệt điện công suất nhỏ, với tổng công suất nguồn 31,5MW (năm 1954), tính đến cuối năm 2020, tổng công suất đặt nguồn toàn hệ thống đã đạt gần 61.000 MW, đứng thứ 23 trên thế giới về quy mô hệ thống điện. Không chỉ đưa điện lưới quốc gia đến các vùng sâu vùng xa… ngành điện đã quản lý và cung cấp điện cho 11/12 huyện đảo; đưa điện tới 100% số xã, phường với tỷ lệ số hộ dân có điện trong cả nước đạt 99,54%.

Những điều này thể hiện rõ nỗ lực phát triển của ngành điện lực trong năm qua. Với những thành tích ấn tượng, góp phần thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2019, EVN đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đại diện EVN cho biết, hiện nay, ngành điện Việt Nam đang tiếp cận với trình độ tiên tiến thế giới cả về khoa học công nghệ và khoa học quản lý; điển hình như: tiếp nhận công nghệ tuabin khí là công nghệ phát điện tiên tiến, xây dựng đường dây và các trạm 500kV, xây dựng nhà máy nhiệt điện than công nghệ cao, những yêu cầu về bảo vệ môi trường...

{keywords}
 

Với quy mô hệ thống điện ngày càng lớn mạnh, công tác điều độ hệ thống điện cũng được hiện đại hóa, trang bị hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu. Đến nay đã có hơn 700 trạm biến áp ở lưới điện cấp điện áp 220 kV và 110 kV đã được tự động hoá, điều khiển và thao tác từ xa. Cùng với đó, kết quả thực hiện giảm tổn thất điện năng ở Việt Nam cũng là “điểm sáng” đáng chú ý.

Những năm gần đây, EVN được Tổ chức Hướng tới minh bạch đánh giá là một trong các doanh nghiệp nhà nước minh bạch thông tin. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đà tăng điểm, đứng ở vị trí 27 trên tổng số 190 quốc gia, nền kinh tế. Việt Nam hiện đứng thứ 4 khu vực ASEAN, trong đó riêng về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành điện Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN.

{keywords}
 

Về dịch vụ khách hàng, trong những năm gần đây, EVN đã liên tục đổi mới ngày càng thân thiện và hiện đại. Năm 2015, EVN đã áp dụng hoá đơn điện tử cho toàn bộ khách hàng. Từ ngày 21/12/2018, EVN đã cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến ở cấp độ 4. Từ 12/12/2019, EVN triển khai ký kết hợp đồng điện tử đối với hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện năng. Trong tháng 12/2019, EVN đã cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Vào tháng 3/2020, EVN tiếp tục công bố mẫu hóa đơn tiền điện mới, dễ theo dõi và thân thiện hơn cho khách hàng. Vào đầu tháng 12/2020, EVN đã công bố triển khai hóa đơn tiền điện và các hồ sơ dịch vụ điện ứng dụng QR code.

Đại diện EVN chia sẻ, điều này thể hiện EVN luôn nỗ lực tiên phong trong cải cách để đưa các dịch vụ, hồ sơ nghiệp vụ theo hướng áp dụng các giao dịch điện tử với mức độ bảo mật cao hơn, nỗ lực đảm bảo an toàn về thông tin cho mọi khách hàng.

H.Nam