10.jpg
Chơi game online rất dễ nghiện, gây ra những rối loạn hành vi, đặc biệt là ở trẻ em. Ảnh Thanh Hải.

Dễ rối loạn hành vi

Minh là con một trong gia đình khá giả, nghiện game từ lúc 7 tuổi. Năm 12 tuổi, em bị nghiện quá nặng, chơi đến khi mệt thì ăn, ăn xong lại chơi. Càng ngày Minh càng trở nên lặng lẽ, không muốn nói chuyện với bất cứ ai. Sức khỏe của em giảm sút trầm trọng, người xanh xao, sống trầm lặng như chiếc bóng trong nhà. Em vừa được đưa vào bệnh viện  Nhi TW điều trị.

Hai trường hợp sau đây đều mới xảy ra tại TP.HCM: một bệnh nhân tên T. 17 tuổi đã vào nhà vệ sinh của một điểm kinh doanh Internet ở Q.1 cắt tay tự tử. Trước lúc đó, T chơi game liên tục suốt 20 giờ. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng vừa tiếp nhận một bệnh nhân tên K. 16 tuổi,  ngụ ở Q.6 được đưa đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, suy kiệt do chơi game quá nhiều. Sau 3 giờ được cứu chữa, K mới hồi phục.

Theo BS Thu Minh, Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi TW, trẻ nghiện game online về lâu dài sẽ để lại những chấn thương về mặt tâm thần. Nhiều em có biểu hiện rối loạn hành vi như ăn cắp, nói dối, bỏ nhà... Một số khác rơi vào trạng thái trầm cảm và các bệnh lý tâm căn bởi stress trường diễn do chứng nghiện game online mang lại, thậm chí có những em tìm cách tự hủy hoại bản thân.

BS Minh cho biết, các triệu chứng nghiện game ban đầu dễ nhận thấy là: ngồi chơi game online hơn 5 giờ/ngày hoặc không có cảm giác về thời gian, không gian khi đang chơi. Luôn bị thôi thúc bởi các hình ảnh trong trò chơi, cố gắng giảm thiểu thời gian ngồi trước máy vi tính nhưng đều thất bại. Giấu gia đình hoặc người thân để thường xuyên chơi. Quên mất các sự kiện quan trọng hoặc không thực hiện đầy đủ các công việc không liên quan đến máy tính. Chăm chút cho nhân vật hơn là quan tâm đến bản thân và những người xung quanh, hầu như không có bạn bè và không muốn tham gia hoạt động xã hội. Khi tách khỏi game, phản ứng của họ trở nên chậm chạp, kém linh hoạt.

Phòng hơn chống

Nghiện game online rất khó chữa, phải trải qua quá trình lâu dài. Không có cách nào tốt hơn là đề phòng từ trước. Theo các bác sĩ tâm lý, xã hội và nhà trường phải cùng nhau xây dựng, tuyên truyền và giáo dục những giá trị sống nhằm nâng cao tầm nhận thức, ý thức của các em về hành vi và nhân cách của mình. Qua đó, nhận thức được những hậu quả do tác động xấu mà game online mang lại.

Khi phát hiện trẻ sa đà chơi game, phụ huynh không nên ngay lập tức cấm cản bằng thái độ gay gắt, càng không nên quát mắng. Bởi khi ấy trẻ đang say mê và dễ có phản ứng chống đối. Không khí gia đình thân mật, ấm cúng làm chỗ dựa vững chắc cũng rất quan trọng để giúp các em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

BS Trịnh Thị Bích Huyền, khoa thần kinh bệnh viện Bạch Mai cho rằng, trước tiên không bao giờ khen thưởng trẻ bằng các dụng cụ, máy móc dùng để chơi điện tử. Không  khuyến khích trẻ chơi ở cấp độ cao hơn, giới hạn thời gian chơi game (không nên chơi lâu hơn 1 giờ mỗi ngày).

Từ 11/2008 đến nay, TT Văn hóa Thể thao thanh niên miền Nam đã mở 3 lớp cai nghiện game online. Các chuyên gia tư vấn tâm lý và xã hội học sẽ hướng dẫn cách chơi game hợp lý, đưa ra những phương pháp chữa nghiện game…

Bà Trần Thị Kim Liên, PGĐ Trung tâm cho biết, 3 lớp đã cai nghiện thành công cho hơn 60 em từ 12- 24 tuổi. các em đã trở lại cuộc sống bình thường, đi học, đi làm mà không tái nghiện.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 119 ra ngày 5/10/2009.