Kể từ ca ghép thận đầu tiên được tiến hành tại Học viện Quân y năm 1992, đến nay ngành ghép tạng Việt Nam đã ghi danh vào bản đồ ghép tạng thế giới với hơn 3000 ca, trong đó ghép gan 128 ca. Đến nay, đã có 82 người cho chết não hiến tạng cứu sống được nhiều người suy gan, suy thận...
Từ ca ghép gan đầu tiên đến “bác sĩ robot"
Theo số liệu thống kê của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia (VNCCHOT) - Bộ Y tế, từ 1992 đến 2012 nước ta chỉ có Bệnh viện quân y 103 thuộc Học viện Quân y, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện TƯ Huế và một vài cơ sở khác có khả năng ghép tạng với tổng số ca ghép trong 20 năm là 933 ca.
Từ sau 2012, số cơ sở ghép và số bệnh nhận được ghép tạng gia tăng mạnh qua các năm. Năm 2013, cả nước có 09 cơ sở ghép, thực hiện được 232 ca ghép tạng các loại. Nhưng sau đó 5 năm, tính đến 31/8/2018, số cơ sở ghép tạng được cấp phép tăng lên 19 đơn vị với số ca ghép được thực hiện trong cùng kỳ là 513 ca.
Cũng tính từ 2013 đến nay, trong khoảng thời gian 5 năm, ghép tạng Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về số cơ sở ghép và số ca ghép. Hiện trên cả nước đã có 19 cơ sở ghép, thực hiện được 3 378 ca ghép. Trong đó, ghép thận chiếm đại đa số với 3 223 ca/tổng số 3 378 ca chiếm tỷ lệ 95,4%; ghép gan với 125 ca, chiếm tỷ lệ 3,7%; ghép tim với 26 ca, chiếm tỷ lệ 0,77%. Ngoài ra, ghép khối Thận – Tụy với 01 ca, ghép khối Tim - phổi với 01ca và ghép phổi với số lượng 02 ca. Số ca ghép này chiếm tỷ lệ không đáng kể và chủ yếu là các ca ghép thực nghiệm khoa học.
Lấy thận hiến trên người cho sống bằng robot phẫu thuật ở BV. Chợ Rẫy |
Năm 2018 đánh dấu "mốc son" của ngành ghép tạng, với sự kiện BV. Chợ Rẫy lấy thận hiến trên người cho sống bằng robot phẫu thuật, không phải truyền máu trong quá trình phẫu thuật, không có biến chứng, không phải chuyển sang mổ mở.
Kỹ thuật dùng robot để phẫu thuật cắt thận ghép từ người cho sống có ưu điểm là an toàn, vết mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao, máu bị mất ít, ít đau, bệnh nhân hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn hơn.
Vấn khan hiếm tạng hiến, tặng
Sau gần 30 năm, Việt Nam đã thu được những tiến bộ vượt bậc cả về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng nhưng, số lượng người được ghép tạng vẫn còn hết sức khiêm tốn so với nhu cầu đang ngày một tăng cao. Trong khi mỗi năm có hàng nghìn người bệnh cần nguồn tạng ghép nhưng nguồn mô, tạng hiến, tặng cực kỳ hạn chế; chỉ số pmp (chỉ số ca ghép tạng từ người cho chết não) hiện thấp nhất thế giới.
Điều đáng nói là trong khi ở các nước phát triển, có tới hơn 90% nguồn cung cấp mô, tạng là từ các bệnh nhân chết não, chết tuần hoàn thì ở VN nguồn mô, tạng chủ yếu vẫn từ người cho sống.
Theo thống lê của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng, tính cho toàn bộ quá trình phát triển của ngành ghép tạng nước ta đến tháng 8/2018, số ca hiến tạng từ người cho chết não, chết tuần hoàn mới chỉ khoảng 223 trường hợp, chiếm tỷ lệ 6,6%.
Do số lượng cung không đáp ứng đủ nhu cầu nên cho đến nay, hàng trăm người đã phải sang Trung Quốc, Singapore và một số quốc gia khác để tiến hành ghép gan, thận… Bên cạnh đó còn xuất hiện tình trạng cò mồi trong mua bán nội tạng.
Bộ trưởng Bộ Y tế trao kỷ niệm chương cho gia đình cố Thiếu tá Lê Hải Ninh (quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình)- người đã hiến tạng cứu sống 6 người. |
Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy mỗi năm cả nước có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Chỉ riêng tại BV Chợ Rẫy, mỗi năm có khoảng 1.000-1.500 bệnh nhân chết não vì chấn thương sọ não. Tại BV Việt Đức (Hà Nội), con số này cũng xấp xỉ 1.000… Đây có thể nói là nguồn tạng cứu sinh cho nhiều người chờ chết. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, như thiếu hệ thống xác định chết não và bộ phận tư vấn hiến tạng tại các đơn vị y tế thực hiện việc cấp cứu bệnh nhân hoặc những vấn đề về nhận thức, tâm linh. Nên nhiều trường hợp chết não đã không được gia đình đồng ý hiến tặng hoặc không được tiên lượng, xác định chết não và tư vấn, vận động hiến tạng.
“Trở ngại lớn nhất với ngành ghép tạng của nước ta hiện nay không phải là vấn đề kỹ thuật mà là do thiếu nguồn mô, tạng để có thể thực hiện cấy ghép. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc hiến mô, tạng sau khi chết cho việc cứu giúp người bệnh vẫn chưa được người dân biết đến và hưởng ứng”, GS.TSTrịnh Hồng Sơn- Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia nói.
Minh Tuấn