- Ba em là Lữ Thục Phương Anh, Lâm Trúc Quỳnh và Lê Thái Phương Thy học sinh lớp 8 Trường THCS Đoàn Thị Điểm. Các em vừa trở về với tấm huy chương đồng từ cuộc thi hùng biện do Tổ chức hùng biện giáo dục quốc tế tổ chức tại Thái Lan.

Từ trái qua: Lê Thái Phương Thy, Lâm Trúc Quỳnh và Lữ Thục Phương Anh (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Điểm chung ở cả ba em đều là học sinh giỏi 8 năm liên tiếp, thích môn tiếng Anh, thành viên của đội tuyển tiếng Anh của trường và cùng lý tưởng "sẽ đi du học"....Đến với cuộc thi hùng biện do Diễn đàn trẻ Châu Á lần thứ nhất các em đồng thanh: "chúng em không bị áp lực về giải. Thậm chí bước vào cuộc thi còn cảm thấy sợ vì các đội đến từ 22 nước bạn - các anh chị đều đã lớn. Còn đội mình mới 14 tuổi, ít kinh nghiệm".

Với tâm lý "chiến đấu" thoải mái "bại không nản" và sự hỗ trợ nhiệt tình từ huấn luyện viên Hoàng Đức Minh đã giúp 3 học sinh "nhí" vượt qua các vòng đấu và đoạt huy chương đồng - đứng sau Nepal, Pakistan vượt nước chủ nhà Thái Lan.

Chủ đề của cuộc thi là vấn đề "Nhập cư ở Châu Á". Theo Phương Anh, đây chủ đề mang lại nhiều hứng thú vì cung cấp nhiều kiến thức xã hội, không quá nặng nề về chính trị. Với đề tài này chúng em được tìm hiểu về tình trạng di dân ở Châu Á, tình trạng buôn người, xuất khẩu lao động...từ đó giúp có thêm hiểu biết về kinh tế khu vực Châu Á.

"Ngoài ra, qua cuộc thi chúng em còn được thêm kinh nghiệm về kỹ năng hợp tác, kỹ năng thuyết trình trước đám đông... - là những kỹ năng rất cần thiết cho công việc sau này" - Trúc Quỳnh tiếp lời.

Cả ba đều mơ ước sau này được làm nghề mang tính xã hội nhiều, đi nhiều, giao tiếp nhiều như: nghề báo, ngoại giao, quan hệ công chúng...

Dù dự định của Phương Anh chưa rõ ràng, nhưng hiện tại học gì, chơi gì...khi đưa ra đề xuất đều được ba mẹ chấp nhận. Hiện Phương Anh còn là học sinh năm thứ 5 của Học viện Âm nhạc Quốc gia để đeo đuổi đam mê học đàn và hát.

Anh Lữ Tuấn Anh, bố Phương Anh cho biết: "Với kinh nghiệm từ bản thân anh học Toán - Lí - Hóa rất giỏi ở hai Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Bách khoa nhưng ra nghề không vận dụng được mấy. Thậm chí không dùng - do đó gia đình không định hướng cho con học giỏi ba môn này..."

"Tuy nhiên, với bản tính ham học hỏi và ý thức vươn lên - Phương Anh không chỉ thạo hai ngoại ngữ Pháp, Anh - cháu còn có ý thức "trả bài" rất tốt" - bố Phương Anh tự hào. Dự kiến tháng 7 tới cháu tham dự cuộc thi đàn tại Hàn Quốc.

Còn Phương Thy cũng có dự kiến du học Mỹ vào năm tới. Riêng Trúc Quỳnh cho hay, em chưa đi du học ở phổ thông với lý do sợ mất gốc. Kế hoạch của Quỳnh - cấp 3 sẽ phấn đấu học Trường PTTH Hà Nội Amsterdam. Lên ĐH sẽ được đi du học là mong ước của Quỳnh.

Qua cuộc thi, Quỳnh mong muốn trong cách dạy Văn nghị luận ở nhà trường cần bổ sung thêm những dạng chủ đề gắn với hiện tại nhiều hơn để giúp học sinh đào sâu vào vấn đề. Còn Phương Thy hy vọng, khi chuẩn bị bài ở nhà học sinh được lên lớp thuyết trình thay vì viết nhiều hơn nói như hiện nay. Áp dụng phương pháp học này giúp học sinh phát huy được kỹ năng nói tự tin hơn.

"Nên thành lập câu lạc bộ tranh luận trong trường 1 tuần 1 buổi để phát triển tư duy học sinh...." - đó là đề xuất của Phương Anh.

Giải vô địch hùng biện quốc tế Karl Popper (Karl Popper Debate Championship) trong khuôn khổ “ Diễn đàn giới trẻ Châu Á” lần thứ nhất (The 1st Asian Youth Forum 2012) do Tổ chức hùng biện giáo dục quốc tế (The International Debate Education Association ) tổ chức tại Thái Lan từ ngày 14 – 20/5/2012.

Đây là lần đầu tiên Tổ chức hùng biện giáo dục quốc tế (IDEA) tổ chức cuộc thi tại châu Á do Thái Lan làm nước chủ nhà. Cuộc thi thu hút hơn 180 đại biểu đến từ 20 nước, trong đó chia làm 22 đội thi.

  • Nguyễn Hiền