Cô gái Vũ Thị Thúy (SN 1993 - Đắk Lắk) sang nước ngoài kết hôn và định cư đã được hơn 3 năm.
Tình yêu với chàng trai Phần Lan khiến cô từ người thích an phận đã vượt qua mọi rào cản về văn hóa, môi trường để đến đất nước xa lạ làm dâu.
Không thể sống thiếu em
Chuyện tình của hai người bắt đầu vào năm 2017. Họ quen nhau qua mạng xã hội. Jyri Tapio (SN 1989) là một kỹ sư, đang tận hưởng thời gian du lịch Việt Nam.
Cả hai thấy đối phương dễ mến nên mời nhau đi uống nước, xem phim, đi dạo. Jyri Tapio nhanh chóng bị cảm nắng cô gái Việt có làn da rám nắng và chiếc răng khểnh duyên dáng.
Sau đó 1 tuần, anh ngỏ lời yêu cô. Tuy nhiên, lúc này Jyri Tapio phải về nước, quay trở lại công việc. Cả hai yêu xa, nỗi nhớ nhung đằng đẵng chỉ có thể gửi qua mail và facebook.
Mặc dù yêu Jyri Tapio nhưng Vũ Thúy chưa dám nghĩ sẽ kết hôn với anh, vì cả hai quá xa cách về địa lý. |
Chẳng ngờ, một năm sau Jyri Tapio quay lại Việt Nam để làm việc trọng đại trong cuộc đời mình - đó là cầu hôn cô. Anh bày tỏ, không thế thiếu cô trong cuộc đời và mời người yêu qua Phần Lan ra mắt gia đình.
Lời cầu hôn ngọt ngào của bạn trai khiến tim cô như nhảy khỏi lồng ngực, cảm giác hạnh phúc len lỏi trong trí óc.
Cảm giác của Thúy vừa vui vừa lo lắng. Cô mang chuyện này tâm sự với mẹ nhưng bà bày tỏ sự lo lắng, sợ con gái bị lừa…
"Mẹ tôi khuyên: Nhà mình nghèo nhưng không vì thế mà mơ ước cao sang hay làm mọi cách để đổi đời. Mẹ chỉ cần con tìm được người yêu mình, cùng xây đắp hôn nhân nhưng Jyri Tapio ở cách con nửa bán cầu, liệu con đủ hiểu cậu ấy không?".
Thúy nghe mẹ nói, lòng ngần ngừ. Jyri Tapio biết mẹ bạn gái không đồng ý, anh đã về Đắk Lắk thuyết phục bà, rồi động viên bạn gái vững tin. Ngôn ngữ bất đồng, anh thể hiện bằng hành động. Chứng kiến sự chân thành của Jyri Tapio, mẹ Thúy mới đồng ý cho con đi.
Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Thúy kéo dài một tháng. Toàn bộ chi phí cho chuyến đi do Jyri Tapio chi trả.
Hai người nhanh chóng làm thủ tục đăng ký kết hôn. Vì dịch bệnh Covid-19 nên họ vẫn chưa tổ chức được đám cưới. |
Đến giờ, tâm nguyện lớn nhất của Jyri Tapio là tổ chức cho vợ một đám cưới cổ tích, nắm tay cô trên lễ đường và trao lời hứa về cuộc hôn nhân vĩnh cửu.
Cuộc sống làm dâu nơi đất khách
Sau khi kết hôn, vợ chồng Thúy sống riêng, cách nhà bố mẹ chồng khoảng 5km. Cuối tuần, Jyri Tapio đưa vợ về thăm bố mẹ.
Theo quy định của nước sở tại, sau khi nhập cư, Thúy tham gia học tiếng Phần Lan do chính phủ tổ chức. Lớp học hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, cô được hỗ trợ thêm tiền và học nghề.
"Tôi mới học 4 tháng thì nghỉ sinh em bé. Sắp tới tôi sẽ quay lại học tiếp", Thúy nói.
Thời gian ở nhà chăm sóc con, Thúy ít ra ngoài nên cô lập một kênh Youtube lấy tên Thúy family cuộc sống Bắc Âu để giải trí và giới thiệu văn hóa Phần Lan đến các bạn Việt Nam. |
Trong kênh youtube, Thúy chia sẻ về gia đình, con cái và những khác biệt văn hóa cô đã trải qua khi mới sang…
Cô cho biết, Phần Lan có chính sách hỗ trợ tiền nuôi con cho các gia đình. Việc khám thai, sinh con hoàn toàn miễn phí. Mỗi bà mẹ mang thai sẽ được bác sĩ, y tá riêng chăm sóc trong vòng 3 năm.
Ngoài chế độ sinh đẻ miễn phí, các bà mẹ mang thai sẽ được Chính phủ hỗ trợ tiền chi tiêu hàng tháng tùy theo mức thu nhập người đó hưởng trước khi mang thai. Trường hợp như Thúy, được hỗ trợ khoảng 16 triệu đồng/ tháng.
Thúy tiết lộ, ở Phần Lan gia đình sinh càng nhiều con, càng nhận được nhiều tiền. Đây không phải tiền cho mẹ mà là tiền chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ.
Ví dụ, đứa con đầu sẽ được nhận 540 triệu đồng. Đứa thứ hai nhận 598 triệu đồng, đứa thứ ba nhận 765 triệu đồng, con thứ tư nhận 932 triệu đồng và con thứ năm nhận hơn 1 tỷ đồng.
"Tuy nhiên, số tiền sẽ được trợ cấp theo tháng trong vòng 17 năm, không được đưa 1 khoản lớn. Ước tính, gia đình nào sinh 5 con sẽ nhận gần 4 tỷ đồng.", Thúy giải thích.
Cuộc sống làm dâu của Thúy bên quê chồng không gặp khó khăn hay trở ngại nào. Bởi mẹ chồng dành cho cô nhiều tình cảm. |
Người cao tuổi Phần Lan hạn chế giao tiếp bằng tiếng Anh, chủ yếu nói bằng ngôn ngữ của họ nhưng mẹ chồng luôn sử dụng tiếng Anh để Thúy hiểu.
Mỗi khi đi du lịch, bà sẽ nhớ mua quà cho con dâu trước tiên. Nhớ những ngày từ Việt Nam sang, mọi thứ còn lạ lẫm, chính mẹ chồng là người đưa cô ra ngoài, tìm hiểu cuộc sống thường nhật. Từ siêu thị, khu vui chơi, thói quen và nguyên tắc giao tiếp của người bản địa.
Thúy cho biết thêm, người Phần Lan khá rõ ràng và văn minh trong vấn đề nuôi dưỡng trẻ sơ sinh. |
Mọi việc liên quan đến em bé, từ ăn uống, tắm rửa đều phải có ý kiến của người mẹ.
Giai đoạn Thúy sinh con trai đầu lòng, bố mẹ chồng tìm hiểu phong tục tập quán trong chuyện chăm em bé của người Việt Nam. Đồng thời hỏi cô, có muốn làm theo cách Việt Nam hay không?...
Khi hỗ trợ con dâu chăm em bé, bao giờ mẹ chồng cũng lịch sự hỏi: "Mẹ cho William ăn được không? Mẹ cho William đi chơi được không?.
Ông nội quý cháu nhưng không dám bế, chỉ quanh quẩn bên nôi của em bé. Vì ở Phần Lan muốn bế em bé, phải xin phép người mẹ nhưng ông sợ phiền con dâu nên không dám bế nhiều.
"Tôi cảm động, bảo ông có thể bế cháu lúc nào thích. Từ đó, ông bế William liên tục, cháu ngủ mới đặt xuống", Thúy nhớ lại.
Phụ nữ ở Phần Lan sau sinh sẽ có y tá hỗ trợ, tư vấn về sức khỏe và tinh thần. Nếu ai có dấu hiệu mệt mỏi, trầm cảm, y tá sẽ đến nhà giúp chăm em bé vài ngày. |
Tuy nhiên, chồng của Thúy thường dành phần bế ẵm, thay tã bỉm cho con. Buổi sáng, Jyri Tapio thường dậy sớm cho con ăn để Thúy được ngủ thêm. Khi nào đi làm, anh bế con vào và đánh thức vợ.
Để vợ đủ sữa cho con bú và nhanh hồi phục sức khỏe, Jyri Tapio chịu khó đi chợ và nấu nướng những món nóng hổi cho Thúy ăn.
Em bé của vợ chồng Thúy đã được gần 1 tuổi, kháu khỉnh và mang nhiều nét đẹp của cả bố và mẹ.
Ngoài căn nhà đang sinh sống, gia đình chồng Thúy sở hữu một căn nhà bằng gỗ ở bên hồ. Dịp nghỉ hoặc rảnh rỗi, mọi người sẽ về đây vui chơi, chèo thuyền và quây quần bên nhau.
Nàng dâu Việt tâm sự, mặc dù đôi lúc buồn vì nhớ mẹ và anh chị nhưng sự đầm ấm của nhà chồng khiến cô cảm thấy đỡ tủi thân.
"Bố tôi mất sớm, mẹ một mình tần tảo nuôi đàn con. Tôi xa nhà, nhớ nhất những khoảnh khắc nằm ôm mẹ ngủ như hồi còn bé. Năm nay dịch bệnh ổn định, đường bay quốc tế được mở, tôi sẽ cho chồng và con trai về thăm mẹ", Thúy xúc động nói. |
Theo Dân trí
Câu lạc bộ tìm kiếm tình yêu cho đàn ông kém hấp dẫn
Tại Nhật Bản, những người đàn ông ít có lợi thế trong tình yêu đã tập hợp lại và mở ra một câu lạc bộ hết sức đặc biệt.