“Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức đưa bạn đi từ điểm A đến điểm B. Trí tưởng tượng đưa bạn đến khắp nơi”, ông Phương lẫn lại danh ngôn của Einstein để nói về ý tưởng táo bạo khi đề xuất triển khai dự án “Lên trời gọi mưa” của mình.

Xin tạm ứng "khẩn" 5000 tỷ đồng cho dự án… “Lên trời gọi mưa”!

Ông Phan Đình Phương, Tổng giám đốc Công ty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh (tại Đà Nẵng) vừa có đề nghị Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ xem xét chủ trì tổ chức cuộc họp với 7 Bộ để bàn riêng về dự án “Lên trời gọi mưa” của ông. Bên cạnh đó “cha đẻ” của dự án có tên gọi khác lạ này cũng xin tạm ứng khẩn số tiền khổng lồ 5.000 tỷ đồng để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào 10/10 tới.

Dự án nhằm mục đích chống nắng hạn trong chu kỳ El Nino, đồng thời cũng chống ngập trong những tháng mưa bão.

Ông Phương cho biết, ý tưởng của dự án xuất phát từ việc ông thấy người dân khốn khổ khi ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết khô.

{keywords}

Ồng Phương chia sẻ về dự án Lên trời gọi mưa của mình

“Khoảng tháng 4, tháng 5, tôi xem ti vi thấy người dân than khóc vì ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết khô. Lúc đầu tôi cũng không quan tâm vì nghĩ mình có giúp được gì đâu. Sau một đêm trăn trở, suy nghĩ, tôi quyết định bắt mây phải mưa để người dân có nước chống hạn từ việc vận dụng kiến thức phun nước ở cầu Rồng”, ông Phương nhớ lại.

Theo ông Phương, nó cũng giống như công trình cầu Rồng, thay vì phun nước ở dưới thấp thì sẽ phun nước trên cao. Trong khi đó, Việt Nam mình có ưu thế lớn đó là nhiều núi. Mây rất thích núi nên sẽ sử dụng núi để gọi mưa.

Ông Phương cũng cho biết, trời trong veo nhưng vẫn có nhiều nước. Những phân tử nước bay qua bay lại. Lúc đó sẽ phun I-ốt bạc vào để nước dịch lại với nhau, dần dần sẽ to dần và tạo thành mưa rớt xuống. Tuy nhiên, theo ông Phương I-ốt bạc đắt đỏ nên có thể sử dụng hóa chất khác và những hóa chất đó Việt Nam đều có thể sản xuất được. Còn nguyên liệu gì thì ông Phương vẫn chưa “bật mí” .

Đối với việc chống ngập lụt, sẽ chặn không cho mây vào đất liền bằng cách sẽ hút nước biển phun lên cho mây ướt và tạo thành mưa rớt xuống biển.

“Để chống ngập cho trung tâm thành phố Đà Nẵng, mình có thể chặn và cho mưa ở các vùng nông thôn như thế, trung tâm thành phố không bị ngập mà nông dân lại có nước để sản xuất”, ông Phương lấy ví dụ.

Nói về cái tên của dự án, ông Phương cho biết, đây là một cái tên rất thật nhưng cũng hơi tếu tếu. Sở dĩ ông đặt tên “Lên trời gọi mưa” vì lúc đầu dự án nhằm mục đích chống hạn. Nhưng sau đó, ông lại thấy các thành phố chìm trong cảnh ngập lụt khi mưa bão đến nên ông tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp dự án thêm theo hướng chống ngập. Đáng lẽ ông sẽ sửa tên dự án thành “Điều hòa mưa” nhưng ông thấy cái tên “Lên trời gọi mưa” cũng hay mà thực chất cũng là gọi mưa, tức là gọi mưa ít hay mưa nhiều thôi nên ông quyết định vẫn giữ cái tên ban đầu.

Ông Phương cho biết, Văn phòng Chính phủ đã liên hệ và cho biết sẽ bố trí thời gian để vào làm việc với ông. 7 Bộ mà ông đề nghị gồm có Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó sẽ có một Bộ làm chỉ huy. Với số tiền mà ông xin cấp là 5.000 tỷ đồng đó cũng không phải do cho ông quản lý mà là Bộ chỉ huy quản lý.

Theo ông Phương, hiện chưa thể tính toán được kinh phí cho dự án này. Vì thế, cần phải có các Bộ ngồi lại để bàn bạc. Nếu kết hợp với các Bộ, ngành thì kinh phí nó khác, không thì chi phí lại khác.

“Nếu bây giờ có tàu Hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển tuần tra ngoài biển kết hợp phun nước thì kinh phí sẽ giảm đi. Nhưng nếu họ nói không được thì cũng kinh phí sẽ tăng lên”, ông Phương lấy ví dụ.

Ông Phương tự tin dự án sẽ thành công 100% khi triển khai nhưng thành công ở mức độ nào là tùy thuộc vào tài chính.

“Nếu có tiền thì có thể làm nhiều trạm, hứng được nhiều mưa. Còn ít tiền sẽ làm được ít trạm, hứng được ít mưa thì nhiều chỗ sẽ ngập hơn”, ông Phương giải thích.

Trước ý kiến của nhiều người về dự án không tưởng của mình, ông Phương cho rằng: “Tất cả những ý tưởng nào mà người ta phản đối thì càng hiệu quả”. Rồi ông đọc câu danh ngôn của Einstein “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức đưa bạn đi từ điểm A đến điểm B. Trí tưởng tượng đưa ta đến khắp nơi”.

Được biết, ông Phương là nhà sáng chế của nhiều công trình, trong đó có nhiều công trình được ứng dụng trong thực tiễn.

(Theo dan tri)