Đến hẹn lại lên, từ khoảng tháng 4 đến tháng 11 âm lịch hàng năm, những ngư dân ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa… lại tất bật vào mùa thu hoạch cá mai. Loài cá đặc trưng này chính là nguyên liệu không thể thiếu để làm nên món lẩu nức tiếng gần xa của vùng đất Phan Thiết (Bình Thuận).

Bên cạnh những cái tên đặc sản hấp dẫn như mực một nắng, lẩu cá bớp, bánh quai vạc,..., du khách đến Phan Thiết còn được thưởng thức nhiều món ngon khác, trong đó có lẩu thả trứ danh.

{keywords}
Món lẩu thả hấp dẫn của vùng biển Phan Thiết (Ảnh: Thanh Tâm).

Trước đây, khi du lịch chưa phát triển, ngư dân vùng biển Mũi Né thường bỏ những thứ họ kiếm được từ biển vào một chiếc xô sắt, rồi đổ nước vào và nấu lên thành lẩu. Và tên gọi của món lẩu thả bắt nguồn từ đó.

Sau này, món lẩu thả đã được nâng tầm lên thành đặc sản địa phương, xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn để phục vụ du khách khắp nơi tới thưởng thức.

{keywords}
Lẩu thả là món ăn dân dã, có thể thưởng thức quanh năm ở Bình Thuận nên tùy mỗi gia đình mà chọn cá mai, cá đục hay cá suốt… làm nguyên liệu chính (Ảnh: Phạm Hiếu)

Nguyên liệu quan trọng nhất của lẩu thả là cá mai. Thực khách vẫn có thể thưởng thức món ăn này với cá đục, cá suốt. Điều khiến lẩu thả trở nên đặc biệt chính là cách bài trí và mùi vị đều mang những triết lý sâu sắc của ẩm thực Việt Nam.

Theo đó, các nguyên liệu và gia vị làm nên món lẩu thả bắt nguồn từ triết lý âm dương ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, tương ứng với năm màu sắc trên món ăn là trắng, xanh, đen, đỏ, vàng cùng ngũ vị gồm cay, chua, mặn, đắng, ngọt. Những yếu tố này được tin rằng có thể mang lại sức khỏe và năng lượng cần thiết cho con người.

{keywords}
Món lẩu "triết lý" được chuẩn bị kỳ công để thu hút và đánh thức 5 giác quan (Ảnh: Seahorse Resort & Spa).

Lẩu thả thường được đặt trong mẹt tre lót lá chuối, tạo hình bông hoa đẹp mắt. Phần "nhụy hoa" là đĩa cá mai đặt ở chính giữa mẹt được sắp xếp khéo léo. Tuy chỉ nhỏ bằng ngón tay nhưng từng con cá đều được chế biến cầu kỳ, nhanh chóng để đảm bảo độ tươi rói.

Đầu bếp phải lựa dao sắc để lọc lấy phi-lê phần thân cá rồi nhúng tái qua nước chanh để khử mùi tanh. Sau đó ướp cá với hỗn hợp nước gừng, ớt, tỏi giã nhỏ để cá có màu hồng nhạt hấp dẫn, phần thịt săn chắc và đậm đà.

Xung quanh đĩa cá là các nguyên liệu như thịt lợn luộc chín tới, trứng rán thái chỉ, dưa chuột chẻ, bắp chuối, xoài ương,... được xếp vào từng lớp vỏ hoa chuối đỏ tươi. Cách bài trí này không chỉ giúp món ăn thêm bắt mắt mà còn thể hiện ngụ ý về hình ảnh những chiếc thuyền thúng nhỏ bé gắn bó với người dân chài nhiều năm qua.

Món ăn được phục vụ ngay trên bàn và thực khách có thể thưởng thức lẩu thả theo hai cách. Cách thứ nhất là ăn khô (hay còn gọi là ăn nguội). Thực khách cho bún cùng các nguyên liệu vào bát, rồi rưới nước sốt lên trên và trộn đều.

{keywords}
Nước sốt đặc biệt làm nên hương vị hấp dẫn riêng cho món ăn (Ảnh: Thao Truong).

Ngoài những nguyên liệu ăn kèm hấp dẫn thì yếu tố quyết định chất lượng của món lẩu thả lại nằm ở món nước sốt trứ danh. Phần nước sốt được làm từ chuối sứ, tỏi, me khô, ớt và đậu phộng rang, trộn đều với nhau rồi đem xay nhuyễn. Việc cân đối chuẩn tỷ lệ chuối sứ chín, me, ớt và tỏi chính là bí quyết tạo nên nước sốt độc đáo cho món ăn.

Cách ăn thứ hai là ăn nóng với nước dùng. Nước dùng được hầm từ xương và tôm, thêm cà chua, dứa, hành tây để tạo vị ngọt thanh tự nhiên.

Thực khách chọn nguyên liệu mình thích, cho vào bát và chan nước lẩu sôi sùng sục lên trên và thưởng thức cùng nước chấm, khác với kiểu nhúng nguyên liệu vào nồi nước dùng như những món lẩu thông thường.

Không chỉ hấp dẫn thị giác bởi thành phần nguyên liệu đa dạng, trang trí bắt mắt mà món lẩu thả còn làm say đắm thực khách bởi mùi vị đặc trưng, không hòa lẫn. Vị tươi rói của cá, vị béo ngậy của thịt và các loại rau hòa quyện với nước chấm đặc sánh, thơm lừng khiến du khách xuýt xoa, cảm giác như hương vị miền biển đang tan dần trong khoang miệng.

Đến Phan Thiết, du khách dễ dàng tìm thấy và thưởng thức lẩu thả trong các nhà hàng, khách sạn hay quán ăn. Mỗi suất lẩu có giá từ 350.000 - 380.000 đồng, đủ để thực khách cảm nhận được "cái hồn" của món ăn.

(Theo Dân Trí)