Trong giới doanh nhân và luật sư, người ta nhắc đến ông với niềm ngưỡng mộ. Cùng nhóm nhân sĩ trí thức Thứ Sáu đóng góp đáng kể vào công cuộc đổi mới kinh tế, những cuốn sách và bài báo sắc bén của ông về kinh doanh, giáo dục, triết học… đã trở thành cẩm nang của nhiều độc giả. Ít ai biết ông đã nếm trải đủ mùi cay đắng của tù tội, mặc cảm khuyết tật, nỗi mất mát trong mối tình đầu… trước khi trở thành điểm tựa tinh thần của bao người.
Xã hội muốn phát triển bền vững, cần có những giá trị cộng đồng được thừa nhận như những giá trị tiêu biểu cho sức mạnh quốc gia. Nhưng dường như những giá trị ấy đang bị tổn thương?
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Chúng ta từng có những giá trị tinh thần đáng quý được kết tinh qua cả một quá trình dài dựng nước và giữ nước, giá trị lớn nhất là niềm tin vào con người, vào sức mạnh dân tộc, sự tin cẩn lẫn nhau; sự hỗ tương, đùm bọc lẫn nhau, lá lành đùm lá rách; tinh thần đoàn kết; lòng vị tha, bao dung…
|
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích. Chân dung hội họa: Hoàng Tường |
Xây dựng niềm tin mất nhiều thời gian và công sức nhưng để mất nó thì rất dễ. Vốn xã hội không thể có được khi trong xã hội người ta thiếu mất những giá trị nhân bản, đạo đức cá nhân. Xin đừng đánh đồng chủ nghĩa “vị kỷ” với cá nhân mỗi con người và phê phán nó, như thế là phá huỷ những đặc tính tốt đẹp của con người. Đạo đức cá nhân chỉ có được khi mỗi cá nhân có sự trung thực, người này độ lượng với người khác. Nếu một xã hội không độ lượng sẽ tạo ra dối trá, trả thù, mất đi tính trung thực. Một môi trường đầy rẫy sự bất tín thì khó có sự hợp tác hay tương tác.
Chất lượng cuộc sống cũng như khả năng cạnh tranh của một quốc gia tuỳ thuộc đặc tính văn hoá độc đáo lan toả trong quốc gia ấy, đó là mức độ tin cẩn nhau trong xã hội. Ở Việt Nam, xã hội xây dựng dựa trên căn bản là đấu tranh. Điều đó đúng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhưng khi đất nước hoà bình, chúng ta vẫn giữ tinh thần này. Có cả một cuộc triệt hạ văn hoá cũ, cải tạo ruộng đất phá vỡ nền tảng giá trị cũ, con tố cha, vợ tố chồng, đạo đức Khổng Mạnh bị đày đoạ. Cả một thời gian dài người ta sống thiếu trung thực, thiếu độ lượng, tha thứ, “chơi” những trò bẩn. Người ta cứ phải nói tốt trong khi phải sống không tốt vì thiếu thốn cả vật chất, tinh thần. Vì thiếu thốn mà người ta không muốn người khác hơn mình, thấy người khác sung sướng chịu không được, sinh ra dòm ngó lẫn nhau, bắt người ta phải nói dối, nói xấu lẫn nhau. Khi chạm đến những quyền lợi thiết thân sẽ xuất hiện nói xấu, đấu tranh rất nặng nề. Từ đó sinh ra nạn trộm cắp, côn đồ, con gái mặc áo dài cũng đánh nhau trong học đường… Khi xã hội thiếu nền tảng quan trọng nhất là sự trung thực thì làm sao thúc đẩy sự tha thứ, độ lượng và thông cảm?
Theo ông, phát triển kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào vốn xã hội?
Khi đi tìm các giá trị kinh tế, chúng ta phải quay trở lại giá trị nền tảng, đó là đạo đức cá nhân. Tên tuổi doanh nghiệp là kết quả một thương hiệu của nhiều người cùng xây dựng, nếu con người không vững thì làm sao có thương hiệu vững? Hơn nữa, suốt một thời gian dài chúng ta chỉ coi trọng doanh nghiệp nhà nước. Những doanh nghiệp nhà nước thường chỉ bám vào nhiệm vụ chính là phục vụ kế hoạch chính trị, xã hội, mà không làm cái đáng lẽ phải làm là sản xuất để kiếm lời. Một số doanh nghiệp tư nhân cũng chạy theo doanh nghiệp nhà nước, tìm chỗ quen biết để nhờ vả, chạy chọt dự án. Tài ba không được đo bằng lời lãi mà bằng sự chạy chọt, nghĩa vụ phải thực hiện, nên kinh tế không thể phát triển được.
Làm thế nào để có được một nền kinh tế khoẻ?
Trong môi trường mà những giá trị ảo lên ngôi sẽ tạo ra một xã hội coi trọng đồng tiền, coi trọng vật chất chứ không coi trọng đạo đức, cũng không coi trọng cách kiếm tiền. Nhìn vào danh sách những người giàu nhất Việt Nam, có thể thấy ít những nhà sản xuất. Một nền kinh tế khoẻ phải có nhiều người giàu về sản xuất. Sản xuất phát triển sẽ kéo theo dịch vụ ngày càng mạnh, từ đó mới xuất khẩu được. Khi sản xuất mạnh, ngân hàng tiêu thụ được tiền, mới đầu tư lại cho sản xuất, đầu tư thúc đẩy văn hoá tinh thần…
Về nông nghiệp, bốn nhà là Nhà nước, nhà nông, nhà công nghiệp, nhà xuất khẩu phải “chơi” được với nhau thì nông nghiệp mới “bốc” lên được. Một nền kinh tế mà ai cũng sử dụng ưu thế để kiếm lời, không phải để chia sẻ thì giá lúa cứ tụt mãi thôi. Ưu thế là để chia sẻ, không phải ăn một mình.
Về công nghiệp, phải kiểm soát được nguồn tiền, có một nền văn hoá và quản trị khoa học, xuất phát từ những doanh nghiệp tư nhân kinh doanh từ đồng tiền của chính mình. Các nước phương Tây phải trải qua 40 năm mới có được quy trình quản trị khoa học. Lúc ấy Việt Nam còn đóng cửa kín mít. Chúng ta vẫn đo quản trị kinh tế theo thước đo khác, làm sao phát triển thành tập đoàn?
Ông đã từng cho rằng những đổ vỡ của thị trường địa ốc là do… luật pháp?
Khi xã hội thiếu nền tảng quan trọng nhất là sự trung thực thì làm sao thúc đẩy sự tha thứ, độ lượng và thông cảm? |
Luật pháp không phải chỉ để trừng phạt những vi phạm, mà phải làm sao để không xảy ra vi phạm. Lại trở lại vấn đề đạo đức. Nền kinh tế phát triển được là do sự tuân giữ tự nguyện của mỗi người. Khi mà đạo đức không còn được tuân giữ, ăn được của người khác là mừng lắm, không làm cho người ta áy náy lương tâm thì mọi hợp đồng cũng vô nghĩa. Như việc bỏ thuốc độc để giữ rau quả tươi lâu. Nếu còn lương tâm chắc chắn họ không kiếm tiền kiểu đó. Máu làm giàu không cần biết tới tội lỗi chứng tỏ rõ ràng họ đã mất đi cái khuôn tự chế ngự của con người. Nếu đạo đức còn, chắc chắn họ sẽ phải tự vấn: “Làm thế tội chết!” Đạo đức, tính thiện, tôn giáo trong tâm hồn giúp người ta nghĩ xa, còn nhìn ngắn hạn, giải quyết vấn đề ngắn hạn là tội ác.
Vậy thành trì cuối cùng mà ông trông cậy để có thể gầy dựng lại niềm tin là gì?
Muốn thay đổi điều này phải thay đổi cách giáo dục, bắt đầu từ gia đình. Đi sâu vào gia đình, tôi nhận ra vai trò của các bà mẹ cho hạnh phúc của gia đình và cho sự phát triển của xã hội.
Tình thương yêu, sự độ lượng của bà ngoại truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con là cái nôi, là thành trì cuối cùng để giữ lại các nền tảng đạo đức. Có như vậy thì con gái mới nói hết được với mẹ, giữa mẹ và con có một sự giao lưu, an ủi, đỡ đần, quý mến. Sự lo toan của người mẹ khiến con nhận ra đó là mẹ, và lòng kính trọng được sinh ra. Nếu người mẹ là cái nôi an toàn, con cái được giáo dưỡng đầy đủ sẽ trở thành những công dân tốt.
Quan sát những gia đình thời nay, có những người rất thành đạt là nhờ có một người mẹ chịu thương chịu khó, biết dạy dỗ con cái. Con người là kết tinh và thăng hoa của tình yêu gia đình.
Con người có một số đặc tính cơ bản, giáo dục phải triển khai nó lên. Biết xấu hổ là bản năng của con người. Khi xấu hổ, người ta sẽ nói thật. Nếu người ta sống với nhau cởi mở, rõ ràng, vì nhau, thì tình yêu sẽ được thăng hoa. Khi yêu, sẽ biết bảo vệ, tranh đấu để sống còn. Tình yêu đầu tiên bắt đầu từ gia đình, bố mẹ, anh em, yêu những gì thân thiết với mình như mảnh vườn, mái nhà của mình, từ đó mới biến thành tình yêu quê hương đất nước. Một thời gian dài chúng ta đã quan niệm sai về những nguyên lý cơ bản về con người. Nếu chỉ nhìn vào lịch sử, lấy những cái mà người chết đã thực hiện và đem ra áp dụng với người sống sẽ bị người sống phản đối. Phải đi vào sâu xa của con người để khám phá, phải coi gia đình là cái gốc, phải kích thích tình yêu gia đình.
Tác phẩm Tài ba của luật sư của ông đã trở thành sách gối đầu giường của giới luật sư. Ông đánh giá thế nào về khả năng hội nhập của giới luật sư Việt Nam với môi trường luật quốc tế?
Trong lĩnh vực kinh doanh, luật sư phải hiểu biết về tổ chức công ty, công việc kinh doanh, hoạt động kinh tế quốc tế, những luật để điều chỉnh hoạt động ấy… Nhưng nhà trường không cung cấp đủ những hiểu biết ấy. Một khoảng trống kéo dài trong đào tạo cộng với luật pháp nước ta chưa theo kịp thực tế, nên tự thân mỗi người khi ra hành nghề phải tự bơi, nghề dạy nghề, bị khách hàng mắng mãi cũng tự nhiên giỏi.
Ngày xưa khi bước vào nghề tôi cứ lo với những kiến thức, khi kiến thức và luật pháp bị vi phạm, tôi dần khám phá ra sự vi phạm ấy do lòng người. Trong nghề luật, trước hết phải làm người ta tin mình, muốn thế, phải đàng hoàng, có sao nói vậy. Thứ hai, phải có khả năng phân tích các sự kiện, vấn đề trong các tình huống, hoàn cảnh khác nhau và kết nối chúng với luật pháp tương ứng. Nhưng rất tiếc trường luật không đào tạo luật sư, mà chỉ đào tạo cán bộ pháp chế.
Theo ông, vì sao phép nước không nghiêm?
Luật pháp của mình thường xuất phát từ những quan chức nhà nước chứ không phải từ thực tế kinh doanh, nên họ đưa ra quan niệm, triết lý trước, sau đó mới xây dựng định chế, vì vậy khi đưa vào thực tế sẽ bị vênh, lại phải thay đổi nhiều lần. Không thể xây dựng luật pháp một cách duy ý chí, mà phải cho một xã hội đang hoạt động, chú ý đến tâm lý của người thi hành luật. Nếu tâm không rộng, trí không cao, sẽ không làm ăn được với người có tầm cỡ. Luật pháp chúng ta thiết lập một mô hình kinh tế xã hội mới khác với thực tế đang có, công dân và tài sản không gắn với nhau. Thẩm phán khó áp dụng biện pháp, thiếu sáng suốt công minh nên người dân có khuynh hướng coi thường toà án, không tôn kính toà án như cơ quan tượng trưng cho quyền uy của quốc gia.
Nhóm chuyên gia Thứ Sáu trong đó có ông đã góp phần tích cực trong cuộc đổi mới kinh tế lần thứ nhất. Vì sao một trí thức từng trải qua 12 năm cải tạo như ông lại dám phê phán trực diện những sai lầm của bộ máy kinh tế một thời?
Tôi đóng góp chân tình, xây dựng, nhân ái, không cay nghiệt. Khi mình nói ra với tấm lòng ngay thẳng, công bằng, có lương tâm và trách nhiệm thì khó khăn có, nhưng không dài, và mình sẽ được hiểu. Sự công chính là mộc che đỡ, cộng với sự học không ngừng đã giúp tôi đóng góp cho xã hội một tấm lòng. Tôi biết tôi ở đâu, và phải làm gì để xứng đáng với nhân phẩm của mình. Trong bất kỳ hoàn cảnh gian nan nào, hay khi bị phán xét, tâm hồn tôi cũng thanh thản.
Vì sao ở thời điểm đó, những người trí thức thuộc chế độ cũ như ông lại được trọng dụng, và có tiếng nói thiết thực, hiệu quả?
Là trí thức được đào tạo đàng hoàng trong chế độ cũ, ai cũng khao khát muốn sử dụng kiến thức của mình để giúp cho việc chung. Nhưng bao nhiêu năm bị cho là “nguỵ” đã làm cho khao khát ấy nhụt đi. Đầu tiên, giữa chúng tôi có một cái chung, đó là bị “lêu bêu” một thời gian dài. Trải qua đau khổ, người ta có nhu cầu được gặp nhau, được anh Phan Chánh Dưỡng tập hợp lại ở Cholimex, được yêu cầu đóng góp ý kiến, được trọng dụng trong phạm vi rất nhỏ. Từ Cholimex nhiều khao khát được khơi dậy, được đáp ứng.
Sự công chính là mộc che đỡ, cộng với sự học không ngừng đã giúp tôi đóng góp cho xã hội một tấm lòng. Tôi biết tôi ở đâu, và phải làm gì để xứng đáng với nhân phẩm của mình. |
Thứ hai vì đã bị lêu bêu một thời gian dài nên chẳng ai đòi hỏi quyền lợi, cũng không mong điều gì mình nói cũng được lắng nghe, chỉ đóng góp theo đòi hỏi của lương tâm. Nếu đòi hỏi quyền lợi chắc cũng không tồn tại dài đâu. Nói là đổi mới nhưng thực ra là trở về cái cũ, mà những kiến thức kinh tế tư bản cũ của miền Nam thì chúng tôi đã rành rồi, đã xài rồi, vì thế cứ nói thẳng, nói thật thôi.
Điều gì đã làm nên bản lĩnh con người ông?
Tôi là người ý chí nghị lực rất mạnh, vì tôi là người có tật. Hồi bé tôi là người năng động và tích cực trong mọi việc, đôi lúc quên đi mình bị gù lưng. Nhưng khi bị trêu chọc “ Ê, thằng gù!”, mình nhột lắm. Tật gù lưng làm tôi bị sốc, mặc cảm tự ti nên tình cảm cũng bị teo đi. Lý trí phải vọt lên, tạo ra sức mạnh tinh thần.
Ngược lại, trong những sự kiện lớn, thấy ông xuất hiện rất tự tin?
Khi phần lý trí lên cao tôi tìm được sức mạnh, tình cảm được chữa lành khi lấy vợ, sức mạnh tinh thần ngày càng phát triển. Cũng nhờ thời gian du học ở đại học Harvard, sống với người Mỹ nhiều, từ năm 1965 – 1973, những tổn thương dần lành. Tôi là người mà tình cảm và lý trí không khớp nhau, rất dễ xúc động, luôn khám phá cái tinh tuyền của lý trí và tình cảm nên… dễ bị “té” lắm. Bản thân tôi là người tình cảm, thường chấp nhận hy sinh, thua thiệt, nhưng đến lúc tình cảm lấn át quá thì lý trí sẽ mách bảo, không để lại lỗi lầm. Tôi là người không ghen tỵ, nhờ thế nhìn người khác rõ hơn. Sống tốt cho người ta sự lạc quan. Khi tâm tĩnh thì trí sáng, khi trí sáng thì càng kích thích sự tìm tòi, khao khát.
Từng bị phụ tình, từng mất hết, có bao giờ ông gục ngã?
Tôi sống thật nên khó gục ngã lắm. Khi phạm lỗi, biết mình sai và xin lỗi bằng sự chân thành thì chẳng bao giờ gục ngã. Giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời tôi là thời gian đi tù từ năm 1976 – 1988, vào tù không bị ân hận giày vò, trái tim không lo âu, thì trí óc sáng suốt, biết lợi dụng hoàn cảnh để làm cho cuộc sống trong tù trở thành có ích. Trong tù tôi đọc rất nhiều sách, học khám phá hai chế độ, khám phá con người, khám phá chính mình. Tôi đã từng đau khổ rất nhiều khi bị phụ tình, đến khi vào tù, nỗi đau ấy lại trở thành phần thưởng, giúp tôi khám phá những bí ẩn của tôn giáo, sống với một tình yêu thần thánh. Vì thế, thời gian trong tù trở thành bổ ích, không phải đoạ đày, đó là cách tôi nhìn. Khi ra đời tôi đem những khám phá ấy ra áp dụng và đã thành công.
Được biết, giá của mỗi giờ tư vấn luật của ông tại văn phòng luật D.C Law TP.HCM rất cao, vậy thời gian đâu mà ông viết rất nhiều sách về kinh tế, luật, triết học…?
Bây giờ tôi đã giảm công việc. Tôi muốn đem kinh nghiệm, kiến thức truyền đạt cho thế hệ trẻ. Qua lớp tư duy pháp lý tài chính tại Luật sư đoàn TP.HCM, tôi muốn chia sẻ với đội ngũ trẻ cách tư duy pháp lý bằng một tâm tình, một tư chất, óc phân tích. Đây cũng là nơi giúp nhau trao đổi nghề nghiệp, luật pháp, cuộc sống… Tôi làm việc ấy với một tâm tình cho đi mà không cần nhận lại, tôi muốn gieo tinh thần đó cho những người trẻ. Khi viết sách, viết báo, có độc giả yêu thích thật sự, mình được chia sẻ nhiều lắm. Đó là niềm vui của tôi, chẳng cần gì nữa.
Theo Kim Yến Sài Gòn Tiếp Thị