“Khi tôi kể với người xung quanh về mục tiêu lớn của mình là mua chiếc túi Birkin của hãng Hermes vào năm 30 tuổi, phản ứng thường có 2 mẫu số chung: cười cợt hoặc bắt đầu khuyên nên tiết kiệm cho những thứ giá trị hơn”, Ellie (21 tuổi, người Anh) kể với Vice News.

Cô gái thường tự hỏi nếu tiết lộ thêm lý do cô quay về sống chung với bố mẹ cũng nhằm dồn tiền cho mong muốn trên, phản ứng của người đối diện sẽ ở mức nào.

Tại Vương quốc Anh, 28% người trong độ tuổi 20-34 sống với cha mẹ, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia của nước này. Dữ liệu Điều tra dân số Mỹ gần đây cho thấy gần một nửa người dân trong độ tuổi 18-29 đang sống chung với phụ huynh - tỷ lệ cao nhất kể từ những năm 1940.

Với nhiều người trong độ tuổi 20-30 hiện giờ, nhu cầu sở hữu đồ hiệu cao hơn là sở hữu nhà. Một phần lý do là mua túi xách, quần áo đắt tiền tốn ít thời gian tích lũy tiền hơn. Ảnh: Korea Herald.

Thay vì dọn về ở cùng bố mẹ để tiết kiệm tiền cho những “cột mốc” truyền thống như mua nhà hay tổ chức đám cưới, Ellie đại diện cho những người trẻ thuộc thế hệ Gen Z và lớp cuối thế hệ Millennials đang hướng tới mục tiêu ngắn hạn và dễ đạt hơn: sở hữu túi hiệu, quần áo và phụ kiện xa xỉ.

Mua đồ hiệu quan trọng hơn mua nhà

“Trước khi mua được túi Birkin, tôi có vài gạch đầu dòng khác đặt ra cho mình, bao gồm đồng hồ Cartier có giá hơn 9.000 USD và một túi Chanel dòng cổ điển trị giá hơn 4.000 USD - những món khao khát nhất. Nếu tôi có thể mua chúng, mục tiêu sở hữu túi Hermes trị giá 16.000 USD sẽ trở nên nằm trong tầm với hơn”, Ellie liệt kê.

So sánh với chuyện tiết kiệm tài chính để mua nhà, cô gái cho rằng một chiếc đồng hồ Cartier là khoản đầu tư hữu hình. “Một khi bỏ tiền, nó đã trở thành của tôi. Điều tương tự không xảy ra khi chúng ta vay thế chấp để mua nhà. Ngoài ra, việc tích lũy tiền mua đồ hiệu chắc chắn không tốn nhiều năm bằng tiền đặt cọc mua bất động sản”, nữ sinh viên so sánh.

Ellie thừa nhận mục tiêu tiết kiệm và đầu tư của cô sẽ bị coi là “rất phù phiếm” trong mắt nhiều người, đặc biệt là thế hệ cha mẹ, ông bà - những người từng trải qua giai đoạn khó khăn, thiếu thốn. Song, cô gái cho rằng các thách thức mà lớp trẻ Gen Z đang đối mặt cũng không dễ vượt qua.

Sarah (22 tuổi, Anh) đồng ý: “Tôi tốt nghiệp giữa thời kỳ đại dịch. Không ai có thể nói với thế hệ chúng tôi rằng năm 2020 sẽ ảnh hưởng đến người trẻ thế nào. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, chúng tôi chắc chắn có nền giáo dục tốt hơn cha mẹ mình”.

Với nữ sinh viên, việc sở hữu nhà là ước mơ nằm ngoài tầm với, và cô không chắc tương lai mình có thể đạt được.

Với lãi suất 4%, tiền đặt cọc hiện ở mức 10-20 % cho ngôi nhà đầu tiên ở Vương quốc Anh, người mua cần tiết kiệm khoảng 243.000 USD cho bất động sản có giá 1,2 triệu USD.

Sarah nhận thấy sự khác biệt rõ rệt giữa những người bạn tốt nghiệp đại học của mình và những người không học, đi làm luôn với nỗ lực tiết kiệm để mua một ngôi nhà.

“Điều này tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan về cảm xúc. Mặc dù bề ngoài những người trẻ tuổi này đạt được 'loại thành công' ít phù phiếm hơn trong mắt mọi người, nhưng họ rất sợ mất nó. Nó gần giống như bạn phải lựa chọn giữa hạnh phúc hay cố gắng để có được những gì cha mẹ chúng ta đã có”, cô bày tỏ.

gioi tre mua tui Hermes anh 2

Ellie chọn quay về sống chung nhà với bố mẹ để tiết kiệm tiền mua túi hiệu Hermes. Ảnh minh họa: Jing Daily.

Về phần mình, Sarah chọn hạnh phúc bằng cách sống ở nhà và dành thu nhập cho du lịch, giải trí trải nghiệm, thay vì “ăn tiêu dè xẻn”. Dù lạm phát và cuộc khủng hoảng sinh hoạt đang diễn ra, cô gái vẫn thích đi chơi vui và ăn ngon vào cuối tuần, ngày nghỉ lễ.

Một báo cáo của công ty tư vấn Morgan Stanley ủng hộ quan điểm về sự thay đổi ưu tiên tài chính ở những người trẻ tuổi. Họ nhận thấy số lượng kỷ lục thanh niên sống ở nhà với cha mẹ đang góp phần thúc đẩy sự bùng nổ hàng xa xỉ ở Mỹ và Anh.

Công ty tư vấn Bain&Company dự đoán “thái độ nhìn chung sớm phát triển hơn của Gen Z đối với hàng xa xỉ” sẽ giúp thị trường hàng xa xỉ “kiên cường hơn trước suy thoái so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009”.

Ham muốn mua kích thích bởi TikTok

Đối với một số người trẻ tuổi, sự thay đổi hướng tới những thành tựu mua hàng sang trọng và hữu hình hơn liên quan trực tiếp đến ứng dụng yêu thích của thế hệ này - TikTok.

“Tôi lưu lại trên TikTok những nơi mình muốn đến, những chỗ mình muốn ăn. Số tiền tiết kiệm của tôi vào khoảng 18.000 USD và tôi dự định sẽ chi tiêu số tiền đó cho nhiều kỳ nghỉ và trải nghiệm. Mục tiêu lớn nhất của tôi là tiết kiệm được khoảng 13.400 USD để đến Maldives”, Sarah nói.

gioi tre mua tui Hermes anh 3

Những người trẻ tuổi trên khắp thế giới là “nhân tố rất mạnh cho sự phát triển hàng xa xỉ trong thập kỷ qua”. Ảnh: SCMP.

Câu hỏi đặt ra là liệu có phải những kỳ nghỉ ngập nắng, các buổi tiệc tùng với bạn bè và sự xa xỉ của túi xách hàng hiệu là “liều thuốc duy nhất” để xoa dịu nhiều vấn đề người trẻ tuổi phải đối mặt hiện giờ.

Sarah lưu ý rằng nội dung gắn thẻ #luxurytok (kết hợp giữa luxury và TikTok) đang gia tăng nhanh chóng trên nền tảng này, với gần 253 triệu lượt xem.

Các video thường xoay quanh chuyện “đập hộp” mẫu thiết kế cao cấp mới của một nhà mốt hàng đầu, cho đến chuyến nghỉ dưỡng xa hoa tại khách sạn đắt tiền, ngồi vé hạng nhất.

Những nội dung này kích thích ham muốn trải nghiệm của không ít thanh niên như Sarah.

“Trong mục gợi ý trên TikTok, luôn luôn có những video ai đó giới thiệu mình vừa shopping túi Chanel, Dior hay Louis Vuitton nào. Tôi cũng đã đặt mục tiêu tiết kiệm để mua một vài món đồ hiệu để mang theo trong các chuyến đi. Xa hơn, tôi sẽ để lại cho những đứa con sau này”, cô gái cho hay.

Noel Lietman, đến từ công ty tư vấn Oliver Wyman, đánh giá sự thay đổi đáng kể trong độ tuổi lần đầu tiên mua hàng xa xỉ đã tác động lớn đến sự tăng trưởng của hàng xa xỉ trên thị trường vào năm 2022.

“Gen Z hiện thực hiện giao dịch mua đồ hiệu lần đầu trung bình vào năm 15 tuổi. Con số ở thế hệ Millennials là 18-20 tuổi”, Lietman cho biết, nhấn mạnh thêm các tính năng mua sắm trên tài khoản mạng xã hội đã có tác động trực tiếp.

Theo Zing