Từ 2015 đến nay, Việt Nam đã thực hiện 8 ca ghép phổi, trong đó riêng BV Việt Đức thực hiện 5 trường hợp, ca ghép mới nhất thực hiện cách đây 1 tuần. Cả nước còn 5 bệnh nhân sống sau ghép phổi (BV Việt Đức có 4 ca).
Là người thực hiện 5 ca ghép phổi tại BV Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc TT Tim mạch và lồng ngực, cho biết, ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó nhất trong ngành ghép tạng nhưng bước đầu, Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật này.
Ghép phổi tốt nhất trong vòng 6 tiếng
Theo PGS Ước, trong 8 ca ghép phổi tại Việt Nam, duy nhất trường hợp bé 7 tuổi ở Hà Giang được các bác sĩ BV Quân y 103 ghép phổi từ 2 người cho còn sống, các ca còn lại đều ghép phổi từ người cho chết não.
PGS Ước nhấn mạnh, ghép phổi từ người cho còn sống chỉ phù hợp với trẻ em do thể tích phổi nhỏ, có thể lấy 2 thùy phổi từ 2 người thân để ghép. Việc cắt một phần nhỏ phổi không làm ảnh hưởng quá nhiều đến sức khoẻ người cho.
Tuy nhiên, với người trưởng thành, không thể thực hiện ghép phổi từ người cho sống do thể tích phổi lớn, muốn ghép đủ cần phổi tương đối lớn của 3-4 người.
Các bác sĩ BV Việt Đức chuẩn bị cho ca ghép phổi
“Về nguyên tắc, có thể ghép phổi theo cách này nhưng không ai làm thế vì cắt một lượng phổi lớn sẽ khiến người bình thường thành tàn phế”, PGS Ước nhấn mạnh.
PGS Ước đánh giá, nếu ghép tim khó 1 thì ghép phổi khó gấp 3, thậm chí 5 lần vì rất phức tạp với hàng trăm quy trình, chỉ một khâu nhỏ bị lỗi sẽ làm hỏng toàn bộ ca phẫu thuật.
Thứ nhất, phổi là tạng nhiễm khuẩn ở cả người cho và người nhận. Trường hợp phải thở máy hoặc chấn thương, phổi rất nhiều vi khuẩn. Ngoài lọc rửa, chăm sóc sau ghép sẽ rất khó khăn.
Thứ hai, kỹ thuật ghép phổi khó, cần phải đồng bộ từ các khâu chuẩn bị trước, trong mổ và chăm sóc hậu phẫu.
Thứ ba, hậu phẫu rất vất vả do mạch máu nuôi phổi là các động mạch phế quản bé như sợi tóc, không thể nối. Vì vậy, phổi sau ghép chỉ được cung cấp máu một phần từ động mạch phổi, nguồn máu không dồi dào như lá phổi nguyên bản.
Trong giai đoạn chuẩn bị, luôn phải bộc lộ phổi người cho trước, đánh giá phổi tốt có thể ghép lúc đó ê-kíp thứ 2 mới mở ngực người ghép, bóc phổi hỏng.
PGS Ước cho biết, khi lấy tim, chỉ cần bơm thuốc để bảo vệ rồi bóc ra. Trong khi đó, với phổi, bác sĩ phải lấy trong trạng thái phồng to nhất với đường kính khoảng 30 cm, nếu xẹp sẽ không ghép được và khi lấy phải bảo vệ được cuống phổi.
Sau khi đưa ra ngoài cơ thể, bác sĩ phải rửa lại phổi bằng dung dịch đặc biệt trong các chậu inox lớn khi phổi phồng như bong bóng.
Thường bệnh nhân cần ghép sẽ được chạy hỗ trợ tim phổi nhân tạo - ECMO trước khi bóc phổi để đảm bảo chức năng sống cho bệnh nhân.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước
Với người nhận, đa số mắc bệnh phổi mạn tính nên phổi thường bị nhiễm trùng rất nặng, bẩn, đầy mủ, dính vào thành ngực như bê tông. Bác sĩ phải mất nhiều tiếng để gỡ dính, nhanh thì 2-3 tiếng, lâu phải 6 tiếng mới gỡ được phổi hỏng ra khỏi lồng ngực bệnh nhân.
“Trung bình để ghép 2 lá phổi chỉ mất khoảng 6 tiếng, nhưng tổng thời gian mỗi ca ghép phổi nhanh, chậm khác nhau tùy thuộc thời gian bóc dính. Ca đầu tiên chúng tôi mất tới 14 tiếng, các ca sau giảm còn 12 tiếng rồi 8 tiếng và ca mới nhất chỉ hơn 6 tiếng”, PGS Ước nói.
Thời gian tối ưu nhất để ghép phổi là từ 6 tới 8 tiếng sau khi mở ngực người cho, tối đa là 10 tiếng. Trường hợp nếu vận chuyển phổi vào Huế, hay TP.HCM phải đảm bảo khung giờ vàng này.
Khác với tim, gan bảo quản càng lạnh càng tốt, nhiệt độ tốt nhất để bảo quản phổi là 8-10 độ C, trong dung dịch đặc biệt.
Cắt gọt phổi khi ghép, ghép xong vẫn mở ngực
Khi ghép phổi từ người hiến chết não, thể tích phổi người tặng phải tương đương phổi của người nhận, không được chênh lệch quá 30%. Nguồn tạng ghép cũng phải đáp ứng các điều kiện về miễn dịch và nhiều chỉ số hòa hợp khác.
Trước ca mổ, bác sĩ sẽ đo đạc kích thước phổi người cho và người nhận. Tuy nhiên, thực tế khi phổi lấy ra, kích thước thường lớn hơn lồng ngực người nhận, do vậy 4/5 ca ghép phổi tại BV Việt Đức đều phải cắt bớt phổi trước khi ghép.
PGS Ước giải thích, dù người cho và nhận có chiều cao, cân nặng tương đương nhau nhưng do người nhận mắc bệnh phổi đã lâu, phổi co nhỏ nên lồng ngực bị xẹp.
"Nếu chênh 30% thì có thể không cần cắt nhưng ca ghép gần đây chênh tới 166%, các bác sĩ phải cắt mỗi bên một thùy phổi mới vừa lồng ngực người nhận”, PGS Ước thông tin.
Khi ghép phổi, phải ghép trong trạng thái phổi căng phồng nên người nhận cần mở đường mổ rất lớn, cắt ngang ngực. Bác sĩ sẽ nối các động, tĩnh mạch, phế quản với nhau. Nếu bác sĩ làm chủ tốt kỹ thuật ghép tim, khi ghép phổi sẽ rất thuận lợi.
Ca ghép phổi đầu tiên tại BV Việt Đức hồi phục sau 10 tháng
Sau ghép, phổi tiếp tục phù lên, nếu đóng ngực ngay sẽ gây xẹp phổi, chảy máu, bệnh nhân nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, sau ghép, bác sĩ sẽ tiếp tục mở phanh ngực, che lại bằng dụng cụ vô trùng 2-3 ngày, phổi sẽ co lại, lúc này mới đóng kín.
Ghép phổi xong mới đi được 50% chặng đường, phần hậu phẫu còn lại tốn nhiều công sức. Phổi là tạng nhiễm trùng, sau ghép lại không được tưới máu dồi dào, không có dây thần kinh thực vật nên các phản xạ ho, khạc như người bình thường đều không có.
Do đó, hàng ngày, bác sĩ phải soi, hút dịch phổi liên tục, làm sạch đường thở và ngay khi bệnh nhân tỉnh táo trở lại sẽ cho tập hồi phục cơ hô hấp.
Bệnh nhân mới nhất, sau 5 ngày ghép phổi, đã bắt đầu tập đạp xe để tạo phản xạ cho phổi.
Sau ghép phổi, những ngày đầu bệnh nhân phải mở phế quản vì không thể tự thở, dùng nhiều thuốc kháng sinh và hồi phục chậm, không nhanh như ghép các tạng khác.
PGS Ước dẫn chứng, ca ghép phổi đầu tiên cho nam thanh niên 17 tuổi ở Hải Dương phải chăm sóc hậu phẫu 10 tháng mới có thể ra viện.
“Bệnh nhân này có hàng loạt thay đổi ở phổi sau ghép, sụn phế quản mềm nhũn, phổi bị xơ hóa, xuất hiện các hạt viêm, chúng tôi đã phải cắt nhiều lần. Hiện bệnh nhân khỏe mạnh nhưng các hạt xơ xuất hiện trở lại, sẽ phải cắt tiếp”, PGS Ước nói.
PGS Ước cho biết, không phải bệnh nhân nào cũng ghép được phổi. Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng tại phổi, ngoài phổi chưa được kiểm soát, ung thư, suy đa tạng, rối loạn đông máu, dị dạng cột sống, BMI trên 35, bệnh tâm thần, đang hút thuốc, nghiện rượu… đều có chống chỉ định.
Trên thế giới, hiện có hơn 4.000 ca ghép phổi, trong đó Mỹ ghép hơn 2.000 ca, châu Âu ghép gần 2.000 ca, số còn lại ở châu Á có Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.
“Thống kê cho thấy, tỷ lệ thành công về kỹ thuật của ghép phổi lên đến 85-90%, tuy nhiên khả năng bệnh nhân sống lâu dài chỉ bằng 50% so với ghép tim. Sau 5 năm, chỉ còn 50% bệnh nhân ghép phổi còn sống. Với ghép tim, sau 10 năm, tỷ lệ sống vẫn lên tới 50%”, PGS Ước nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, chi phí cho một ca ghép phổi trung bình 1,5-2 tỉ đồng, nếu thời gian chăm sóc sau ghép dài, chi phí sẽ lớn hơn. Chi phí ghép phổi tại Mỹ là hơn 20 tỉ.
Thúy Hạnh
Lý do phi công Anh không thể ghép phổi từ người cho sống
- Dù đã có hơn 60 người đăng ký hiến một phần phổi cho phi công người Anh nhưng không thể ghép phổi từ người cho sống.