Đa số thanh niên được hỏi cho rằng trung thực quan trọng hơn giàu có, nhưng có đến hơn 1/3 nói không từ chối nếu tham nhũng mà được việc.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, hiểu biết và nhận thức của con người, đặc biệt là thế hệ trẻ về tính trung thực không còn như xưa. "Nhiều hành vi trung thực thậm chí còn bị coi là ngốc ngếch, sự trung thực gắn liền với sự thiệt thòi".
Thà không liêm chính
Sự thay đổi mà ông Đặng Cảnh Khanh nói đến được chứng minh phần nào qua kết quả khảo sát thí điểm của Tổ chức Hướng tới minh bạch (cơ quan đầu mối của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam) về tính liêm chính trong thanh niên Việt Nam.
Kết quả khảo sát thí điểm cho thấy điều đáng lo ngại khi trong hành vi cụ thể, các thanh niên được hỏi sẵn sàng trả giá, thà không liêm chính để đạt được mục đích
Theo ông Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển, đây là điều đáng mừng. "Nhận thức chung thì không có vấn đề gì, chứ đến mức họ nói liêm chính không là cái gì cả thì nguy quá", ông Dinh nói.
Nhưng khi tính liêm chính được đặt trong mối tương quan với các lợi ích của bản thân, gia đình, bạn bè hay với yêu cầu phải giải quyết một việc quan trọng, không ít thanh niên sẵn sàng "nới lỏng" định nghĩa về liêm chính của mình.
Vì lợi ích của bản thân và gia đình, 35% trong số họ có thể nói dối; để thể hiện tình đoàn kết và tương trợ với người thân, bạn bè, 16% trong số họ có thể vi phạm pháp luật; và nếu tham nhũng với số lượng không đáng kể hoặc tham nhũng mà "được việc", 36% sẽ không từ chối.
Như vậy là khi cuộc sống đặt ra những lợi ích, nhu cầu và khó khăn cụ thể, đòi hỏi phải có một sự thỏa hiệp để đảm bảo cuộc sống, không ít thanh niên có thể quay lưng với sự liêm chính và tính trung thực mà họ tôn trọng. Theo ông Đặng Ngọc Dinh, đó là một điều đáng lo khi "trong hành vi cụ thể, họ vẫn sẵn sàng trả giá, thà không liêm chính để đạt được mục đích".
Bên cạnh việc chấp nhận nhúng tay vào tham nhũng nếu cần, 40% thanh niên được hỏi ngần ngại trong việc tố cáo tham nhũng. Nguyên nhân chính là vì họ thấy việc tố cáo "không có tác dụng".
Chữa từ xã hội
Mặc dù cuộc khảo sát với số lượng mẫu khiêm tốn chưa thể là đại diện cho quan điểm và hành động của tất cả thanh niên Việt Nam, song nó cũng chỉ ra những điều đáng lưu tâm.
Như ông Đặng Ngọc Dinh nói, khảo sát này mang tính chất tiềm năng và hướng tới những mục đích lâu dài. Câu trả lời cần tìm kiếm không phải là thanh niên có tham nhũng không, mà là thanh niên nghĩ gì về tham nhũng: họ có thấy liêm chính, chống tham nhũng là cần thiết không.
Mức độ liêm chính của thanh niên hôm nay là điều quyết định tới mức độ tham nhũng trong tương lai, nhất là đối với một đất nước mà thanh niên chiếm tới 55% dân số.
Phòng, chống tham nhũng là cam kết của nhà nước trong ít nhất 5 năm qua và chắc chắn sẽ vẫn là ưu tiên của ít nhất 5 năm tới, song nếu sự liêm chính và tính trung thực vẫn đang là điều còn thiếu, thì e rằng phòng, chống tham nhũng sẽ mãi đi theo sau tham nhũng.
Đó cũng là chuyện thanh niên không chỉ phải trả lời câu hỏi của ngày hôm nay - "Bạn có hối lộ để được việc không?" - mà còn phải trả lời câu hỏi cho tương lai - "Nếu bạn là người có quyền, bạn có chấp nhận hành vi người khác đưa tiền không?", như GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đặt vấn đề.
Theo ông Thuyết, việc thanh niên sẵn sàng thỏa hiệp, hay chuyện có khoảng cách từ nhận thức đến hành động, không chỉ là vấn đề của thanh niên, mà là vấn đề lớn của toàn xã hội. Ông Đặng Ngọc Dinh thì đặt câu hỏi: "Có phải thanh niên học tập người lớn, những người cũng đang đánh đổi tính trung thực lấy sự giàu có không?".
Ông Đặng Cảnh Khanh khẳng định "thanh niên căm ghét tham nhũng, giả dối mà vì cuộc sống, khi cần họ vẫn phải thỏa hiệp thì lỗi không ở thanh nhiên, mà ở xã hội, ở cơ chế đã tạo ra sự giả dối đó".
Vì vậy, đây là vấn đề nghiêm túc với các nhà hoạch định chính sách, các nhà giáo dục và xã hội học. Ông Nguyễn Minh Thuyết nói "nếu xã hội không trở thành một môi trường lành mạnh để giáo dục thanh niên, tất cả lý thuyết giảng dạy cho họ đều sẽ phai nhạt".
Tuy nhiều vụ án tham nhũng đã được phanh phui và xử lý, song cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta chưa đạt được những kết quả cơ cản, khiến người dân, trong đó có thanh niên, băn khoăn về quyết tâm của nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, ông Thuyết nhận định.
"Nếu thanh niên, người dân và nhà nước nhận thức tham nhũng là một nguy cơ lớn cho đất nước, cho chế độ, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân thì bằng mọi cách phải kiên trì đấu tranh chống tham nhũng, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, vì những người tham nhũng đều là những người có chức, có quyền, có kinh nghiệm che giấu".
Chung Hoàng