HTML clipboard

- “Ôi anh ơi, tiền chụp CT tới tận hơn 1 triệu đồng thì em kiếm đâu ra bây giờ. Em đành cắn răng đưa anh về quê chờ chết thôi, tha lỗi cho em!” – tiếng kêu khóc của một phụ nữ, bên cạnh là một người đàn ông nhăn nhó ôm bụng đang ngồi ở khu vực chờ chụp X – quang khiến không ít người nao lòng, thương cảm.

 

Tình trạng lừa đảo tại các bệnh viện ngày một tinh vi. Không ít người đã bị những bệnh nhân “dỏm” lừa gạt cả về lòng thương cảm lẫn tiền bạc.

 

Lợi dụng những người đồng cảnh ngộ

 

Trong vai người đưa bệnh nhân đi khám, chúng tôi đến khu vực chụp X – quang của Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.

 

Khác với phòng chờ của những bệnh viện khác, ở đây không gian yên lặng lạ thường. Mọi người không trò chuyện rôm rả. Thay vào đó, gương mặt ai cũng trầm tư, lo lắng. Thỉnh thoảng có người bệnh nhăn nhó, suýt soa do bị cơn đau hành hạ. 

 

Cụ bà vừa trao nhầm lòng tốt cho hai đối tượng lừa gạt. Ảnh: Thanh Huyền
Giữa không gian ảm đạm bỗng vang lên tiếng khóc não nuột. Mọi người ngước mắt lên nhìn thì thấy một phụ nữ trẻ, quê mùa, dìu theo một người đàn ông gầy gò, ốm yếu, vừa đi vừa mếu máo. Chị này đưa chồng đến ngồi cạnh một bà lão coi bộ khá giả, tay đeo vòng và nhẫn vàng.

Vừa mếu chị vừa thổn thức: “Ôi anh ơi, tiền chụp CT tới tận hơn 1 triệu đồng thì em kiếm đâu ra bây giờ. Em đành cắn răng đưa anh về quê chờ chết thôi, tha lỗi cho em.”

Tiếng kêu khóc của chị thu hút nhiều ánh mắt của các bệnh nhân và người thân của họ. Bất chợt, người đàn ông ngồi kế bên tôi lên tiếng: “Anh nhà bị sao thế chị mà tay cứ ôm bụng thế kia, vén áo lên cho mọi người xem nào”.

 

Được lời như cởi tấm lòng, chị phụ nữ trình bày: “Nhà em bị ung thư. Bây giờ vết thương đã xâm lấn ăn hết cả bụng rồi anh ạ. Bác sĩ yêu cầu chụp CT tốn tới tận 1 triệu 280 ngàn. Số tiền lớn thế em chẳng biết đào đâu ra. Vợ chồng em từ tận Trà Vinh lên đây đã gần 1 tháng. Chồng em bệnh thế mà cứ lăn lóc nằm ngoài ghế đá vì không có tiền nhập viện”.

 

Nói đoạn chị ta vén áo anh chồng lên làm cho không ít người phải rùng mình, nhắm mắt chẳng dám nhìn. Tôi để ý thấy bụng anh chồng đang quấn một miếng bông gạc lớn, khi tấm gạc được hé ra thì thấy đen đen, đỏ đỏ chẳng rõ bị gì.

 

Thấy có màu đỏ như máu, nhiều người ái ngại. Mấy người nhao nhao lên: “Thôi, người ta đang đau bà vén lên làm gì, nhiễm trùng bây giờ…”.

 

Bà cụ khá giả ngồi cạnh thương cảm hỏi thăm: “Chú ấy bị bệnh bao lâu rồi, bây giờ bác sĩ bảo phải làm sao…”.

 

Kẻ tung người hứng?

 

Vừa khi ấy người đàn ông ngồi cạnh tôi hô hào: “Thôi bà con, chúng ta ngồi ở đây đều chung hoàn cảnh. Người thì bị ung thư, kẻ thì đưa người thân đi khám ung thư. Nhà chị kia cũng thế mà ngặt nỗi nghèo quá. Mỗi người hãy một tay một chân mà góp chút tiền giúp đỡ cho nhà chị ấy. Làm như vậy cũng là tích đức cho mình…”. Miệng nói, tay làm, anh ta đứng dậy rút ví cho đôi vợ chồng kia luôn 100 ngàn.

 

Và tất nhiên người “cắn câu” đầu tiên là bà cụ khá giả ngồi gần đôi vợ chồng đó. Bà cụ lần túi móc ra cho ngay 100 ngàn đồng. Tốt bụng hơn, bà còn cho cả số điện thoại nhà riêng để có gì cần giúp đỡ cứ việc gọi đến. Vài người khác kẻ thì 50 chục, người 100 ngàn dúi vào tay cô vợ.

 

Ngồi chừng 5 phút, không thấy ai cho thêm tiền, đôi vợ chồng đó bỏ đi, chẳng cần đợi chụp CT nữa. Lần này anh chồng tự đứng lên đi mà quên không cần vợ dìu và ôm bụng. Quay sang bên cạnh thấy người đàn ông ngồi cạnh tôi cũng lẻn đi từ lúc nào.

 

Đến giờ, mọi người mới vỡ lẽ xì xào: “Ôi, hóa ra 3 đứa nó cùng một dây với nhau, rõ là dân lừa đảo chứ bệnh tật gì”. Mấy người trót cho tiền nhầm kẻ xấu chỉ biết trách mình nhẹ dạ, tặc lưỡi, lắc đầu.

 

Theo tìm hiểu, được biết địa bàn hoạt động của bọn lừa đảo như trên không chỉ ở riêng Bệnh viện Ung Bướu mà còn ở tất cả những bệnh viện mà chúng cho là dễ lay động tình cảm của thân, bệnh nhân.

 

Chị Nguyễn Thúy Quỳnh, 37 tuổi, ngụ tại quận 5, TP.HCM đang mang thai 36 tuần kể lại: “Mới đây, đi khám thai ở Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, tôi hay gặp các đối tượng ăn xin. Điều đặc biệt những đối tượng này là bà bầu, dắt theo cả con nhỏ. Họ hay viện cớ đang mang thai, có con nhỏ để tranh thủ lòng thương cảm của những thai phụ và người thân để kiếm chác”.

 

Theo chị Quỳnh, chiêu xin tiền kiểu này rất cao tay, làm cho người khác biết bị lừa nhưng vẫn khó từ chối. Ngay bản thân chị Quỳnh dù rất “tỉnh đòn” cũng đành móc tiền ra cho bởi một lý do: “Mình đang mang thai, người ta cũng thế. Nhỡ người ta đói không có ăn đến xin mình thật, mình nỡ lòng nào làm ngơ!”.

 

  • Thanh Huyền