Trên sàn giao dịch Coindesk hôm 22/12, tiền mã hóa Bitcoin được giao dịch quanh ngưỡng giá 22.700 USD/đồng, giảm 0,37% so với một ngày trước đó.

Đà tăng mạnh trong tháng 12 đã giúp đồng tiền mã hóa nổi tiếng nhất thế giới chạm ngưỡng kỷ lục 24.273 USD. Tuy nhiên, trong vòng 24 giờ qua, giá Bitcoin có thời điểm lao dốc mất mốc 22.000 USD.

{keywords}
Giá Bitcoin có thời điểm gần chạm ngưỡng 25.000 USD/đồng. Ảnh: Reuters.

Các chuyên gia cho biết đà tăng giá của Bitcoin bị ảnh hưởng do giới đầu tư ồ ạt chốt lời. Cùng với đó là diễn biến mới của dịch Covid-19 và những đề xuất quy định từ Bộ Tài chính Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng yếu tố đầu cơ vẫn là trợ lực chính cho đà tăng giá của Bitcoin, dẫn đến biến động mạnh.

Mất đà tăng

Theo ông Edward Moya, chuyên gia phân tích cao cấp tại Oanda, đồng Bitcoin - tài sản tài chính hoạt động tốt nhất trong năm 2020 - đang chịu áp lực khi chủng Covid-19 mới lây lan nhanh hơn khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo những tài sản rủi ro.

"Thêm vào đó, một số quy định mới đối với tiền kỹ thuật số do Bộ Tài chính Mỹ đề xuất đã tạo áp lực lên đà tăng của giá Bitcoin", vị chuyên gia tại Oanda trả lời Zing.

Cụ thể, nếu những đề xuất mới của Bộ Tài chính Mỹ được thông qua, các ngân hàng và tổ chức tài chính phải thu thập và báo cáo danh tính của những bên tham gia vào các giao dịch kỹ thuật số nhất định, bao gồm những khoản thanh toán liên quan đến các tài khoản ngân hàng bí mật chứa tiền mã hóa.

Ngoài ra, dòng tweet của tỷ phú Elon Musk nhắc đến Doge - đối thủ cạnh tranh của Bitcoin - cũng triệt tiêu đà tăng giá của đồng tiền mã hóa nổi tiếng nhất thế giới. Giám đốc điều hành SpaceX viết trên Twitter: "Một từ thôi: Doge". Dòng tweet ngay lập tức giúp cổ phiếu của Dogecoin tăng vọt 20%.

"Sự biến động giá của Bitcoin sẽ vẫn ở mức cao trong vài tuần tới", ông Moya cảnh báo.

{keywords}
Biến động giá của Bitcoin trên sàn Coindesk hôm 22/12.

Đối với nhiều nhà đầu tư, đà tăng giá của Bitcoin chỉ là dấu hiệu của một sự thổi phồng phi lý. "Chúng tôi coi Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác là 'hoa Tulip kỹ thuật số'", các nhà phân tích của hãng nghiên cứu Yardeni Research nhận định, đề cập đến bong bóng hoa Tulip Hà Lan.

"Theo tôi, tiền mã hóa là một công cụ đầu cơ chứ không phải tài sản tài chính. Tuy nhiên, tôi cũng không khuyến nghị các nhà đầu tư cân nhắc nhiều hơn khi đưa Bitcoin vào danh mục đầu tư vì tính biến động của chúng", ông Jeffrey Halley, một chuyên gia phân tích cao cấp khác tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ), trả lời.

Yếu tố đầu cơ

"Biến động giá trong tuần này của Bitcoin đã phơi bày tính dễ tổn thương của chúng đối với đồng USD. Theo tôi, đà tăng của tiền mã hóa hoàn toàn được thúc đẩy bởi động lực đầu cơ. Các nhà đầu tư mong muốn làm giàu nhanh chóng và sợ bỏ lỡ cơ hội", vị chuyên gia tại Oanda nói thêm.

"Vì vậy, không có bất cứ sự thay đổi nào đối với các nền tảng cơ bản của Bitcoin", ông nhấn mạnh.

Tốc độ và quy mô của đà tăng giá Bitcoin trong tháng 12 càng khẳng định điều này. "Khi một tài sản tài chính có biến động giá hơn 10% trong ngày, thật nực cười khi coi nó là một tài sản chủ đạo mà các nhà đầu tư nên xem xét nghiêm túc", ông Halley cảm thán.

Ngược lại, bà Meltem Demirors, Giám đốc chiến lược tại CoinShares, khẳng định tiền mã hóa đã bớt biến động hơn so với trước đây. "Mọi thứ khác đều trở nên biến động hơn. Ngược lại, tính biến động của Bitcoin đã giảm ở môi trường hiện tại", CNBC dẫn lời bà Demirors.

Để chứng minh quan điểm này, bà so sánh lợi nhuận của Bitcoin và cổ phiếu của nhà sản xuất ôtô điện Tesla. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Tesla tăng 676%. Trong khi đó, theo Coin Metrics, giá Bitcoin leo dốc 220%.

"Nếu nhìn vào sự gia tăng bất thường trên thị trường chứng khoán, chúng ta sẽ nhận ra rằng đà tăng giá của Bitcoin thực sự không quá điên cuồng", vị giám đốc chiến lược nhận định.

Theo Bloomberg, với hàng loạt biện pháp kích thích khổng lồ và niềm tin vào triển vọng hậu đại dịch, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đang tận hưởng những điều kiện tài chính lỏng lẻo nhất từ trước đến nay.

"Phố Wall vẫn nổi tiếng với 'tâm lý bầy đàn'. Nhưng các con số và đà tăng thị trường lần này thậm chí còn điên cuồng hơn nhiều", hãng tin Bloomberg nhận định. Ngoài ra, bà Demirors tin rằng ngành công nghiệp tiền mã hóa đã trưởng thành và phát triển trong suốt hai năm qua.

Các nhà quản lý quỹ phòng hộ Stanley Druckenmiller và Paul Tudor Jones là hai trong số những nhà đầu tư nổi tiếng đầu tư vào Bitcoin như một công cụ phòng ngừa lạm phát. Theo công ty dữ liệu Chainalysis, việc các tên tuổi lớn của Phố Wall rót tiền vào thị trường tiền mã hóa đã thúc đẩy đà tăng giá Bitcoin trong vài tháng qua.

"Trước đây, việc đầu tư Bitcoin được xem là rủi ro. Nhưng giờ, không rót tiền vào chúng mới là rủi ro", bà Demirors bình luận. "Thế giới đã thay đổi nhiều trong 9 tháng qua", bà nói thêm.

(Theo Zing)