Minh bạch hoá giá cước, chất lượng dịch vụ cung cấp là một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra cho cơ quan quản lý để đảm bảo quyền lợi cho người dùng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nêu ra quan điểm này tại Hội nghị Sơ kết đánh giá Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Viễn thông sáng nay, 18/3, trong lúc phân tichd về trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với thị trường viễn thông trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị. |
Theo người đứng đầu ngành TT&TT, trách nhiệm của cơ quan quản lý phải đi đôi với nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm quyền lợi của người dùng, thông qua việc minh bạch hóa về giá cước, chất lượng.
Muốn vậy, các doanh nghiệp phải hạch toán riêng từng dịch vụ, trên cơ sở đó tính toán một cách tương đối chính xác giá thành dịch vụ, tránh tình trạng bù chéo lợi nhuận, bán phá giá....
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, thông tin riêng của người sử dụng; ngăn chặn, hạn chế tình trạng SIM rác, tin nhắn rác và các hành vi làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng....
Trước đó, đại diện Sở TT&TT TP.HCM đã phản ánh về tình trạng người dân rất bức xúc khi bị nhận các cuộc gọi để quảng cáo dịch vụ, sản phẩm quá nhiều, trái ý muốn. Một phần nguyên nhân là do thông tin cá nhân và số điện thoại của họ đã bị rao bán trên mạng hàng loạt, cung cấp cho các Doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo.
Không phân biệt đối xử các DN
Đánh giá về hiệu quả thực thi hai Luật trong 5 năm 2010-2015, Bộ trưởng khẳng định công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã đạt được những kết quả rất quan trọng, phát triển vượt bậc. Nhà nước đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh viễn thông; Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông; Thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường thông tin di động thông qua việc thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng tần số, bảo đảm minh bạch trong cấp phép các băng tần quý hiếm....
Tuy nhiên những hiện tượng, vấn nạn như tin nhắn rác, thuê bao ảo, cạnh tranh không lành mạnh, mất an toàn thông tin riêng của người sử dụng.... cho thấy công tác quản lý vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần phải sớm khắc phục, Bộ trưởng chỉ rõ.
Muốn vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung hoàn thiện pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành có liên quan, với xu thế phát triển và trung lập về công nghệ, sự hội tụ của mạng và dịch vụ; tăng cường chính sách quản lý cạnh tranh, bảo vệ cạnh tranh theo thông lệ quốc tế; tiếp tục khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông, tạo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông.
Đồng thời, Bộ TT&TT phải tăng cường các biện pháp quản lý dựa trên cơ chế thị trường, theo hướng cải cách thủ tục hành chính, đơn giản và minh bạch hóa các quy trình, thủ tục; chú trọng công tác hậu kiểm và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp thông qua các cam kết ràng buộc mang tính kinh tế, kỹ thuật khả thi; xây dựng chính sách nhằm chống độc quyền, tập trung, tích tụ tài nguyên trong trường hợp doanh nghiệp viễn thông có nguy cơ phá sản, chuẩn bị giải thể, sáp nhập.
Cũng theo Bộ trưởng, cơ quan quản lý phải kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ, đặc biệt là trong việc sử dụng không gian công cộng; thúc đẩy việc chia sẻ cơ sở hạ tầng, sử dụng tối đa hạ tầng viễn thông đã đầu tư của các doanh nghiệp; giải quyết tình trạng độc quyền cung cấp dịch vụ viễn thông trong các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư cao tầng, …
Bộ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp được triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, sớm triển khai đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2,6 GHz đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Việc thực thi Luật Viễn thông và Tần số vô tuyến điện cần thực hiện theo các tiêu chí Nhanh, Ổn định, Công bằng, Linh hoạt, nhằm thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ, bền vững thị trường viễn thông, Internet, tần số vô tuyến điện", Bộ trưởng kết luận.
Trọng Cầm