Bài học "vỡ lòng" là tình yêu thương động vật
Đỗ Thanh Thảo (25 tuổi, đến từ Hà Nội) kết hôn cùng Mark Jackman (quốc tịch Australia). Cả hai từng là giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm ở Hà Nội.
Rời Việt Nam, Thảo theo chồng về quê nhà ở bang Victoria, Úc, bắt đầu cuộc sống nhà nông trên trang trại rộng 200ha.
Những ngày đầu sang làm dâu xứ lạ, 9X không khỏi "choáng" trước "đàn con thơ" được bố mẹ chồng nhận nuôi. Ngoài 300 con bò, hàng chục con lạc đà nuôi để làm kinh tế, trang trại của gia đình Thảo còn là tổ ấm của những con vật "không nơi nương tựa" như chó, ngựa, dê và cả chim sẻ non.
Cô rất ngạc nhiên khi chứng kiến bố mẹ chồng ngày ngày chăm sóc chú chó bị ung thư thận. Con vật uống nhiều nước nên đi vệ sinh suốt, không thể tự trèo ra khỏi giường. Cứ 3 giờ sáng, đôi vợ chồng tuổi 70 lại lọ mọ dậy cho nó ra ngoài đi vệ sinh.
"Bố mẹ mình đã nuôi chú chó ấy suốt 15 năm. Đến khi bệnh nặng, những cơn đau hành hạ suốt đêm khiến nó rên rỉ, mắt ướt nhèm. Gia đình mình đành đưa đến trạm thú y tiêm thuốc để nó ra đi, không còn đau đớn nữa. Ông bà chôn nó sau vườn, thỉnh thoảng lại ra thăm", Thảo nhớ lại.
Mẹ chồng cô - bà Virginia cũng thường hay nhắc về chuyện nuôi một chú chó già hồi Mark (chồng Thảo) còn nằm nôi. Có đêm, Mark ngủ ở phòng riêng, khóc ngằn ngặt nhưng bố mẹ không biết. Chính con chó đã chạy sang sủa, đánh thức chủ dậy.
Suốt 40 năm qua, gia đình Mark luôn giữ truyền thống đón chó ở trạm cứu hộ về nuôi. Có những chú chó bị dị tật đến mù cả mắt, con bị ung thư, con bị bỏ từ khi "đỏ hỏn" vẫn được vợ chồng bà Virginia giải cứu, đón về.
Nhìn cách gia đình chồng quan tâm, chăm sóc các con vật "cơ nhỡ", tình yêu thương động vật trong lòng Thảo cứ thế lớn dần hơn.
Học cách kiên nhẫn, trưởng thành nhờ "con nuôi"
Đầu năm 2019, vợ chồng Thảo nhận nuôi một chú chó trắng từ trạm cứu hộ và đặt tên là Kem. Vì con vật đã già, vóc dáng to lớn nên nó ở trạm đã lâu mà vẫn không ai muốn nhận. Ngay khi vừa gặp, dù chú chó chẳng mảy may quan tâm xung quanh nhưng đôi trẻ vẫn quyết định nhận nuôi.
Sau Kem, Mayo là "con nuôi" thứ 2 mà vợ chồng Thảo đón về khi phát hiện chú chó đi lạc vào chuồng bò ở trang trại. Cặp đôi làm đủ mọi cách mới tìm được chủ chó nhưng người này bận rộn, không muốn nuôi con vật nữa. Họ thẳng thừng đề nghị xem vợ chồng Thảo muốn nhận không.
Ban đầu, đôi trẻ từ chối vì không có thời gian chăm sóc. Họ quan niệm, dù nuôi bất kỳ con vật nào cũng phải chăm chút, dành tình yêu thương cho nó chứ không phải kiếm về để trông nhà. Nhà có 4 người mà đã nuôi hàng trăm con vật khác nên vợ chồng Thảo không nhận nữa.
Nhưng đêm đó trở về nhà, Thảo dằn vặt mãi. Sáng hôm sau, cặp đôi quyết định vượt 20km trở lại nhà chú chó để đón nó. Cảnh tượng con vật bị xích ở ngoài sân, ruồi bu khắp người, chẳng được tắm táp khiến Thảo rơi nước mắt. Giây phút ấy, cô chắc chắn rằng, quyết định của mình là đúng đắn.
Từ ngày đón Kem và Mayo về ở chung một nhà, cuộc sống của Thảo hoàn toàn thay đổi. Cô cưng nựng, gọi chúng là "con". Quá trình chăm bẵm "con nuôi" cũng là cách để 9X trưởng thành và kiên nhẫn, biết chịu trách nhiệm với hành động của mình.
"Kem và Mayo rất hiểu chuyện và thích nghi nhanh chóng với cuộc sống mới. Ban đầu Kem còn quen thói con một nhưng dần đã hiểu và chấp nhận sự xuất hiện của thành viên mới là Mayo. Ngày mới đón Mayo về, trời lạnh. Kem thấy vậy liền vào phòng lấy chăn của nó ra đặt cạnh mình, tỏ ý quan tâm em.
Thậm chí, khi hai vợ chồng cãi nhau, Kem chạy lên bàn chộp lấy hộp giấy ăn rồi mang ra cho mình lau nước mắt. Cả Kem và Mayo đều biết ý, luôn thể hiện sự quan tâm với các thành viên trong gia đình", Thảo tâm sự.
Mỗi ngày, ngoài thời gian chăm sóc trang trại, chăn nuôi hàng trăm con bò, con lạc đà,... vợ chồng cô gái Việt còn đưa hai chú chó đi dạo, rèn luyện sức khỏe. Được chủ chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ, Kem và Mayo ngày càng khỏe mạnh, tươi tắn hơn. Chúng ngoan, nghe lời và rất quấn chủ.
Tổ ấm của những con vật "không nơi nương tựa"
Không chỉ nhận nuôi hai chú chó, gia đình Thảo hiện là chốn an toàn của nhiều con vật bị bỏ rơi. Thấy hai chú dê già "cơ nhỡ", ba chú ngựa đua "về hưu" bị bán lấy thịt, làm thức ăn, mẹ chồng cô thương quá, bỏ tiền ra chuộc, đón về nhà.
Hàng tháng, bà phải thuê bác sĩ thú y đến vệ sinh móng cho ngựa một lần để tránh bị hoại tử. Còn hai con dê già giao lại cho cô dâu Việt chăm nom.
Mỗi sáng, Thảo lại thái ít cà rốt mang cho đôi dê rồi để chúng thong dong tự tại gặm cỏ trên đồi. Chiều về, cô cặm cụi chải lông, kiểm tra móng cho ngựa. Mọi con vật đều được chăn thả tự nhiên, tận hưởng không gian trang trại rộng lớn.
Cô tâm niệm, khi nhận nuôi một con vật nào đó không chỉ đơn thuần là cho ăn mà còn phải mang cho chúng một cuộc sống tinh thần thoải mái nhất. Bởi vậy, dù nhiều bạn bè ở Việt Nam hay những người hàng xóm ở Úc gợi ý cho mở dịch vụ tham quan, gia đình cô từ chối.
Họ mong muốn những con vật được sống bình yên, tự nhiên nhất. Nhiều lúc, để thỏa mãn trí tò mò của mọi người và truyền tải tình yêu động vật, Thảo lại quay clip, chụp hình chúng để đăng lên trang cá nhân kèm miêu tả hài hước. "Con đàn cháu đống, ngoài nghề chăn bò còn kiêm cả nhân viên sở thú", "Nhà cả trăm miệng ăn thế này thì chỉ có nước nghèo bền vững".
Thảo cũng tiết lộ, cuộc sống "đông con" hiện tại của vợ chồng cô quá bận rộn. Cặp đôi cũng có nhiều kế hoạch riêng trong tương lai nên không thể nhận nuôi thêm con vật nào. Họ cần phân chia thời gian và sức lực hợp lý để vừa chăm sóc động vật cho thật tốt, vừa quán xuyến công việc và nhà cửa.
Theo Dân trí
Đôi trẻ ở TP.HCM yêu nhau nhờ cùng đi tình nguyện chống dịch
Quen nhau vào khoảng thời gian đặc biệt, Hương Ngân và Trí Dũng không thể ở bên hay hẹn hò như bình thường. Tuy nhiên, cả hai đã có nhiều khoảnh khắc, kỷ niệm đáng nhớ.