- “Phía gia đình các nạn nhân Trung Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm là đề nghị cơ quan pháp luật của tỉnh Bình Dương khởi tố, xử lý hình sự đối với chủ doanh nghiệp và tổng quản lý của doanh nghiệp Dìn Ký”.
Xác nhận với PV VietNamNet vào chiều 8/6, luật sư Hải Hà (Đoàn luật sư TP.HCM, người bảo vệ quyền lợi cho gia đình 4 nạn nhân người Trung Quốc) khẳng định như vậy.
Trong khi đó, ông Châu Hoàn Dũng (người đại diện cho doanh nghiệp Dìn Ký) xác nhận, trong những ngày gần đây cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã có nhiều lần mời ông Châu Hoàn Tâm (chủ doanh nghiệp Dìn Ký) và ông Đinh Văn Quân (là tổng quản lý của khu du lịch Dìn Ký – Cầu Ngang) lên làm việc.
Về vần đề bồi thường cho phía 4 nạn nhân Trung Quốc, Luật sư Hải Hà tiết lộ, đến nay phía Dìn Ký đã chuyển giao 68.250 USD là số tiền chi phí đưa thi thể các nạn nhân về nước cũng như chi phí đi lại, ăn ở của 19 thân nhân của họ trong thời gian qua.
Số gia đình nạn nhân trong vụ chìm tàu có đơn bãi nại cho phía doanh nghiệp Dìn Ký trong khi đó gia đình các nạn nhân Trung Quốc yêu cầu phải xử lý hình sự đối với chủ doanh nghiệp này |
Trong một diễn biến khác có liên quan, một số gia đình nạn nhân bị nạn trong vụ chìm tàu có đơn gửi đến cơ quan công an xin bãi nại, giảm nhẹ hình phạt cho 2 nhân viên Dìn Ký; trong khi đó phía nạn nhân Trung Quốc đề nghị xử lý hình sự chủ của Dìn Ký.
Theo thông tin từ văn phòng Công an tỉnh Bình Dương, trong ngày 8/6, một số gia đình nạn nhân bị nạn trong vụ chìm tàu Dìn Ký đã có đơn bãi nại gửi đến cơ quan này nhằm xin giải nhẹ hình phạt và khoan hồng đối với những người có trách nhiệm liên quan trong vụ chìm tàu diễn ra vào đêm 20/5, làm 16 người chết.
Theo đó, trong lá đơn mà người đứng đơn là ông Đồng Văn Sỹ và bà Nguyễn Thị Đào (cùng ngụ tại P.An Phú, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương, là cha và mẹ ruột của nạn nhân Đồng Thị Thanh Hoa) có ghi rõ “sau khi xảy vụ việc, chủ doanh nghiệp Dìn Ký đã tích cực khắc phục hậu quả cho gia đình chúng tôi”.
Đoạn cuối lá đơn đề cập “Gia đình chúng tôi xin cơ quan chức năng để bãi nại cho các cá nhân có liên quan đến doanh nghiệp Dìn Ký phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ chìm tàu nói trên, xin khoan hồng cho các nhân viên và các cá nhân khác của doanh nghiệp Dìn Ký”.
Mở đầu một lá đơn khác mà người đứng đơn là bà Hà Thị Tám (ngụ tiểu khu 5, xã Đồng Phú, huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, là mẹ ruột của nạn nhân Trần Thị Thùy Trang và là bà ngoại của nạn nhân Trương Trần Đức Anh) có viết “được sự đồng ý, chấp thuận của các thành viên trong gia đình, tôi có đơn…”.
Sau đó bà Tám có đề cập đến vụ tai nạn đêm 20/5 “do mưa lớn, có lốc xoáy, gây chìm tàu, đây là trường hợp bất khả kháng dẫn đến cái chết của con và cháu tôi”.
Bà Tám nói rõ “Xin giảm nhẹ hình phạt cho những người bị khởi tố vì vụ chìm tàu và tôi không có khiếu nại gì về sau”.
Được biết, phía Dìn Ký đã bồi thường cho 2 nhân mạng trong gia đình bà Tám với số tiền trên 250 triệu đồng.
Các lá đơn trên đều có chứng thực của ông Lê Văn Hiếu - chủ tịch UBND xã Bình Nhâm, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương .
Theo ông Châu Hoàn Dũng (người đại diện cho doanh nghiệp Dìn Ký), hiện việc bồi thường cho các nạn nhân trong nước cả về chi phí an táng lẫn bồi thường nhân mạng, tổn thất tinh thần cơ bản đã hoàn tất, với mức là hơn 5.000 USD/người.
Đàm Đệ