Nếu như một số mặt hàng thiết yếu trong tháng 10/2012 được các chuyên gia thương mại dự báo là ổn định như: muối, đường, thép, xi măng, thuốc thì ngay từ đầu tháng 10/2012, mặt hàng gas, sữa đã “nhấp nhổm” tăng giá do chi phí đầu vào liên tục tăng cao.


Đúng như dự báo của Tổ điều hành thị trường (TĐHTT) trong nước cuối tháng 9/2012, một số hàng hóa nhiên liệu sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới thì chỉ sau vài ngày, kể từ ngày 1/10, giá gas đã tăng từ 13.000 - 16.000 đồng/bình; giá một số mặt hàng sữa đã tăng 5%.

Theo đó, giá gas bán lẻ tại khu vực phía nam đã tăng 16.000 đồng/bình 12 kg so với trước. Cụ thể: Giá gas Thành Tài, gas Saigon Petro và MTGas được bán với giá từ 433.000 - 434.000 đồng/bình 12 kg. Trao đổi với phóng viên Tin Tức ngày 8/10, đại diện phòng kinh doanh của Petrogas Việt Nam cho biết: Giá gas tại khu vực phía Bắc tăng ít hơn phía Nam (tăng 13.000 đồng/bình 12 kg) với giá bán ở Hà Nội là 430.000 đồng/bình 12 kg.

"Gas trong nước tăng vì giá gas theo hợp đồng với thế giới lên 995 USD/tấn, chi phí khác cũng tăng 12 USD/tấn", ông Lê Quang Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh gas Pacific Petro nói. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, gas tăng giá.

Theo TĐHTT trong nước, 9 tháng đầu năm 2012, giá mặt hàng khí hóa lỏng (LPG) đã tăng mạnh trong quý I/2012 do thời tiết giá lạnh ở các nước châu Âu, làm tăng nhu cầu nhiên liệu dùng để sưởi ấm cũng như việc giá dầu thô tăng cao. Tính đến thời điểm này, giá LPG bán lẻ được điều chỉnh liên tục theo diễn biến giá thế giới và thay đổi thuế nhập khẩu, cụ thể tăng 8 lần, giảm 6 lần. Lần điều chỉnh tăng cao nhất vào ngày 1/3 với mức 52.000 đồng/bình 12 kg và mức giảm cao nhất vào ngày 1/4 với mức 46.000 đồng/bình 12 kg.

Theo quy định của Bộ Tài chính, mặt hàng gas thuộc danh mục những loại hàng hóa thiết yếu phải đăng ký giá. Do đó mới đây (ngày 5/10), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã yêu cầu Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc phải thực hiện nghiêm túc việc quy định đăng ký giá. Nguyên do, công ty này đã thực hiện điều chỉnh giá gas ngày 1/10. Tuy nhiên, công văn đăng ký giá lại được gửi lên sau đó một ngày vào 2/10.

Sữa lại rục rịch chuẩn bị tăng giá.

Đại diện Cục Quản lý giá cho biết thêm: Biểu mẫu giải trình lý do điều chỉnh giá trong hồ sơ đăng ký giá của công ty này cũng chưa cung cấp đầy đủ thông tin (thiếu cột tỷ lệ (%) tăng, giảm so với lần đăng ký trước liền kề). Vì vậy, Cục Quản lý giá đã yêu cầu Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc hoàn thiện biểu mẫu giải trình lý do điều chỉnh giá theo quy định trong những lần đăng ký tiếp theo.

Qua đợt rà soát hồ sơ đăng ký giá ngày 2/10 của 5 doanh nghiệp LPG đầu mối, cuối tuần qua, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải gửi biểu mẫu đăng ký đã điền đầy đủ trước khi thực hiện điều chỉnh theo giá mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải kịp thời công khai thông tin về giá sau mỗi lần điều chỉnh giá bán LPG (đặc biệt là giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng thống nhất trong toàn hệ thống tổng đại lý, đại lý và cửa hàng kinh doanh LPG) trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời thực hiện niêm yết giá theo quy định.

Không chỉ giá gas biến động mà sữa luôn được xếp là mặt hàng được dự báo là sẽ tăng cao hơn tháng trước. Theo TĐHTT trong nước, tại thị trường trong nước, từ sau đợt tăng giá sữa vào tháng 4/2012 thì sau đó, giá sữa trong nước vẫn tiếp tục ổn định. Tuy nhiên vào tháng 9/2012, một số hãng sữa lại thông báo kế hoạch tăng giá trong tháng 10/2012 do chi phí đầu vào tăng (giá xăng, chi phí vận chuyển...).

Cụ thể: Ngày 1/10, giá 4 mặt hàng sữa của Công ty Friesland Campina Việt Nam tăng 3,8 - 5%. Cụ thể, hai loại sữa tiệt trùng Cô gái Hà Lan không đường và có đường loại 1 lít tăng từ 23.300 lên 24.200 đồng/hộp, Ovaltine hũ 400gr tăng từ 48.500 đồng lên mức 51.000 đồng và Ovaltine hộp giấy 285gr sẽ tăng thêm 1.300 đồng lên mức 35.000 đồng/hộp. Đại diện công ty này cho biết: 4 mặt hàng sữa tăng giá trong đợt này chủ yếu do mức giá tồn tại từ khá lâu và không còn phù hợp với chi phí kinh doanh nên buộc phải tăng giá.

Ngoài 2 mặt hàng trên, giá thịt lợn từ nay đến cuối năm cũng được các chuyên gia thương mại dự báo sẽ tăng khoảng 20 - 25%, nhất là vào dịp Tết Âm lịch do nhu cầu của người dân tăng.

(Theo Báo tin tức)