Khác với quan điểm, trẻ chăm con, già chăm cháu, nhiều người già lại cho rằng, ông bà chỉ có trách nhiệm chăm con còn việc chăm sóc nuôi dạy các cháu là trách nhiệm của bố mẹ chúng.

“Con ai người ấy nuôi”

Từng là phó hiệu trưởng một trường cấp 2, bà Hoàng Thị Mùi (sống tại Phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về hưu đã 3 năm. Suốt 3 năm nay, cuộc sống của bà và chồng là những chuyến đi thiện nguyện và du lịch trong và ngoài nước.

Bà cho biết, đó là sở thích, là đam mê cháy bỏng từ khi bà còn trẻ nhưng vì cơm áo gạo tiền, vì con cái, gia đình, công việc và trăm ngàn mối lo của cuộc sống nên chưa bao giờ bà được thỏa mãn ước mơ của mình. Vì thế, khi các con đã trưởng thành, dựng vợ gả chồng và bà cũng đã đến tuổi nghỉ hưu, bà mới có thời gian để thực hiện ước mơ của mình.

{keywords}
Ảnh minh họa

Bà bảo, bà có một cô con gái và một cậu con trai. Con dâu bà vừa mới sinh được 4 tháng, tuy nhiên, ngay từ đầu, quan điểm của bà đã rất rõ ràng.

Theo đó, bà chỉ có trách nhiệm nuôi dạy con, còn việc nuôi dạy các cháu là trách nhiệm của bố mẹ chúng. Trường hợp bố mẹ chúng khó khăn, bà có thể giúp đỡ về mặt kinh tế, nhưng việc làm vú nuôi hay “osin” cho các con thì … không bao giờ.

Bà Mùi cho biết: “Ngay sau khi làm đám cưới cho con trai, tôi đã cho các con ở riêng. Mục đích của tôi là để chúng tự lo, tự có trách nhiệm với bản thân, với gia đình nhỏ bé của mình. Đến khi chúng sinh con đẻ cái, tôi cũng đưa ý kiến (còn quyền quyết định thuộc về các cháu – nv) là đón các con về sống chung với tôi trong thời gian ở cữ để tôi chăm sóc và đỡ đần. Nhưng chúng không muốn về nên tôi kệ chúng tự lo. Tôi chỉ giúp đỡ các cháu chút kinh tế rồi thỉnh thoảng đến thăm con, thăm cháu. Thời gian còn lại tôi đi chơi, đi từ thiện …

Nhiều người thấy tôi làm như vậy cũng bảo tôi không thương con thương cháu, tôi quá độc ác và ích kỷ tuy nhiên, ai nói gì mặc họ. Tôi đã mất gần hết cuộc đời để vất vả, bây giờ là lúc tôi phải nghỉ ngơi và thực hiện những ước mơ của mình.

Thêm vào đó: “Nếu đã ở nhà chăm cháu mình phải chăm theo cách của mình nhưng mình lại không có cái quyền đó vì tôi không phải là người sinh ra đứa trẻ. Do đó, khi sống chung, những mâu thuẫn về lối sống, về quan điểm ắt hẳn sẽ không tránh được. Thậm chí, có nhiều bà, sau một thời gian đi chăm cháu về nhà mẹ con còn không nhìn mặt nhau.  Thà rằng cứ thẳng thắn với nhau ngay từ đầu là việc ai người ấy làm, con ai người ấy nuôi, thiếu thốn về kinh tế thì mẹ con giúp đỡ nhau, thỉnh thoảng nhỡ nhàng, bà đến chăm cháu dăm ba hôm rồi về còn không thì thôi”.

“Không phải nuôi bố mẹ là tốt lắm rồi”

Đó là quan điểm của bà Lê Thị Thi (Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội). Bà Thi cho biết, bà có một cô con gái và hai cậu con trai. Cả hai đều đã dựng vợ gả chồng và đang có con nhỏ. Tuy nhiên, bà không đến ở và bế con cho bất cứ ai.

{keywords}
Ảnh minh họa

Lý do bà đưa ra là: Ông bà đã mất nửa cuộc đời vất vả để nuôi dạy các con ăn học trưởng thành, xin công xin việc rồi dựng vợ gả chồng. Bây giờ, ông bà đã già các con đã trưởng thành, đi làm lẽ ra các con phải gửi tiền để phụng dưỡng bố mẹ nhưng đã không phụng dưỡng bố mẹ thì phải tự lo cho cuộc sống và con cái của mình. Không có chuyện ông bà đến ở cùng để làm “vú nuôi” hay osin không công .

“Hiện tại tôi vẫn phải chạy chợ, kiếm đồng ra đồng vào để nuôi sống hai ông bà và dành chút tiền cho lúc ốm đau. Vì thế, tôi không đi chăm cháu được. Tôi đi ở chăm cháu thì chúng tôi lấy tiền đâu mà sinh sống không lẽ, phải ngửa tay xin tiền con, mà có xin chắc gì các con đã cho”- bà Thi nói.

Vẫn theo lời bà Thi, hồi đầu, con dâu cả của bà đẻ, con trai bà cũng nói bà đến ở cùng để trông cháu, nhưng bà bảo: "Nếu mẹ đến thì phải trả tiền công cho mẹ bằng số tiền mẹ đi chợ kiếm được mỗi tháng còn không thì thôi, chứ bắt mẹ đến làm osin, nhưng lại không chu cấp tiền thì chồng mẹ sống bằng gì?...".

'Con dâu tôi thấy vậy thì giận chúng tôi lắm, nhưng tôi kệ. Mình đã lo cho con đến vậy là hoàn thành nghĩa vụ rồi. Đây là lúc hai ông bà già phải dành thời gian cho nhau và chăm sóc nhau. Các con không phải nuôi bố mẹ, chăm sóc bố mẹ là tốt lắm rồi” - bà Thi nói tiếp.

Minh Anh (Ghi)

Người già có nên trông, nuôi cháu hộ các con? Bạn đọc có ý kiến gì về vấn đề này xin gửi về email bandoisong@vietnamnet.vn.