Bên lề Hội nghị Khoa học Bệnh viện Bưu điện năm 2024 ngày 12/10, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Đơn vị Can thiệp tim mạch, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội), cho biết tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong, cao hơn cả số ca tử vong vì ung thư (khoảng 115.000 người). Trong các bệnh lý tim mạch, bệnh liên quan động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất.

Bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa. Trước đây, người bệnh vào cấp cứu chủ yếu già, hiếm gặp các ca dưới 40 tuổi. Hiện nay, số ca can thiệp tim mạch ở người trẻ đã gia tăng. Những bệnh nhân này thường có diễn tiến rất nặng, có cả trường hợp tử vong.

Bác sĩ Dũng thông tin trường hợp trẻ nhất can thiệp ở Bệnh viện Bưu điện là nam bệnh nhân 31 tuổi, bị nhồi máu cơ tim cấp. Đây là bệnh lý nguy hiểm, tỷ lệ tử vong trên 70%. Bệnh có thể xảy ra đột ngột khi đang ngủ, chơi hay làm việc và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

tim mạch.png
Bác sĩ Dũng (bên trái) can thiệp cấp cứu ca nhồi máu cơ tim. 

Theo bác sĩ Dũng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do lối sống, thói quen không lành mạnh như uống rượu bia, hút thuốc lá, thức khuya. Ngoài ra, áp lực cuộc sống, stress cũng làm gia tăng bệnh lý này. Trong cộng đồng, người dân còn chủ quan với các bệnh lý tim mạch, thờ ơ cho rằng bệnh không xảy ra với mình. Vì vậy, nhiều bệnh nhân trẻ đến khám với huyết áp khá cao, tuy nhiên không khám và điều trị gì trước đó.

Để giảm thiểu nguy cơ tử vong do tim mạch, bác sĩ Dũng cho rằng quan trọng nhất là phát hiện sớm, điều trị ổn định. Ví dụ với người bệnh tăng huyết áp cần kiểm tra thường xuyên và kiểm soát huyết áp của mình từ giai đoạn tiền tăng khi chỉ số ở mức 130 - 140mmg.

Ngoài ra, các biện pháp khám sức khỏe hằng năm là cách phát hiện sớm bệnh dựa vào chỉ số lipid máu, huyết áp, các bệnh lý về chuyển hóa.

Theo phân tầng nguy cơ, những người tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu… có nguy cơ cao, dễ xảy ra các biến cố tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não.

Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, bác sĩ Dũng khuyến cáo cộng đồng cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh. Tích cực tập luyện thể thao, hạn chế bia rượu và các chất kích thích.

Khi có các triệu chứng như đau thắt ngực, khó thở, người dân cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời.