Rẽ vào con hẻm yên tĩnh trên đường Nguyễn Văn Nguyễn (phường Tân Định, quận 1, TP.HCM), căn nhà của ông Đoàn Văn Tài gây ấn tượng bởi lối kiến trúc cung đình cổ kính.
Tường và cột nhà được chạm khắc hình rồng, phượng uốn lượn sinh động. Chính giữa nhà, bàn thờ tổ với dòng chữ “Quốc tổ Hùng Vương” khói hương nghi ngút đầy trang trọng, oai nghiêm.
Ông Tài (56 tuổi), con trai út trong gia đình họ Đoàn, hiện là người được ủy thác trông coi từ đường. Ông cho biết: "Đều đặn mấy chục năm qua, con cháu dòng họ gia tộc vẫn giữ thói quen cùng nhau tề tựu về đây để dâng lễ giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3.
Gia đình ông vốn là người ở Phủ Lý (Hà Nam). Thân sinh ông Tài là cụ Đoàn Văn Nụ, một nghệ nhân. Cụ làm ăn lập nghiệp tại TP.HCM từ năm 20 tuổi".
Vào những năm 1960, cụ lập nên từ đường Quốc tổ Hùng Vương trong khuôn viên gia đình với ý nguyện muốn nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc, về công đức của hiền nhân, đạo lý, lễ giáo làm người.
Chánh điện được dùng làm nơi thờ Hùng Vương được thân sinh ông Tài lập ra với triết lí: “Phật thì ở Thiên Trúc, Chúa thì ở Thiên đàng, còn Quốc tổ Hùng Vương ở trong tim người Việt. Chúng ta phải thờ để làm nền căn bản giáo dục con cháu”.
Đến khi thân sinh qua đời, năm 1996 ông Đoàn Văn Tài kế tục thờ phụng, nhang khói.
Ban Nữ Quan Âu Lạc chuẩn bị tiến hành tế tổ. |
Trải qua bao năm tháng thăng trầm, ngôi từ đường được con cháu Đoàn gia trùng tu khang trang trước là để thờ Quốc tổ Hùng Vương, sau thờ phụng tổ tiên, gia đình.
Trên bàn thờ Quốc tổ, chiếc cổ ngai thánh vị được đặt trang trọng, uy nghi tượng trưng cho linh vị đức Hùng Vương tổ phụ.
Ông Tài chia sẻ: “Bao nhiêu năm qua, tôi đã quen thuộc với công việc thờ cúng nhưng mỗi khi đến dịp lễ giỗ tổ vua Hùng, tâm thế tôi phấn khởi, hoan hỷ lạ thường”.
Chủ tế (chị gái ông Tài) đốt văn tế gửi tâm nguyện đến cha ông. |
Thuở còn nhỏ, ông Tài là một cậu bé đánh trống trong mỗi dịp tế lễ dưới sự hướng dẫn của cha mình. Giờ đây ông là người coi quản từ đường, người chủ trì chính không thể thiếu trong các buổi lễ.
Mâm cúng Quốc tổ Hùng Vương được bày biện với trái cây, xôi gấc, gà… và không thế thiếu bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho trời và đất. Chiêng trống vang lên, đoàn nữ quan Âu Lạc gồm 11 người trang nghiêm tiến hành lễ trước bàn thờ Quốc tổ.
Người chủ tế chính đứng ở đầu, phía sau là hai phó tế, tả và hữu là Đông xướng và Tây xướng, cuối cùng là 6 bồi tế đứng hai bên.
Từ công đoạn dâng hương, dâng hoa, rót rượu, dâng lễ vật, đọc văn tế... đều diễn ra nhịp nhàng dưới sự điều hòa của nữ thông xướng.
Anh em trong Đoàn tộc dâng hương. |
Buổi lễ diễn ra một tiếng đồng hồ trong không khí trang nghiêm, cung kính. Người chủ tế nhắc lại lời răn dạy cho thế hệ con cháu về đạo lý, cội nguồn dân tộc. Tất cả những người trong ban lễ cũng như ban nhạc đều là con cháu trong gia tộc, được tập luyện từ nhỏ.
Con trai và con gái của ông Tài cũng nằm trong ban lễ nhạc với vai trò thông xướng và đánh trống. Việc để con cháu tham gia vào buổi lễ nhằm giúp con cháu hiểu rõ hơn về các lễ nghi của dân tộc.
Chia sẻ với chúng tôi lý do vì sao gia đình lại tổ chức và giữ gìn lễ tế Quốc tổ Hùng Vương, ông Tài cho biết: “Ông cha xây dựng đã khó, con cháu giữ gìn còn khó hơn. Ngày nay con người chạy theo cuộc sống vật chất nhiều mà dễ bỏ qua tinh thần.
May mắn là với con cháu trong nhà chúng tôi, việc thờ phụng tổ tiên ông bà không còn là trách nhiệm mà dường như đã trở thành điều thiêng liêng vận sâu vào nếp nghĩ. Vậy nên sau khi thân sinh mất, gia đình vẫn tiếp tục gìn giữ”.
Ông khuyên các con mình dù có bận đến mấy cũng nên dành thời gian trong ngày lễ. Việc cho con mình tham gia nghi lễ từ nhỏ, ông nhận thấy các con mình chững chạc, tự tin, nghiêm túc và hiểu đạo lí nhiều hơn.
“Tiên học lễ - hậu học văn”, “khơi trong, gạn đục” là những câu nói mà ông Tài luôn dạy các con cháu phải khắc ghi. Truyền thống gia đình đã giúp ông thấu hiểu về lễ nghĩa, làm cơ sở giáo dục con cái nên người.
Để khuyến khích việc học hành của con cháu trong dòng họ, gia tộc nhà họ Đoàn còn lập quỹ khuyến học do các thành viên đóng góp. Hàng năm, gia tộc sẽ trao thưởng cho những con cháu trong họ có thành tựu tốt.
Thế hệ trẻ cùng tham gia nghi lễ. |
Có một chuyện khiến ông Tài nhớ mãi và xúc động: “Năm đó, gần đến dịp giổ tổ Hùng Vương có một người nói với ông muốn đưa con gái đi dâng hương tưởng nhớ vua Hùng nhưng không biết đi đâu. Chợt nhớ đến gia đình ông có thờ Quốc tổ nên đưa con gái đến đây”.
Dù ngoài kia cuộc sống đô thị xô bồ, nhộn nhịp thì gia đình ông Tài vẫn cố gắng gìn giữ nguyên vẹn những nét tuyền thống tốt đẹp dân tộc.
Điều bất ngờ về xóm Nhà Giàu lừng lẫy một thời ở Long An
Nằm giữa một khu vực rộng lớn, bốn bề là ruộng lúa và nhà của những người nông dân, 4 ngôi nhà bề thế, giàu có đã làm cho người Pháp kinh ngạc và gọi đây là xóm Nhà Giàu.
Đám cưới phú nông và người đẹp, dân bỏ việc đồng áng kéo ra xem
Nhà gái yêu cầu làm một con đường từ nhà trai đến nhà gái và phải trải chiếu trên tuyến đường ngày rước dâu. Ông Mậu Anh đã trải luôn lụa đỏ thay cho chiếu khiến người đời kinh ngạc.
Nguyễn My - Quỳnh Bùi