Trong 15 Di sản Văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, có nhiều di sản thuộc về cộng đồng dân tộc thiểu số. Đó là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật Xòe Thái và mới đây nhất là Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.

Du lịch đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những vùng, địa phương khu vực miền núi. Ở các vùng dân tộc thiểu số, loại hình du lịch cộng đồng, homestay đã và đang được đầu tư để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của du khách.

W-miennui.png
Nghề dệt vải cổ truyền của đồng bào DTTS vùng núi phía Bắc

Tại Diễn đàn "Văn hóa các dân tộc Việt Nam nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên dải đất hình chữ S, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng văn hóa Việt Nam. 

Theo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, giá trị di sản văn hóa các tộc người thiểu số là chất liệu, cảm hứng dồi dào, phong phú để khai thác phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác tiềm năng này, các chủ thể sáng tạo và nhà sản xuất cần phải chú ý để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới hệ thống các di sản văn hóa.

Bởi lẽ, các di sản văn hóa phi vật thể như hát then, múa khèn, cồng chiêng... khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình "hàng hóa hóa" di sản, được sân khấu hóa, cắt gọt phần nghi lễ, tách khỏi không gian của đồng bào, khiến cho tính cộng đồng, tính thiêng của các di sản có nguy cơ bị mai một dần. Thực tế cũng cho thấy, tại một số điểm du lịch, lượng du khách đến tham qua, trải nghiệm thường rất đông, mang lại nguồn thu cho cộng đồng, địa phương nhưng cũng dẫn đến tình trạng quá tải, gây ra những hệ quả không mong muốn với môi trường, nếp sống văn hóa của cộng đồng địa phương.

Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đưa ra rất nhiều giải pháp mang tính ứng dụng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Trong đó, ông đề cập đến việc tổ chức giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc từ cấp xã đến tỉnh, để họ hiểu và học tập lẫn nhau. Các đơn vị liên quan cần tổ chức hoạt động và dịch vụ văn hóa, khôi phục, khai thác làng nghề văn hóa các dân tộc, tiến tới giới thiệu rộng rãi sản phẩm đó ra các vùng, miền và cả nước. Quan trọng hơn cả là phải gắn văn hóa của đồng bào các dân tộc với hoạt động du lịch để vừa quảng bá văn hoá vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng bào người dân tộc thiểu số bản địa cần được đào tạo thành các hướng dẫn viên du lịch để tự giới thiệu, quảng bá, lan tỏa chính xác nhất giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Ngọc Tuân và nhóm PV, BTV