Ngày 24/03/2015 vừa qua, công trình Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đã chính thức khánh thành sau nhiều chờ đợi. Công trình khánh thành vào dịp 40 năm giải phóng Quảng Nam.
Đây là công trình do Đài tiếng nói Việt Nam và Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động. Được các bộ ban ngành Trung ương thống nhất đề nghị xây dựng công trình Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam, là nơi có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất cả nước. Ban bí thư trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương và đưa vào danh mục công trình văn hóa cấp Quốc gia để triển khai thực hiện.
Đồng chí Lê Hồng Anh ủy viên bộ chính trị, thường trực ban bí thư TƯ Đảng đọc diễn văn phát biểu tại buổi lễ khánh thành tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng. |
Sau 10 năm ấp ủ, tâm huyết và xây dựng, theo tác giả, đây là công trình tượng đài nghệ thuật lớn mà ông tham gia. Tượng đài cao 18m, dài theo đường cánh cung 120m. Tượng đài được gắn kết với hồ nước rộng hơn 1000m2. Những dòng nước chảy từ vách tượng mẹ tràn trên mặt hồ, thể hiện tình cảm luôn như bát nước đầy, sự tận hiến của các bà Mẹ đối với Tổ quốc, đối với các con. Bên trong khối đá Hoa cương hình cánh cung là bảo tàng với diện tích 1.400m2, bao gồm: phòng trưng bày, phòng bảo quản và nơi ghi danh hơn 50.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời, sự cống hiến cao cả của người Mẹ với Tổ quốc.
Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng |
Để xây dựng công trình lớn này, khối lượng đá hoa cương đồ sộ, được khai thác tại Bình Định chuyển về Quảng Nam lên đến 3.000m3 đá nguyên khối, với trọng lượng gần 10.000 tấn. Mỗi tảng đá có khối lượng từ 35 - 110 tấn. Nếu kể cả trọng lượng toàn khối đá và bê tông của khối tượng đài Mẹ là 20.000 tấn. Riêng 8 trụ Huyền Thoại bằng đá nguyên khối có trọng lượng hơn 1.500 tấn.
Đoàn Cựu chiến binh Mỹ đến thăm quan tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng |
Được biết để có phác thảo tượng đài, với cảm hứng là hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ, quê ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có 11 người con cháu là liệt sỹ. Họa sỹ Đinh Gia Thắng đã có thời gian dài trực tiếp gặp gỡ với Mẹ Thứ lúc sinh thời, để có cảm xúc dựng nguyên mẫu người Mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu. Tác giả đã lựa chọn thể hiện đưa vào quần thể tượng đài ngôn ngữ tượng trưng, kết hợp dung dị với ngôn ngữ hiện thực, tạo ấn tượng mạnh, chuyển tải được nội dung tư tưởng, những xúc cảm thẩm mỹ tới công chúng. Hình tượng bà mẹ Việt Nam anh hùng mang hình bóng Mẹ Thứ vừa có tính khái quát của ngôn ngữ tượng đài, vừa thể hiện được nét đẹp tiêu biểu của người Mẹ Việt Nam: Hiền từ, nhân hậu, bao dung, nhưng cũng đầy nghị lực can trường.
Công trình tượng đài bà Mẹ Việt Nam anh hùng mang ý nghĩa nhân văn đặc biệt: Người Mẹ như mở rộng vòng tay ôm trọn những đứa con của cả nước vào lòng. Mẹ như sinh mọc lên từ giang sơn gấm vóc. Nét trữ tình, tính hoành tráng tạo nên sức lan toả rộng. Người Mẹ với tình yêu Tổ quốc, yêu tự do, độc lập là người Mẹ Tổ quốc của chúng ta. Người Mẹ cao cả hiện ra trong sự bình dị gần gũi thiết tha trong cuộc sống hôm qua, hôm nay và ngày mai.
Cách biểu đạt nghệ thuật tượng đài mới mẻ, ấn tượng đã cho thấy bản lĩnh nghề nghiệp, nội lực tư duy, sáng tạo và tay nghề của tác giả. Sự độc đáo của tác phẩm ghi nhận những sáng kiến mới, đột phá, tâm huyết của tác giả với một công trình lớn mang giá trị vững bền theo thời gian, tránh được những lối mòn đã hiện hữu lâu nay. Tôi là một nhà điêu khắc cũng đã làm nhiều tác phẩm tượng đài, đã tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước nên nhìn nhận theo góc độ chuyên môn, tôi cũng đọc được mạch cảm xúc sáng tạo của tác giả, có nét rất riêng, nó như một tổng phổ của một bản giao hưởng hùng tráng bằng ngôn ngữ điêu khắc với hàm lượng nội dung tư tưởng rất rộng, mang đậm nét dân tộc nên không thể đem ví von, hay gán ghép nó giống cái tượng này, cái tượng kia trên thế giới được. Nhóm Cựu chiến binh Mỹ do Bà Marsha Lynn Four, Phó Chủ tịch toàn quốc VVA dẫn đầu tới làm việc với tỉnh Quảng Nam và đến thăm tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đã thốt lên: “Đất nước Việt Nam có tượng đài bà Mẹ quá sức đẹp, hùng vĩ và thiêng liêng”. Các đoàn khách đến thăm quan cũng đều có cùng những cảm tưởng như vậy, cho thấy tác động lớn lao của biểu tượng này tới công chúng như thế nào.
Khi tận mắt chiêm ngưỡng cả một quần thể đồ sộ và hoành tráng được nghiên cứu giải quyết đầy công phu sáng tạo thế này, chắc nhiều người sẽ cảm nhận sự đầu tư cho Công trình này là quá xứng đáng. Thấy được sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam, để hoàn thành công trình thế kỷ này. Hiện nay, quần thể công trình này vẫn còn tiếp tục hoàn thiện thêm 2 vườn truyền thống, với những biểu tượng văn hoá đặc trưng của 3 miền Bắc – Trung – Nam. Tiếp tục hoàn thiện phòng trưng bày trong lòng tượng Mẹ. Hàng ngày có hàng ngàn người đến thăm quan tượng đài, cũng mở ra cơ hội phát triển du lịch cho Quảng Nam và tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân. Hơn hết là ý nghĩa giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, giáo dục lòng yêu nước với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Theo tôi không vì chúng ta còn nghèo về vật chất mà có thể nghèo đi cả về tinh thần và tấm lòng ngưỡng vọng với sự hy sinh cao cả lớn lao của các anh hùng liệt sỹ, các bà Mẹ Việt Nam anh hùng và để đất nước có được những công trình văn hoá giá trị cho muôn đời sau.
Thành công của tượng đài đã mang lại cảm xúc thiêng liêng cao quý của thế hệ hôm nay với Mẹ Tổ quốc để nhận ra mình cần phải sống đẹp hơn, xứng đáng hơn với lịch sử của đất nước.
Nhà điêu khắc Vũ Tiến