Với đồng loạt 3 danh hiệu trao cho 3 thí sinh tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế trong năm 2015, Hoa khôi Áo dài Việt Nam sẽ trở thành cuộc thi sắc đẹp có quy mô danh hiệu lớn nhất từ trước tới nay. 

Điểm sáng giữa thời loạn vừa thừa, vừa thiếu 

Việt Nam là một trong số các quốc gia Châu Á mà khán giả và truyền thông dành một sự quan tâm đặc biệt cho các cuộc thi sắc đẹp và người mẫu. Đã có nhiều cuộc thi ra đời nhưng không gây được sức ảnh hưởng lớn, thậm chí bị đánh giá kém về khâu tổ chức, vướng vào lùm xùm nghi án mua bán giải thưởng hay bị lệ thuộc vào nhà tài trợ nên không thể duy trì tổ chức cuộc thi hàng năm. 

Đối với các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, Việt Nam luôn ở trong tình trạng vừa thiếu, vừa thừa thí sinh. Trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, Miss World và Miss Universe là 2 đơn vị yêu cầu thí sinh tham dự phải đạt Top 3 trong một cuộc thi cấp quốc gia, còn các cuộc thi khác mức độ yêu cầu thấp hơn, chỉ là lọt Top hoặc có một giải thưởng riêng.

Điều khó khăn lớn với các đơn vị có bản quyền các cuộc thi quốc tế chính là rào cản từ quy định chỉ cho phép các thí sinh có danh hiệu Top 3 trong các cuộc thi lớn trong nước được dự thi. Tình trạng này dẫn đến việc thí sinh Việt Nam liên tục "thi chui" các cuộc thi sắc đẹp quốc tế thời gian qua, chấp nhận bị phạt trong lúc các người đẹp có danh hiệu đã thi quá nhiều hay không tham gia vì những lý do khác nhau, hay các người đẹp đạt đủ tiêu chuẩn đến với các cuộc thi lớn lại không có đủ danh hiệu để tham dự. 

{keywords}
Các hoa hậu đăng quang 5 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hành tinh. 

Sự ra đời của Hoa khôi Áo dài Việt Nam giải quyết được việc đáp ứng đủ 3 thí sinh cho các cuộc thi Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu quốc tế, Hoa hậu Siêu quốc gia, tránh tình trạng Việt Nam không đủ lượng thí sinh để tham dự các cuộc thi lớn các năm qua, và chỉ còn lại Hoa hậu Hoàn vũ (dự kiến sẽ được  tổ chức vào năm sau) và Hoa hậu Trái đất.

Tuy nhiên, cái lợi lớn hơn từ Hoa khôi Áo dài Việt Nam chính là việc đánh dấu một bước khởi đầu chuyên nghiệp trong việc nhận thức có tính chiến lược, bài bản và dài hạn trong việc lựa chọn, đào tạo, huấn luyện thi sắc đẹp ở Việt Nam nếu muốn chuyên nghiệp hóa ngành công nghiệp sắc đẹp cũng như cạnh tranh thành tích với các quốc gia lớn. 

Đội ngũ chuyên gia chưa đồng đều - tương tác thấp 

Với 75 tập phát sóng liên tục bao gồm các hoạt động theo chủ đề mỗi tuần, các đêm liveshow, tập luyện, Hoa khôi Áo dài Việt Nam đã tạo ra được một môi trường khá hoàn thiện để hỗ trợ cho các thí sinh tham gia cuộc thi. Các chủ đề được sắp xếp tuần tự giúp các thí sinh có những hiểu biết cơ bản từ cơ thể, kỹ năng trình diễn, tài năng, văn hóa cho tới nghi thức ngoại giao, hoạt động cộng đồng và cách tỏa sáng. Hầu hết các thí sinh đều đã có sự thay đổi về vóc dáng, ngôn ngữ, tư duy và tinh thần tích cực so với những ngày đầu bước vào cuộc thi.  

Dù là lần đầu tổ chức, Hoa khôi Áo dài Việt Nam đã mời hẳn các chuyên gia đến từ Philippines để hỗ trợ công việc huấn luyện cho các thí sinh. Và sự có mặt của các HLV này cũng cho thấy một lỗ hổng rất lớn trong việc Việt Nam chưa có được một quy trình huấn luyện bài bản với các thí sinh. Một số chuyên gia đến từ Việt Nam tham về việc giải thích, diễn đạt kiến thức, thậm chí đưa ra những vấn đề quá tiểu tiết, không quá hữu ích hay giảng giải dài dòng lại không đúng trọng tâm. Hầu hết các buổi chụp hình thời trang của các thí sinh bị liệt vào dạng thảm họa, chất lượng kém từ tạo dáng, biểu cảm gương mặt hay set-up bối cảnh sơ sài, thiếu đầu tư.

{keywords}
Khánh Thy là một trong những chuyên gia Việt Nam huấn luyện rất chuyên nghiệp bên cạnh đội ngũ huấn luyện viên người Philippines.

Trương Ngọc Ánh và Nguyễn Quang Dũng là những giám khảo then chốt của chương trình. Tuy vậy, theo dõi số tập được phát sóng, Trương Ngọc Ánh hầu như chỉ xuất hiện trong các đêm trực tiếp và ghi hình phần giới thiệu chủ đề các tuần thi cùng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sau khi liveshow kết thúc, rất hiếm khi tham gia hướng dẫn trực tiếp cho các thí sinh. Mặc dù nữ giám khảo chia sẻ cô vẫn liên tục cập nhật thông tin từ cuộc thi cũng như được BTC liên hệ gửi thông tin, nhưng trong vai trò 2 giám khảo then chốt trong các đêm thi, khán giả cần thấy cô mật thiết hơn trong quá trình huấn luyện thí sinh.  

Mặc dù đã bao phủ khá nhiều các công cụ truyền thông từ báo mạng, truyền hình, Youtube, Fanpage trên Facebook,... nhưng mức độ tương tác với khán giả và truyền thông của Hoa khôi Áo dài chưa thực sự mạnh đối với quy mô của một cuộc thi lớn. Tỷ lệ lượt người xem thấp trên Youtube, tương tác trên Fanpage không quá mạnh mẽ và giới truyền thông không thực quan tâm nhiều nên những đánh giá, nhận xét về cuộc thi rất ít, không tạo được dư luận mạnh mẽ. Thậm chí, chỉ bước vào giai đoạn cuối của cuộc thi, nhiều khán giả mới biết thí sinh chiến thắng sẽ giành được quyền tham dự Hoa hậu Thế giới. 

Nâng cao chất lượng thí sinh và chương trình 

Với ý tưởng hình thành một cuộc thi sắc đẹp nhắm tới các mục tiêu giải thưởng quốc tế ở mức độ dài hạn, Hoa khôi Áo dài Việt Nam đã phần nào ghi được điểm tốt về mức độ nghiêm túc, sự đầu tư và tính công bằng. Tuy nhiên, với tính chất của một show truyền hình thực tế hướng đến mục tiêu quốc tế, việc đầu tư biên tập truyền hình, tính tương tác với khán giả, truyền thông cần phải được chú ý và hoàn thiện thêm để những hiểu biết và thông điệp của cuộc thi được lan tỏa rộng rãi. 

{keywords}
Nguyễn Ngọc Kiều Khanh, Thúy Vy Victoria, Hoàng My, Lại Hương Thảo và Nguyễn Thị Loan là 5 đại diện Việt Nam tại Miss World từ năm 2000 đến năm 2014.

Trong bối cảnh và điều kiện Việt Nam còn chưa có tên lớn trên bản đồ sắc đẹp thế giới, một format tìm kiếm, lựa chọn và huấn luyện thí sinh thi sắc đẹp là một điểm sáng so với nhiều quốc gia lớn có thành tích cao hơn Việt Nam. Chiến lược này không chỉ nhằm thỏa mãn sự khao khát về thành tích mà giống như phát súng làm tăng mức độ cạnh tranh giữa các cuộc thi sắc đẹp trong nước và mở lối cho ngành công nghệ nhan sắc ở Việt Nam.

Thành tích của các thí sinh ra sao sẽ cần thời gian để thí sinh rèn luyện thêm trước khi bước chân vào các cuộc thi lớn, nhưng điều cần nhất vẫn là tính bền vững, việc đảm bảo uy tín và sự công bằng của cuộc thi vì nếu tính chất cơ bản của một cuộc thi đã mất, giá trị của nó sẽ không còn. 

Huy Minh