Kẻ ăn không hết, người lần không ra
Trong nhiều năm nay, câu chuyện về nhập khẩu muối chưa bao giờ bớt nóng. Nhưng cũng đã nhiều năm nay, chuyện muối vẫn là câu chuyện bế tắc và người ta chỉ có thể “nói rồi để đấy”. Bởi lẽ, trong lúc sản lượng muối (nói chung) năm nào cũng thừa so với nhu cầu, người dân năm nào cũng phải kêu trời vì giá muối xuống quá thấp thì các doanh nghiệp tiêu thụ muối – các công ty sản xuất hóa chất năm nào cũng kêu thiếu (?!).
Muối sản xuất trong nước không đảm bảo yêu cầu sản xuất công nghiệp. |
Theo các doanh nghiệp này thì muối sản xuất trong nước không đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng chứ chưa nói về giá so với muối nhập ngoại. Bởi vì theo quan điểm của họ, nếu như muối sản xuất trong nước đảm bảo đủ yêu cầu về chất lượng và số lượng thì họ “chẳng dại gì” mà mua muối của nước ngoài vì vừa phải xinh hạn ngạch thuế quan lại vừa phải chờ đợi, trong khi các dây chuyền sản xuất lại luôn phải hoạt động trong tình trạng cầm chừng vì… thiếu muối.
Vì sao muối trong nước thì thừa mà các công ty tiêu thụ muối lại vẫn không đủ muối phục vụ sản xuất? Theo Bộ Công Thương, muối thừa hàng năm là loại muối ăn, trong khi đó loại muối các công ty sản xuất hóa chất cần cho sản xuất lại là loại muối công nghiệp với yêu cầu chất lượng cao hơn. Các doanh nghiệp sản xuất hóa chất không mua được muối trong nước có chất lượng phù hợp, do vây họ mới tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương cho nhập khẩu muối.
Điều này được chính các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp sản xuất muối thừa nhận. Ông, Vũ Bội Tuyền, một chuyên gia làm việc nhiều năm trong ngành muối, tác giả của nhiều cuốn sách giáo khoa về kỹ thuật sản xuất muối cho hay, cả hai phương pháp làm muối trong nước hiện nay đều chỉ cho ra loại muối có hàm lượng NaCl 80% (đối với phương pháp phơi cát ở miền Bắc) và 96-97% (với phương pháp phơi nước ở miền Trung và Nam) và thường lẫn nhiều tạp chất không tan. Hàm lượng NaCl này thấp hơn so với yêu cầu tiêu chuẩn của muối công nghiệp là 98%. Ngoài ra, do điều kiện canh tác, muối sản xuất trong nước là muối kết tinh ngắn ngày nên thường không đảm bảo yêu cầu về độ khô và độ cứng.
Đồng quan điểm với ông Vũ Bội Tuyền, Bùi Sơn Long, giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao công nghệ muối biển cho rằng, ngoài việc chất lượng muối thấp hơn so với yêu cầu sản xuất công nghiệp, việc sản xuất muối còn rất phân tán, khiến việc thu mua nguyên liệu đầu vào trở nên khó khăn và chi phí bị đội lên rất cao. Thêm nữa, số lượng muối công nghiệp ít ỏi sản xuất được hàm năm, hầu hết lại được sử dụng vào các ngành chế biến thực phẩm. Do vậy, các công ty sản xuất hóa chất liên tục phải sống trong tình trạng thiếu… muối.
Như vậy, câu chuyện “người ăn không hế, kẻ lần không ra” trong ngành muối Việt Nam sẽ vĩnh viễn không có hồi kết nếu như người làm muối trong nước không thể sản xuất ra loại muối có chất lượng phù hợp với yêu cầu của sản xuất công nghiệp. Vì vậy, vấn đề có lẽ không phải nằm ở việc tranh cãi có nên nhập khẩu muối hay không mà là làm cách nào để có giải pháp nâng cao chất lượng muối sản xuất trong nước để trong tương lai, diêm dân có thể sống với nghề muối và một quốc gia có hơn 3200 km đường bờ biển như Việt Nam không phải nhập khẩu muối.
Lối ra nào cho nghề muối?
Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất muối chất lượng công nghiệp. |
Làm thế nào để nâng cao chất lượng muối thủ công sản xuất trong nước, từ đó biến lượng muối tồn kho hàng trăm nghìn tấn có thể phục vụ cho nhu cầu sản xuất?
Theo các chuyên gia, vấn đề đầu tiên là phải thay đổi tập quán sản xuất của người dân làm muối. Theo ông Bùi Sơn Long, một trong những nhân tố chính khiến muối sản xuất thủ công trong nước có chất lượng thấp là do thói quen sản xuất của chính người dân. Từ phương pháp phơi cát và phơi nước, cho tới thói quen “ăn non”, thu hoạch muối kết tinh ngắn ngày đều khiến chất lượng muối sản xuất thủ công không đáp ứng được nhu cầu của muối công nghiệp.
Giải pháp cho vấn đề này, theo ông Long chính là áp dụng các phương pháp sản xuất mới, như sản xuất trên các vật liệu bê tông hay nhựa thay vì nền đất, sử dụng các công nghệ rửa muối sau khi thu hoạch,… Ông Long cũng cho biết, hiện nay, có rất nhiều các trung tâm nghiên cứu đã đưa ra các dây chuyền rửa muối cũng như các giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng muối sản xuất thủ công.
Tuy nhiên, vấn đề còn là ở chỗ, việc đầu tư này là quá sức với những người dân và “bất khả thi” đối với các doanh nghiệp sản xuất muối nhỏ, đặc biệt là trong tình trạng sản xuất muối phân tán như ở Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dây chuyền hàng trăm triệu đồng nhưng rồi lại phải “đắp chiếu” vì không thu mua đủ muối nguyên liệu để vận hành dây truyền.
Theo ông Bùi Sơn Long, giải pháp cho vấn đề này là ghép các đồng muối của dân thành các mảnh lớn. Việc hình thành các đầu mối lớn về muối giúp việc thu mua muối nguyên liệu thuận lợi, từ đó tạo điều kiện cho việc đầu tư công nghệ sản xuất muối có chất lượng cao hơn. Ngoài ra, việc hình thành một hiệp hội liên kết các doanh nghiệp sản xuất muối với người dân, nhằm điều tiết việc thu mua muối, đảm bảo việc thu mua muối nguyên liệu không bị phụ thuộc vào các đầu mối tư nhân ở địa phương cũng là rất cần thiết…
Như thế, giải pháp thì không phải không có, song để thực hiện các giải pháp này đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các bộ ngành liên quan cũng như các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ muối. Chỉ có như vậy, người làm muối trong nước mới có thể sống được với nghề và hàng năm người ta không phải đem chuyện nhập khẩu muối ra để tranh cãi.
Lê Văn