- Nhà thơ Lê Văn Vọng và nhà văn Nguyễn Bắc Sơn – hai tác giả của Việt Nam vừa được trao tặng giải thưởng Văn học Sông Mê Kông 2016 – giải thưởng tôn vinh những tác phẩm viết về đời sống, tình cảm, sự gắn bó thủy chung, đoàn kết của những quốc gia cùng uống chung một dòng nước.

Tập bút ký “Năm tháng chưa xa” được trao giải thưởng văn học Mê Kông 2016 của nhà thơ Lê Văn Vọng dày 300 trang, gồm 9 bút ký viết về những năm tháng chiến đấu, sự giúp đỡ không vụ lợi của quân tình nguyện Việt Nam đối với cuộc cách mạng của hai nước bạn Lào – Campuchia.

Trong đó, 5 bút ký viết về những năm tháng thời chiến, bốn bút ký viết về thời bình – những mảnh đất mà chính tác giả đã trực tiếp sống – chiến đấu và trải nghiệm.

{keywords}
Đoàn Việt Nam tại Lễ trao giải

Chia sẻ với VietNamNet sau khi tác phẩm của mình được trao giải, nhà thơ Lê Văn Vọng cho biết: đó là sự ghi nhận, tôn vinh của bạn đọc, đồng nghiệp trong nước và quốc tế đối với “đứa con tinh thần” mà ông thai nghén trong một thời gian dài.

Nhà thơ Lê Văn Vọng có thời gian gần 2 năm sống ở Lào, và cũng khoảng ngần ấy thời gian ông sống – chiến đấu cùng quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Những trải nghiệm thực tế đã cho ông tư liệu và sự rung động để có thể hoàn thành tập hồi ký đầy xúc động này.

Nhà thơ cho hay: thời bình, ông cũng đã trở lại những mảnh đất mà ông đã từng đi qua, gặp lại những người lính, những cựu chiến binh, đồng chí, đồng đội và người dân của nước bạn.

Sự thay da đổi thịt của những vùng đất ấy trong quá khứ và hiện tại khiến ông không khỏi ngỡ ngàng, nó vừa khiến ông lạ lẫm, nhưng cũng chắp thêm cho ông những cảm xúc, rung động… để có thể nhìn và viết vấn đề theo một trục dọc xuyên suốt theo thời gian.

{keywords}
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn và nhà thơ Lê Văn Vọng (ngoài cùng bên phải) nhận giải thưởng

Ông chia sẻ: “Các nhà văn, nhà thơ trẻ của Việt Nam bây giờ, họ thiên về phản ánh những biến động của xã hội hiện tại. Những tác phẩm viết về những mối quan hệ thân tình về tình cảm quốc tế của Việt Nam với hai nước bạn Lào – Campuchia bây giờ không nhiều".

“Năm tháng chưa xa” vừa như sự nhắc nhở, vừa như sự khẳng định về tình đoàn kết gắn bó keo sơn của ba nước láng giềng, cùng uống chung một dòng nước sông Mê Kông trong quá khứ, hiện tại và tương lai” – nhà thơ Lê Văn Vọng nói.

Cùng nhận giải thưởng văn học sông Mê Kông 2016, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn chia sẻ: “Năm nước chúng ta cùng da vàng máu đỏ. Nước sông Mê Công chiếm một phần lớn thành phần máu trong cơ thể chúng ta, nuôi sống chúng ta, tắm mát chúng ta, cho chúng ta không những nét đa dạng, khác biệt trong tính nhân loại thống nhất toàn cầu. Giải thưởng Văn học sông Mê Công hằng năm là nơi gặp gỡ, giao lưu, kết nối giữa những nét riêng trong cái thống nhất chung ấy”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam trong vai trò trưởng đoàn tham dự buổi lễ trao tặng Giải thưởng văn học Mê Kông 2016 chia sẻ: “Các nhà văn, nhà thơ tham dự giải thưởng Văn học sông Mê Kông đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau, nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, và cùng uống chung một nguồn nước trong lành.

Đó là nguồn nước sông Mê Kông, con sông huyền diệu và kỳ vĩ đã bồi đắp lên đất nước của mỗi chúng ta, cùng các nền văn hoá phong phú, trong đó, tinh tuý nhất là văn chương. Những đại diện của các nền văn chương tinh tuý ấy đã có mặt ở đây, đã được trao Giải thưởng cao quý mang tên con sông Mẹ vĩ đại.

{keywords}
Giải thưởng của nhà thơ Lê Văn Vọng

Mong sao các tác phẩm xuất sắc này, còn đi được xa hơn, đến được với đông đảo các tầng lớp bạn đọc, cùng uống chung dòng nước sông Mê Kông, và sau nữa là bạn đọc toàn cầu. Đó là quảng bá, là dịch các tác phẩm đoạt giải cùng các tác phẩm xuất sắc khác của mỗi nước.

Sứ mệnh của các nhà văn chính là những đại sứ tinh thần. Chúng ta cần xé đi mọi rào cản, để con người yêu thương con người nhiều hơn, nhất là những người cùng uống chung nước một dòng sông, cần phải có chung một tấm lòng, không chỉ trong văn chương, trong dịch thuật các tác phẩm văn học, mà trong cả đời sống văn hóa, kinh tế và xã hội, vì sự hòa bình, ổn định và phát triển của mỗi quốc gia, của các nước vùng Sông Mê Kông và trên thế giới”.

Di Linh