- Trong khi Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế nhìn nhận clip hài hước về kỳ thi THPT quốc gia là "quá mức chấp nhận được" thì những quan sát bên ngoài cho rằng nếu clip mang hàm ý chế giễu thì cơ quan công quyền cũng nên tập thái độ làm quen với chỉ trích.

"Hài hước quá mức chấp nhận được"

Trao đổi với VietNamNet sáng 6/7, TS Phạm Văn Hùng, GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết ông rất buồn sau khi xem xong clip hài hước về kỳ thi THPT quốc gia do một nhóm bạn trẻ thực hiện:

Không chỉ tôi buồn mà ngay cả bố mẹ của các cháu đều cảm thấy buồn. Tôi cũng hiểu rằng, clip có tính hài hước, chơi đùa nhưng những gì các em thể hiện trong clip là những lời lẽ chơi đùa quá mức, quá trớn, hài hước quá mức chấp nhận được…”.

{keywords}

GĐ Sở GD-ĐT tỉnh TT – Huế cho rằng, dựng clip về kỳ thi THPT quốc gia của nhóm bạn trẻ là “chơi đùa quá trớn”. (Ảnh: Quang Thành)

Từ góc độ của nhà quản lý giáo dục, ông Hùng cho rằng, tính hài hước trong clip của nhóm bạn trẻ là "hồi chuông đáng báo động":

"Đặc biệt, các em sử dụng một số từ ngữ tục tĩu, khoác áo học sinh THPT nhưng lại nói đến chuyện cá độ bóng đá, giám thị sexy…không phù hợp với lứa tuổi".

Trước nhiều ý kiến cho rằng, việc Sở GD-ĐT tỉnh mời công an vào cuộc xác minh những người thực hiện clip là quá nóng vội, đẩy sự việc lên mức trầm trọng và không cần thiết, ông cho rằng, clip của nhóm bạn trẻ này thực hiện trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, có một số nội dung trong clip phản ánh sai về tinh thần của kỳ thi.

"Cách phản ứng của những người thực hiện công quyền thể hiện sự mặc cảm và khả năng đón nhận  yếu ớt trước sự phản ứng đa dạng của xã hội với những gì mà họ đang làm" - TS Nguyễn Đức Thành, ĐHQG Hà Nội

Còn công an là một thành phần tham gia trong kỳ thi nên việc mời phối hợp là bình thường.

Ngành giáo dục chỉ muốn xác minh những người thực hiện clip có phải là các em học sinh đang theo học THPT trên địa bàn hay không.

Sau khi xem clip xin lỗi của nhóm bạn trẻ được đăng tải trên mạng xã hội, ông Hùng cho rằng “nỗi buồn” của ông cũng được vơi đi vì “tính lành mạnh trong con người của nhóm bạn trẻ đã được đánh thức.”

“Nếu trường hợp những người thực hiện clip là các em học sinh thì các cơ quan quản lý giáo dục sẽ xử lý bằng phương pháp giáo dục đạo đức, phân tích, mổ xẻ để các em thấu hiểu được vấn đề. Đây là trách nhiệm chính thuộc về ngành giáo dục…”, ông Hùng nhấn mạnh.

Làm quen với chỉ trích

TS Nguyễn Đức Thành, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội  nhìn nhận: "Trong xã hội có rất nhiều nhóm người cùng nhìn vào một vấn đề. Thái độ của một công dân văn minh trước hết là phải tôn trọng cách nhìn của họ. Cách phản ứng của những người thực hiện công quyền thể hiện sự mặc cảm và khả năng đón nhận  yếu ớt trước sự phản ứng đa dạng của xã hội với những gì mà họ đang làm".

Theo ông Thành, khi đây chỉ là trò nghịch mang tính giải trí của các bạn trẻ, hay thậm chí mang tính chất chế giễu đi chăng nữa thì hãy kệ các em; không cần sử dụng đến luật pháp hay cơ quan công quyền. Những điểm còn bất cập thì dư luận và đạo đức xã hội sẽ tự điều chỉnh.

Dưới góc độ tâm lý, TS Phạm Mạnh Hà, Học Thanh Thiếu niên cho rằng “Đây là một cách các em nói về áp lực mà mình  trải qua, khó khăn phải đương đầu. Có thể những áp lực trước ngưỡng cửa cuộc đời hơi quá sức với các em, đặc biệt khi người lớn tác động bằng nhiều cách. Các em đang mệt mỏi quá, căng thẳng quá và chẳng ai nghe các bạn trẻ nói cả.”

TS Hà phân tích thêm: "Một câu nói tục, một hình vẽ bậy đôi khi chỉ là cách để giải tỏa tâm lý và cân bằng cuộc sống. Càng căng thẳng, áp lực thì các em sẽ cố gắng tạo ra niềm vui. Hiểu được điều đó, chúng ta sẽ nhìn các em bằng thái độ nhân văn hơn rất nhiều. Mọi việc theo đó cũng nhẹ nhàng hơn”.

  • Quang Thành - Nhã Uyên