Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các địa phương đã dành mọi nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
TP.HCM: Nhiều hỗ trợ thiết thực
Ông Lê Hoàng Thiện (quận 5 TP.HCM) đã 56 tuổi nhưng không có công việc ổn định, trong khi phải nuôi 3 người con, vợ ông thì đau ốm liên miên. Các chính sách hỗ trợ của thành phố, của quận cho diện nghèo đã giúp gia đình ông vượt qua khó khăn.
Năm 2017, ông Thiện được giới thiệu làm bảo vệ một công ty ở quận 8 với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng. Vợ ông Thiện được phường sắp xếp một chỗ bán đồ ăn sáng, được thành phố tặng một xe bán hủ tiếu 5 triệu đồng, được vay 50 triệu đồng làm vốn buôn bán. Liên tục nhiều năm liền, 3 con của ông được hỗ trợ miễn giảm học phí, cấp học bổng, được vay vốn học sinh - sinh viên từ nguồn quỹ tín dụng chính sách xã hội. Gia đình ông còn được nhận thẻ bảo hiểm y tế hàng năm. Năm 2017, được sửa nhà với kinh phí 30 triệu đồng.
Được tiếp sức đa chiều, cuộc sống của gia đình ông Thiện khấm khá từng ngày, các con ông được học hành, có công việc, thu nhập, tự lo được cuộc sống riêng. Gia đình ông Thiện đã vươn lên vượt chuẩn cận nghèo của TP.HCM, vượt qua các chiều nghèo về bảo hiểm y tế, việc làm, nhà ở…
Gia đình ông Thiện là một trong 375 hộ nghèo của quận 5 đã được thụ hưởng chính sách giảm nghèo đa chiều, và đều vươn lên thoát nghèo. Tại TP,HCM hiện quận 6 và quận 3 cũng không còn hộ nghèo theo chuẩn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020.
Để có được kết quả này, quận 5 thường xuyên cập nhật số lao động nghèo, cận nghèo chưa có việc làm, hoặc việc làm không ổn định, liên kết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh giới thiệu học nghề, giải quyết việc làm. Quận đã khảo sát tình hình nhà ở, trong 2 năm đã xây dựng, sửa chữa 42 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo. Tại quận 6 TP.HCM, 660 hộ nghèo trong quận cũng được hỗ trợ vượt qua khó khăn. Quận đã trao gần 5.200 suất học bổng với tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng, giúp đỡ 116 em thuộc thành viên hộ nghèo, cận nghèo được học nghề.
Hiện TP.HCM đã xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giảm nghèo bền vững năm 2018 nhằm kết thúc Chương trình giảm nghèo bền vững (2016-2020) trước 2 năm. Kế hoạch sẽ bảo đảm triển khai 100% chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo trực tiếp cho từng thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vượt chuẩn cận nghèo. Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu giảm khoảng 20.000 hộ nghèo và 23.700 hộ cận nghèo; phấn đấu có thêm 93 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, nâng tổng số 157 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo và 15 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020...
Để đạt mục tiêu này, TP.HCM sẽ tiếp tục huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo. Cụ thể, đến cuối năm 2018 phấn đấu đạt 4.460 tỷ đồng, gồm: Vốn cho vay tín dụng là 4.040 tỷ đồng và các khoản chi không hoàn lại 420 tỷ đồng; đặc biệt thành phố chú trọng tính bền vững trong công tác giảm nghèo bằng cách: hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, bảo hiểm xã hội…
Hà Nội: Đồng bộ nhiều giải pháp
Năm 2018 là năm thứ ba Hà Nội chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều và thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Để thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, Hà Nội yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, người nghèo không chỉ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, mà còn được tạo điều kiện học tập, làm việc để chủ động thoát nghèo. Thành phố đã cấp thẻ BHYT miễn phí cho người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người mù có hoàn cảnh khó khăn và bệnh nhân phong. Các đối tượng này được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với mức phí ưu đãi. Tính đến năm 2018, thành phố đã trích ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố hơn 2.000 tỷ đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội vay vốn.
Bên cạnh hình thức hỗ trợ trực tiếp, Hà Nội cũng đầu tư một số chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn, miền núi, những địa bàn còn nhiều khó khăn. Có thể kể đến các mô hình trồng và chế biến thuốc nam ở Ba Vì, trồng chè, chế biến chè búp khô ở Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài (huyện Ba Vì); trồng hoa ly, chuối tiêu hồng ở các Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất); chăn nuôi, làm du lịch ở An Phú (huyện Mỹ Đức)…
Nhờ những giải pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội của Hà Nội đã đạt những kết quả khả quan. Đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của TP là 8,43%, thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 1,69%. Năm 2017, 11 quận, huyện có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, trong đó quận Cầu Giấy không còn hộ nghèo. Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm xuống dưới 1%, mọi người nghèo đều được hưởng các chính sách an sinh xã hội của thành phố.
Ng.Minh - Lan Hương - Thanh Hà (tổng hợp)