Cao Bằng là một tỉnh miền núi phía Bắc với phần đông là đồng bào DTTS, trong đó, chủ yếu người dân sinh sống phân tán tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Cùng với đó, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, trình độ lao động kỹ thuật chưa cao. Chính vì thế, giảm nghèo thông tin chính là một trong những biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó hướng tới giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mang thông tin thiết yếu tới từng người dân ở những vùng lõi nghèo, giúp người dân tiếp cận, nắm bắt thông tin kịp thời, cập nhật những kiến thức hữu ích, nâng cao dân trí.
Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất, có độ phủ lớn nhất, tỉnh Cao Bằng đã đa dạng hóa các hình thức cung cấp thông tin như xây dựng chuyên mục trên các phương tiện thông tin truyền thông, phát huy tối đa tiềm lực của cổng thông tin điện tử, website của tỉnh, các sở ban ngành, địa phương, hệ thống truyền thanh cơ sở.
Đây là những cầu nối quan trọng để đưa những thông tin về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến với người dân ở khắp thôn bản. Cũng từ các phương tiện truyền thông này, tỉnh Cao Bằng đã lồng ghép các kiến thức, kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế, những mô hình, cách làm hay trong giảm nghèo để tuyên truyền tới nhân dân.
Bảo Lâm – một trong những huyện xa nhất còn nhiều khó khăn của tỉnh Cao Bằng là một trong những địa phương tiêu biểu trong công tác giảm nghèo thông tin. Để người dân tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, nhanh, chính thống, huyện đã linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, các tổ công nghệ số cộng đồng của các xã, phường đang cho thấy hiệu quả trong công tác đưa thông tin tới người dân.
Là cánh tay nối dài của chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo bền vững, các tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet để tìm kiếm các nguồn thông tin chính thống, cập nhật những kiến thức phát triển kinh tế phù hợp với thực tiễn taijd dịa phương.
Nhờ được tiếp cận thông tin nhanh chóng, kịp thời, đa dạng, nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Bảo Lâm ngày một nâng cao, từ đó, người dân đã hiểu hơn về những lợi ích của các chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, chủ động tích cực lao động sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình.
Hiện nay, trên toàn tỉnh Cao Bằng có hơn 1.460 tổ công nghệ số cộng đồng với gần 6.700 người tham gia. Các tổ công nghệ số cộng đồng đang cho thấy hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo thông tin tại địa phương, là những hạt nhân đưa các nền tảng cố, công nghệ số, kỹ năng số tiệm cận với gần người dân vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Từ những việc làm cụ thể, công tác giảm nghèo tại tỉnh Cao Bằng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 42,53% xuống còn 22,06%; năm 2021 có 5.043 hộ thoát nghèo với tỷ lệ giảm nghèo 4,03%; năm 2022 giảm 5.969 hộ nghèo với tỷ lệ giảm nghèo 4,29%; năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,23%.
Thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong bộ tiêu chí nghèo đa chiều. Chính vì thế, trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp thông tin, tuyên truyền để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống, giúp người nghèo được tiếp cận các thông tin, chính sách. Song song với đó là chia sẻ các mô hình, cách làm hay để người dân học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng vào trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Có thể nói, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, công tác giảm nghèo thông tin tại tỉnh Cao Bằng đã và đang người dân tại những miền quê nghèo thay đổi nhận thức và quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.