Trước khi viết bài này, tôi đã định sẽ không bao giờ kể ra câu chuyện của mình, tuy nhiên, hết 10 ngày nghỉ ngơi sau Tết, những bức xúc, bực dọc, và buồn chán trong tôi vẫn không hề phai giảm. Tôi cứ nghĩ đến bố mẹ chồng, nghĩ đến gia đình chồng, nghĩ đến những hành động và lời nói mà họ đã làm, đã nói với tôi trong đợt tết vừa qua mà thấy chán ghét và khinh bỉ vô cùng.

Tôi và chồng đều là dân kinh doanh. Những năm trước, chúng tôi làm ăn tốt nên thu nhập cũng khá. Những ngày lễ Tết hay mỗi khi có dịp về thăm bố mẹ chồng (ở Hưng Yên) tôi đều không tiếc tiền mua sắm và biếu xén ông bà để ông bà chi tiêu. Vì thế, ông bà quý vợ chồng tôi lắm. Mỗi khi thấy chúng tôi từ Hà Nội về, ông bà đều tíu tít nấu cơm nấu nước, thịt gà thịt qué để đãi 2 vợ chồng. Ai có ghen tị, hay tìm cách nói xấu tôi, chê bai tôi, ông bà đều gạt đi rồi khen tôi nức nở.

Khi tôi sinh con đầu lòng (cách đây 3 năm) vợ chồng tôi nhờ mẹ chồng lên chăm cháu giúp chúng tôi nhưng bà viện cớ ông yếu không lên. Vì thế, chúng tôi buộc phải thuê người giúp việc.

Đến khi đẻ đứa thứ 2, vì công việc làm ăn không thuận lợi, tôi không kiếm ra tiền như trước, còn chồng tôi thì làm ăn thua lỗ, rồi lại dính vào bài bạc nên bao nhiêu tài sản tích cóp của 2 vợ chồng đều đội nón ra đi.

Tôi không có đủ tiền để thuê osin nên nói khó, nhờ mẹ chồng lên chăm cháu cho tôi đi làm, kiếm tiền để mưu sinh. Lần này, bố mẹ chồng tôi đồng ý, nên suốt cả năm 2015, mẹ chồng tôi ở cùng chúng tôi để chăm sóc cho các cháu.

Khi ở cùng, vì không có tiền, lại đang phải vay nợ ngập đầu nên tôi cũng không mua sắm, biếu xén được nhiều cho bố mẹ chồng. Gần Tết, tôi cũng dự định sẽ biếu bà chút tiền để bà chi tiêu, sắm tết, và gửi tiết kiệm. Thế nhưng, đúng 26 tết, chồng tôi lại báo nợ 240 triệu vay với lãi xuất cao.

Tôi phải dồn tất cả số tiền, nữ trang còn sót lại, cộng thêm vay mượn anh em bạn bè để trả nợ cho chồng, vì nếu không trả, xã hội đen sẽ “xử” chồng tôi.

{keywords}
Ảnh minh họa

Sau khi trả nợ xong, tôi và chồng không còn MÔYJ xu dính túi. Tôi lại phải tìm đến bố mẹ đẻ của mình để xin viện trợ trước khi về quê chồng ăn tết. Bố mẹ tôi già, lại đã dốc quá nhiều cho vợ chồng tôi nên ông bà cũng chỉ cho tôi được 5 triệu đồng.

Tôi cầm 5 triệu, bỏ phong bì biếu bố mẹ chồng 2 triệu, mua đồ sắm tết ở nhà (Hà Nội) hết 500 nghìn. Còn 2,5 triệu, tôi dắt túi để về quê.

Khi về, thấy tôi chỉ biếu 2 triệu, lại không sắm sửa được nhiều nên bố mẹ chồng, nhất là bố chồng tôi khó chịu ra mặt.

Ông không cho bà mua sắm thêm bất cứ cái gì ngoài những thứ tôi mang về (bao gồm: ít bánh keo , 1 kg giò và 1kg lạp sườn”. Thế là chiều 30 Tết, tôi cầm 2 triệu cuối cùng của mình đi mua gạo đỗ về gói bánh trưng, và mua sắm thêm các đồ ăn khác.

Đến sáng mùng 1, theo thông lệ, gia đình chúng tôi sẽ mừng tuổi cho nhau. Tuy nhiên vì hết sạch tiền nên tôi chỉ mừng tuổi bố mẹ chồng mỗi người 50 nghìn.

Bố chồng tôi cầm tờ 50 nghìn mà cười khành khạch theo kiểu mỉa mai khiến tôi phát ngại. Sau đó, trong bữa ăn sáng mùng 1, mượn cớ say rượu, ông chửi vợ chồng tôi như tát nước vào mặt khi anh nhỡ lời trách ông bà năm nay không mua được gà ngon.

 Ông bảo: “bắt bà lên bế con cả năm mà biếu được 2 triệu đồng. Hóa ra, mẹ chúng mày không bằng osin à? Osin bế con cho chúng mày cũng còn được mấy triệu/tháng, giờ lại còn đòi ăn ngon, có ăn cái ... tao ấy”.

Rồi ông lại tuyên bố: “xong Tết, bà cứ ở nhà, không phải đi đâu hết, không việc gì phải phục vụ đứa nào hết. Thậm chí, ngày mai, ngày kia, cũng không việc gì phải cơm nước cho chúng nó ăn. Không có thóc đâu mà đãi gà rừng”.

Tôi nghe ông nói rồi lại nghe thấy bà đồng tình và trách móc vợ chồng tôi mà buồn mà giận đến tận xương tận tủy. Hôm sau, tôi giục chồng đi Hà Nội luôn nhưng anh không đi nên tôi đành chịu.

Anh trách tôi cố chấp nhưng tôi không làm thế nào để có thể cười nói với bố mẹ chồng tôi nữa. Vậy xin hỏi mọi người, tôi giận như vậy có phải là quá đáng lắm không?.

Độc giả Lê Minh

(Hà Nội)