Mới đây, ông P.X. (TP.Thủ Đức, TPHCM) chuyển khoản hơn 100 triệu đồng từ tài khoản của mình ở Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho một đối tác có tài khoản ở Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nhưng do nhập sai số, ông X. đã chuyển nhầm cho một người khác cũng có số tài khoản ở ACB.
Rất nhiều người không nắm rõ quy trình xử lý khi thao tác sai dẫn đến chuyển khoản nhầm - Ảnh minh họa |
Ông X. đã thông báo và được nhân viên Vietinbank hỗ trợ, phong tỏa số tiền đã chuyển nhầm. Nhưng do khác hệ thống, phía Vietinbank hướng dẫn ông X. liên hệ với ACB để kết nối với người hưởng nhầm, nhờ hỗ trợ làm thủ tục nhận lại tiền. Tuy nhiên, phía ACB cho biết họ không được phép cung cấp thông tin cá nhân khách hàng (người được chuyển nhầm) và tài khoản hưởng cũng đã không hoạt động trong 5 năm.
Anh L.V.Đ (H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) chuyển nhầm 50 triệu đồng từ ATM thuộc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nhơn Trạch đến một tài khoản khác thuộc Vietcombank Thái Bình. Cùng hệ thống ngân hàng, nhưng do không thể liên hệ được với chủ tài khoản nhận nhầm nên anh Đ. không thể nhận lại tiền.
Luật sư Nguyễn Văn Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Kinh Luân - cho biết, có ba dạng chuyển khoản nhầm mà khách hàng thường gặp phải và ngân hàng sẽ có cách xử lý khác nhau. Trường hợp thứ nhất là chuyển tiền nhầm ngân hàng để thanh toán khoản vay. Với trường hợp này, ngân hàng dễ dàng can thiệp nên người chuyển sẽ không bị mất tiền nhưng quá trình rà soát và kiểm tra sẽ mất khoảng 2 - 5 ngày. Trường hợp thứ hai là chuyển nhầm cho tài khoản cùng ngân hàng và thứ ba là chuyển tiền nhầm cho tài khoản khác ngân hàng. Việc giải quyết cho hai trường hợp này khá phức tạp, tốn thời gian do cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan như người chuyển nhầm, ngân hàng chuyển tiền, ngân hàng nhận tiền và chủ tài khoản nhận tiền gửi nhầm.
Theo ông Nguyễn Thiện Giang - Giám đốc VietABank chi nhánh TP.HCM - nhiều khách hàng thắc mắc tại sao ngân hàng không hoàn lại số tiền đó cho người chuyển mà phải thông báo với chủ tài khoản nhận tiền chuyển nhầm. Theo quy định, phải có sự đồng ý của chủ tài khoản kia thì ngân hàng mới được phép tác động đến số tiền trong tài khoản. Tự ý hoàn tiền là vi phạm quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân của chủ tài khoản, đồng thời để tránh trường hợp người chuyển tiền muốn trốn nợ hoặc muốn hủy lệnh thanh toán cho chủ tài khoản nhận nên dựng lên tình huống chuyển tiền nhầm.
Luật sư Nguyễn Hà Phong (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết thêm, khi nhận được tiền chuyển nhầm, có người vui vẻ trả lại, có người đề nghị chia đôi số tiền do tốn công hỗ trợ thủ tục, có người cố tình chiếm đoạt số tiền này: “Khi nhận được tiền chuyển nhầm, người nhận nên phối hợp với ngân hàng để trả, bởi nếu cố tình chiếm giữ tiền trái phép sẽ bị phạt. Nếu chiếm giữ số tiền từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; nếu chiếm giữ số tiền hơn 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm”.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)