Trong khi những người trong cuộc từ lãnh đạo tới chủ các doanh nghiệp nói "không có gì phàn nàn về chuyên môn, tác phong nhà giáo" của TS Dương thì một số giảng viên ĐH lại tỏ ý không đồng tình với cách truyền đạt thông tin của ông.

THÔNG TIN LIÊN QUAN:

Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh cắt từ clip)

VietNamNet đã có ghi nhận một số ý kiến xung quanh đoạn clip với những từ “nhạy cảm” xen vào các câu nói truyền đạt kiến thức được cắt cúp từ phần nói chuyện kéo dài 3 tiếng của TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng TP.HCM tại Viện quản trị kinh doanh (FSB) ĐH FPT.


CHỈ LÀ GIA VỊ?


Ông Hoàng Trung Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty An Trọng Nam: "Như mình cà phê, nói chuyện ngang hàng"

Đây là buổi nói chuyện trao đổi kinh nghiệm cởi mở. Phong cách giao tiếp của thầy Dương không có gì phải phàn nàn. Cách truyền đạt như vậy là thành công, với tôi là ngoài sức tưởng tượng.

"Vai" của anh Dương ở đây không phải là giáo viên mà là chuyên gia kinh tế. Trước mặt anh là lãnh đạo các doanh nghiệp. Chúng tôi giống như ngồi bàn trà hay uống cà phê giữa những người ngang hàng với nhau. Mọi người trao đổi trên cơ sở bình đẳng, ngang hàng thì không có gì là quá đáng.

Bản thân tôi cũng chia sẻ là lãnh đạo cách nói chuyện với từng đối tượng cũng khác nhau: với công nhân thì thế nào, ban lãnh đạo, người quản lí thì ra sao. Tuy nhiên, nếu đối tượng nghe ở đây là sinh viên thì ngôn ngữ truyền đạt phải khác.

Là lớp trưởng, tôi nhận ý kiến phản hồi ngay sau khi kết thúc buổi nói chuyện từ 38 thành viên khác. Tất cả đều tích cực. Người ta nói nhiều về cái đã góp nhặt, tiếp thu được những gì. Đó là thành công của anh Dương. Còn clip đã cắt gọt, tôi nghĩ là họ có dụng ý. Thực sự thì không nên làm như vậy.

Bà Nguyễn Hồng Nhung, Phòng nhân sự, Công ty Korea Life: "Chỉ là gia vị..."

Qua email trao đổi giữa các thành viên, mình và các anh chị em thực sự bất ngờ khi xem đoạn clip đã được cắt gọt. Ấn tượng của mình về buổi học là thầy Dương rất am hiểu về kinh tế Việt Nam và thế giới. Phong cách nói chuyện của thầy như luồng gió mới.

Với mình thì không có ảnh hưởng gì. Một vài từ đệm hay từ nhạy cảm có chăng chỉ để tăng gia vị, khiến bài nói hấp dẫn, sinh động hơn. Không thể từ buổi nói chuyện mà đề cập tới tư cách đạo đức hay tác phong nhà giáo của thầy Dương được.

KHÔNG PHẢI 'VĂNG TỤC' MỚI HẤP DẪN


Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng đào tạo, HV Ngân hàng (Hà Nội): "không nhất thiết phải dùng ngôn ngữ dân dã"

Không phải ai cũng có phương pháp tiếp cận để buổi học sinh động. Kiến thức phải đi kèm với kỹ năng truyền đạt. Có nhiều con đường để làm cho người học hiểu, không nhất thiết phải dùng ngôn ngữ dân dã, thậm chí là thô tục. Không phải như vậy mới hấp dẫn.

Nhiều người nói tốt về nội dung, hiệu quả bài nói chuyện. Nhưng tôi cho là, nếu không có những từ ngữ đó vẫn tốt hơn.

Anh Dương từng có thời gian ở trường tôi. Anh là người rất tâm huyết. Song ngôn ngữ nếu như vậy thì không phải là hay, chưa mô phạm. Dẫu ta có thể chấp nhận được với một số đối tượng như là các chủ doanh nghiệp hay những người đã có kinh nghiệm nhưng với sinh viên thì không được.

Thậm chí sinh viên còn dễ ảnh hưởng từ giảng viên. Bây giờ bên ngoài nhiều vị là "sếp" cũng thấy văng tục, tỏ ra là như thế ở đâu đó thì được nhưng lâu dần thành thói quen là không ổn.

Th.S Vũ Thúy Bình, Trưởng bộ môn Phát thanh, Khoa phát thanh truyền hình, HV Báo chí-Tuyên truyền: "Đây không phải là cách hay để cho người nghe không cảm thấy nhàm chán"

Cần phải xem toàn bộ đoạn clip dài 3 tiếng mới có thể có cái nhìn đầy đủ.

Nhưng theo tôi, việc đưa đẩy tiếng đệm bằng cách văng tục không phải là cách hay để cho người nghe không cảm thấy nhàm chán. Có nhiều cách khác, không nên đưa vào các từ, ví von thô tục không được chọn lọc.

Bên bàn trà, đồng ngang phải lứa trên đoạn đường dài mệt mỏi, khi nói chuyện ta có thể bỏ qua tất cả vị thế, chuẩn mực để nói những câu bông đùa, thậm chí chuyện tiếu lâm dung tục một tí. Nhưng đó chỉ là ở giờ giải lao.

Nói đó để thêm gia vị cho bài giảng không phải phong cách chuẩn mực của người làm sư phạm. Sẽ có người hiểu thầy sử dụng văn phong sai môi trường. Bản thân tôi không quen với phong cách đó.

Thầy giỏi về kiến thức chuyên môn nhưng còn phải hiểu kiến thức xã hội và sử dụng ngôn ngữ. Vào trong lớp thì phải đặt mình ở tư thế thầy-trò rồi.

Là tiến sĩ không có nghĩa anh hoàn hảo về ngôn ngữ. Nếu nhìn ở góc độ mà người ta cảm nhận là ổn hay không ổn thì vẫn có thể góp ý, “nhặt sạn” cho nhau trên tinh thần xây dựng.

Trao đổi với VietNamNet sáng 14/3, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) Hoàng Đức Minh khẳng định: “Là giảng viên, đứng trước người học ngoài kiến thức đã có những quy định việc gì không được làm. Giáo viên vi phạm thì trường phải có ý kiến”.

Xung quanh clip những lời lẽ “văng tục” của TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng TP.HCM tại Viện quản trị kinh doanh (FSB) ĐH FPT, sáng 14/3, ông Hoàng Đức Minh đã có cuộc trao đổi ngắn với VietNamNet.

Ông Minh cho biết, do mấy ngày nay công việc bận, chưa theo dõi tường tận sự việc nên chưa thể có đánh giá gì về tác phong nhà giáo của TS Dương cũng như ảnh hưởng tới người học.

Tuy nhiên, qua phản ánh tình hình, lãnh đạo Cục nhà giáo cho rằng: “Quy định về đạo đức nhà giáo đã có từ năm 2008. Người giáo viên cũng hiểu những điều gì mình không được làm. Dù bộ quy chuẩn chuẩn mực đối với giảng viên ĐH chưa có, nhưng không phải là lý do để giảng viên có những lời lẽ văng tục.”

Theo ông Minh: “là tiến sĩ, giáo sư thì càng phải thận trọng ở lời lẽ của mình”.

“Còn TS Dương hay ai đó nói đây chỉ là cuộc nói chuyện thì có thể tếu táo hay thêm vào đó một vài chuyện tiếu lâm, thậm chí tục tĩu xin để lại cho mọi người đánh giá” - lời ông Minh.

Về quản lí, lãnh đạo ĐH nơi TS Dương đang làm việc phải có ý kiến về nhân viên của mình.

Ông Minh cho biết: “Bộ không can thiệp, giải quyết cụ thể từng cá nhân. Cả nước hơn 1 triệu giáo viên, nếu đâu đó có sự việc thầy cô văng tục hay vi phạm kỷ luật thì làm theo trình tự. Các cấp cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện theo quy định”.

Phong Đăng (Ghi)