"Em mong xã hội chúng ta có thể đóng góp chút sức lực, tiền của của mỗi người để xây dựng cho các em một ngôi nhà. Trong ngôi nhà đó, sẽ có các cô bảo mẫu luôn thương yêu, quan tâm, chăm sóc từ việc ăn uống cho tới giấc ngủ hằng ngày"

Đây là bài dự thi cuộc thi "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Tác giả: Nguyễn Minh Thùy, 88/55/9 Khu phố 1, Đường Nguyễn Văn Quỳ, Quận 7. TP. HCM.


“Trong đêm, một bàn chân bước bé xíu, lang thang trên đường, ánh mắt buồn mệt nhoài của em, em rất buồn vì không biết phải đi đâu về đâu”. Xa xa đâu đó vẫn còn văng vẳng lời bài hát “Đứa bé” của nhạc sĩ Minh Khang khiến ta nghe mà lòng quặng lên nỗi xúc động, xót xa khi những hình ảnh về trẻ em cơ nhỡ trên đường phố chợt hiện về.


Trong cuộc sống thực, lời bài hát trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta tận mắt chứng kiến những mảnh đời cơ cực của những sinh linh bé nhỏ, khờ dại hằng ngày phải cầm xấp vé số hay những cái ca, cái nón đi lang thang hết con đường này đến ngõ hẻm khác để có được vài đồng bạc lẻ.

Khi ra đường, nhìn các em, đôi khi ta lại bắt gặp những ánh nhìn về phía đứa trẻ khác may mắn được cười đùa, mặc những bộ quần áo sạch sẽ, đẹp đẽ, và đặc biệt hơn là là có một mái ấm gia đình đầy đủ cả cha và mẹ. Nhưng rồi các em thẫn thờ quay mặt đi.

Gia đình ư? Người thân ư? Không. Em không có người thân, gia đình. Em bị bỏ rơi từ rất lâu rồi. Thậm chí cuộc sống của các em ngày mai ra sao cũng chẳng ai biết được. Với các em, mỗi khi nhận được vài đồng tiền lẻ hay bán được một, hai tờ vé số mới là niềm vui thực sự và duy nhất.

Mỗi trẻ em khi sinh ra đều được có quyền được sống còn, bảo vệ, chăm sóc và nuôi nấng, yêu thương. Thế nhưng, do vô tình hay cố ý, các em đã bị tước đi quyền lợi đó. Còn trái tim nào sắt đá hơn nữa khi nhìn thấy cảnh các em ngước đôi mắt trong sáng, thơ dại, đôi tay nhỏ bé, đen đủi run run chìa ra với ánh mắt khẩn cầu, hy vọng được thương hại, được bố thí cho vài đồng bạc lẻ để các em có thể sống được qua ngày. Hay hình ảnh các em vui mừng, ăn một cách nâng niu, trân trọng mẩu bánh của một tấm lòng nhân ái nào đi tình cờ đi ngang qua giúi cho.

Đáng thương hơn, hằng đêm, nhất là vào những đêm đông lạnh giá, các em co ro ngủ ngoài hiên nhà, hành lang bệnh viện, chịu đựng cái lạnh, cái rét của thời tiết, chịu đựng “sự quấy rầy”, mầm bệnh tiềm ẩn của lũ muỗi. Chẳng đáng thương, đáng quan tâm sao?

Ngoài ra, trên những tờ báo lại hay đưa tin luôn về những cuộc bạo hành, bóc lột sức lao động, đánh đập trẻ em một cách dã man và tàn nhẫn của những người lớn thiếu ý thức, độc ác đó hay sao? Chẳng lẽ chúng ta chỉ xem những tin tức ấy như một điều bình thường trong xã hội, mắng chửi bọn chúng vài câu vô nghĩa là coi như đã đồng cảm, giúp đỡ các em được một phần hay sao?

Không, chúng ta không thể đứng yên nhìn các em - thế hệ tương lai của đất nước chịu khổ cực một cách bất lực như vậy được. Em mong xã hội chúng ta có thể đóng góp chút sức lực, tiền của của mỗi người để xây dựng cho các em một ngôi nhà. Trong ngôi nhà đó, sẽ có các cô bảo mẫu luôn thương yêu, quan tâm, chăm sóc từ việc ăn uống cho tới giấc ngủ hằng ngày. Khi đó, các em sẽ không còn phải sợ đói, sợ khát, sợ những đêm trời trở lạnh, sơ cô đơn, sợ bị người khác hành hạ, đánh đập nữa.

Các em sẽ có một mái nhà với đủ tình yêu thương, bảo bọc và che chở của bạn bè cùng cảnh ngộ, của những người bảo mẫu mà các em gọi là mẹ. Cho tới khi các em đủ tuổi, các em sẽ được đến trường, học những điều hay, những điều bổ ích như các bạn cùng trang lứa. Các em sẽ hòa nhập được vào cuộc sống, sẽ trưởng thành, trở thành những người tài giỏi, có thể đóng góp công sức của mình vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Thậm chí, các em sẽ trở thành những hình mẫu đáng được tuyên dương, làm gương cho những người bạn của mình.

Ta không thể cảm nhận, chia sẻ được những nổi khổ cực, nỗi buồn của các tâm hồn non nớt ấy nhiều đến chừng nào, cũng như không thể tưởng tượng được nỗi vui mừng của các em khi thấy mình có được một mái ấm, được chăm nom khi ốm yếu, không còn cảnh tượng hằng ngày phải cực khổ đi dưới nắng trưa oi ả, móc bọc, nhặt chai nhựa, đối mặt với những mầm bệnh cùng những mối nguy hiểm tiềm ẩn nữa.

Khi được sống dưới một mái nhà thực thụ, các em sẽ được mặc những bộ quần áo đẹp, đi những đôi dép xinh, là những điều mà chúng ta tưởng chừng như rất đơn giản đó lại là một niềm vui đáng được tự hào của các em. Sẽ không còn nỗi sợ bị đánh đập, bị lạm dụng, sẽ không còn ai có thể bị tổn thương những tâm hồn non nớt ấy được nữa.

Em mong, với lòng tốt của những nhà hảo tâm cùng với tinh thần đoàn kết của người Việt, chúng ta sẽ cải thiện được những hoàn cảnh đáng thương hiện nay của các em nói riệng và thay đổi được hình ảnh, phát triển được đất nước nói chung.

Cuộc thi "Nếu có quyền, trẻ em VN sẽ thay đổi điều gì?"

Chủ đề: "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?".

Điều kiện dự thi:
Cuộc thi dành cho trẻ em Việt Nam tuổi từ 12 đến 18 tuổi

Bài dự thi gửi về:
Đại sứ quán Thụy Điển - Số 2 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc Tòa soạn Báo VietNamNet - Số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội

Hoặc email:
quyentreem@vietnamnet.vn

Hạn nộp bài dự thi:
15/5/2011

Giải thưởng:
1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 5 giải khuyến khích.
Ngoài ra mỗi em được tặng một bộ truyện của nữ nhà văn nổi tiếng viết chuyện cho trẻ em của Thuỵ Điển, bà Astrid Lingren và quà lưu niệm của Báo VietNamNet.

Ngày trao thưởng:
1/6/2011.