Quan điểm này đều được mọi người đồng tình đưa ra trong phần II của Bàn tròn trực tuyến về "Chính sách, cách thức giáo dục cho trẻ tự kỷ" .
Ba khách mời tham gia gồm: 1, Bà Phan Lan Hương, Phó giám đốc Trung tâm tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, hiện đang mở trung tâm hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ. 2, Bà Nguyễn Hoàng Oanh, Phó giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển Ngữ âm trị liệu. 3, Ông Ngô Dương, Nghiên cứu viên – Viện nhà nước và pháp luật, cũng là phụ huynh có con có chứng tự kỷ. |
Mời quý vị và các bạn theo dõi video phần II cuộc trao đổi với các vị khách mời dưới đây:
MC Mỹ Hạnh: Vụ việc mới đây được báo VietNamNet phản ánh về việc giáo dục trẻ tự kỷ tại Trung tâm Tâm Việt làm dấy lên nhiều lo ngại. Đầu tiên, các vị khách có thể nói gì về việc trung tâm này quảng cáo là đào trẻ tự kỷ thành các kỷ lục gia?
Bà Phan Lan Hương: Cũng như tất cả mọi người vừa chia sẻ với nhau, mỗi trẻ có những mặt mạnh riêng. Có thể trẻ này có năng khiếu về lĩnh vực này khi tiếp cận kỹ năng đó có thể vượt trội với kỹ năng đó. Không thể nói rằng, ở kỹ năng công việc đấy, tất cả các trẻ đều làm tốt được, đó là điều hơi quá lên.
Bà Nguyễn Hoàng Oanh: Tôi tin rằng, hầu hết khi các phụ huynh gửi con ở Tâm Việt, họ không có tham vọng con trở thành kỷ lục gia. Tôi tin, tất cả những anh chị đó đều tâm huyết với con. Cho nên cái gì tốt nhất cho con, thì họ sẽ thử.
Cũng không phải mỗi một kênh truyền hình đưa tin về việc đào tạo kỷ lục gia của Tâm Việt, do đó, các cơ quan truyền thông đưa tin cũng nên cân nhắc, những thông tin đưa ra sẽ định hướng cho các phụ huynh rất nhiều.
Tôi nghĩ rằng, xuất phát từ sự yêu thương con, tin vào các cơ quan thông tin đại chúng, bố mẹ tìm đến nơi đó để gửi con.
Khoan hãy nói đến Tâm Việt, mà các trung tâm nói chung. Khi can thiệp trẻ tự kỷ, chúng ta lựa chọn phương pháp, kỹ thuật nào, thì cần đặt ra câu hỏi phương pháp hay kỹ thuật đó đã có bằng chứng khoa học chưa. Khi chúng tôi nghiên cứu về cái gì đó, chúng tôi sẽ tìm ra, hoặc ngay sau các công bố. Những phương pháp mới thường chia 3 mức độ.
Mức độ thứ nhất, có rất nhiều bằng chứng chứng minh, phương pháp đó vô cùng hiệu quả. Ví dụ: ABA – phương pháp có rất nhiều bằng chứng mạnh, bởi vì có từ lâu, được sử dụng nhiều và có nhiều số liệu thống kê.
Mức độ thứ hai, là những phương pháp mới. Bởi vì mọi thứ đang thay đổi, chính nghiên cứu ngày hôm nay có thể phủ nhận nghiên cứu ngày hôm qua. Những nghiên cứu mới bổ sung cho những nghiên cứu cũ. Mức độ này gồm những phương pháp mới: ngữ âm trị liệu, hoạt động trị liệu, điều hòa cảm giác…
Mức độ thứ ba là không có bằng chứng nào. Không có một nghiên cứu nào công bố có hiệu quả trên bao nhiêu trẻ và hiệu quả như thế nào.
Cho nên, khi bố mẹ lựa chọn Tâm Việt hay tâm nào đi chăng nữa, thì bố mẹ cũng nên tìm hiểu người chịu trách nhiệm chuyên môn của trung tâm đó, họ được đào tạo về chuyên ngành gì và dùng phương pháp, kỹ thuật nào. Phương pháp và kỹ thuật đó nằm ở mức độ nào, trên thang đánh giá về mức độ hiệu quả khoa học.
Câu chuyện của Tâm Việt, tôi phải thừa nhận báo VietNamNet rất dũng cảm, đánh thẳng vào câu chuyện tồn đọng rất lâu. Tuy nhiên, cũng không đảm bảo là không còn một Tâm Việt nào nữa còn tồn tại, cũng không ai đảm bảo sẽ có những Tâm Việt mới nữa lại mọc lên. Có thể họ không làm xiếc mà làm cái khác thì sao. Cho nên các bộ mẹ phải tiếp tục trang bị cho mình những hành trang và hiểu biết.
Bà Nguyễn Hoàng Oanh, Phó giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển Ngữ âm trị liệu. |
MC Mỹ Hạnh: Việc một trung tâm dùng quá nhiều các biện pháp mang tính ép buộc, áp đặt và chưa được kiểm chứng, thậm chí đã có người thiệt mạng khi theo học tại đây, các vị khách mời đánh giá thế nào về cách thức giáo dục này đối với trẻ tự kỷ?
Bà Phan Lan Hương: Những cái mọi người nói như ‘nhục hình’ hay dùng phương pháp tiêu cực để giáo dục trẻ thì không chỉ nói riêng về giáo dục, nó còn liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ, bạo hành trẻ.
Nếu đo đếm những kỹ năng, kỹ thuật, cách thức đó, khiến cho đứa trẻ bị tổn thương về thể chất hay tinh thần, còn liên quan đến vấn đề pháp luật nữa.
Một đứa trẻ sống trong môi trường cách biệt với phụ huynh, như chị Hoàng Oanh nói, vấn đề về gia đình đối với trẻ bình thường rất quan trọng, thì đối với trẻ việc hòa nhập với xã hội, với mọi thứ xung quanh khó khăn, thì việc tách ra, sống trong môi trường mới, môi trường khác, khiến cho đứa trẻ cũng có những sang chấn, tổn thương. Huống hồ là những giáo dục viên, người hỗ trợ cho trẻ, họ cư xử với trẻ như thế nào. Nếu cư xử với trẻ tốt thì không sao, nhưng cư xử kiểu đe dọa, xúc phạm sẽ khiến trẻ tổn thương.
Bản thân tôi đã làm việc với nhiều trẻ liên quan đến trẻ tự kỷ. Các con có sự tổn thương, sang chấn tâm lý nhất định. Ví dụ: Khi các con đến lớp bị bạn khác nói là đồ điên. Khi tập thể dục, không có đội nào nhân các con vì nhận vào sẽ sợ bị thua. Giáo viên trong lớp hòa nhập đó có quan tâm đến con hay không? Hay để con ngồi đó như một cái bóng.
Những cách thức như vậy khiến trẻ tổn thương và sang chấn tâm lý nhiều.
Bà Nguyễn Hoàng Oanh: Về mặt giáo dục, có thể những bạo hành tinh thần nó gây những sang chấn nặng về tâm lý mà trong y khoa sẽ chỉ ra là các trẻ bị stress ( căng thẳng) kéo dài.
Không nói về những bài tập thể dục bình thường giúp trẻ khỏe mạnh, vui vẻ, nhưng những bài tập dùng để trị liệu cho trẻ tự kỷ thì thuộc về lĩnh vực y khoa, y tế, không thuộc về giáo dục nữa.
Mỗi một bé tự kỷ là một hệ thống điều hành khác nhau, dẫn tới có những giác quan khác nhau, cũng như độ nhạy cảm và chịu đựng của các giác quan khác nhau. Chính vì thế, dẫn tới việc, một bài tập mà muốn các con tập, phải dựa trên sự đánh giá về mặt y khoa. Ở nước ta, bắt đầu có chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực đó là chuyên ngành hoạt động trị liệu. Chính những chuyên gia hoạt động trị liệu, mới là người được phép đưa ra những bài tập về mặt thể chất với trẻ. Không phải là việc cô giáo thích tập gì thì tập. Huống hồ, những bài tập này hoàn toàn không dựa trên đánh giá nào, mà áp dụng cho tất cả các trẻ. Bất kể thể trạng hay tuổi tác, đặc điểm về thời tiết, nhu cầu, mong muốn của trẻ lúc đó.
Sau khi có bài tập của chuyên gia về hoạt động trị liệu, bản thân những người tập cho trẻ cũng phải là những người được đào tạo để trị liệu. Vì những bài tập đó là bài tập hoạt động trị liệu. Trị liệu về mặt vận động, trị liệu về mặt giác quan và những người đó được gọi là trị liệu viên, không còn là cô giáo đơn thuần nữa.
Bà Phan Lan Hương: Vấn đề liên quan đến trị liệu thì liên quan đến y tế, phục hồi chức năng. Về giáo dục, con người cũng thuộc bên Bộ Lao động Thương binh Xã hội quản lý. Chính vì vậy, rất chồng chéo và không có nơi nào quản lý chính của cơ quan chủ quản.
Ông Ngô Dương: Tôi đồng ý với ý kiến của hai khách mời. Thực ra, một bài tập không thể áp dụng cho tất cả các bạn. Liên quan đến trung tâm Tâm Việt, cộng đồng rất bức xúc về việc, các cô giáo mắng chửi, dọa dẫm. Thưc ra dưới góc nhìn của phụ huynh, tôi thấy giáo viên nổi nóng thể hiện việc bạn không được đào tạo. Bạn ấy bất lực trong việc xử lý tình huống nhưng những đứa trẻ đó vẫn không sợ. Trẻ chỉ biết có một người lớn đang quát nạt và nhận thức rằng, mình đã làm điều gì sai trái. Nhưng thế nào là đúng, thì các cô giáo lại không chỉ ra cho trẻ.
Chuyện các thầy cô nổi nóng với học trò, đặc biệt là những học trò có khuyết tật, khuyết tật liên quan đến nhận thức, tự kỷ thì chuyện ức chế là bình thường. Phụ huynh chúng tôi thông cảm cho những ức chế đó. Tuy nhiên, những giải pháp cho ức chế đó, những quát nạt đó, chứng tỏ người này không được đào tạo, không biết gì về tập huấn và dạy dỗ cho trẻ tự kỷ.
Bà Phan Lan Hương: Tôi được biết những trung tâm mà đôi khi các giáo viên không có một chút gì liên quan đến giáo dục cả. Họ vào hỗ trợ những người đi trước giảng dạy như dự giờ. Khi dự giờ đến mức nào đó, thời điểm nào đó quen thuộc và biết kiến thức, họ bước vào dạy. Khi họ học được một vài chứng chỉ liên quan đến giáo dục đặc biệt, họ mở trung tâm và chém gió…
Chất lượng giáo dục không chỉ dành riêng cho trẻ có chứng tự kỷ, mà nhiều đối tượng trẻ khuyết tật khác, thực sự đang bị thả nổi, chưa được giám sát chặt chẽ.
MC Mỹ Hạnh: Hiện nay, tuy Tâm Việt đã bị yêu cầu dừng tuyển sinh và đào tạo nhưng có vẻ các cơ quan chức năng có vẻ lúng túng trong việc xử lý những trường hợp như ở Tâm Việt, theo các vị khách mời điều này do các quy định của pháp luật hiện nay hay do nguyên nhân gì khác?
Bà Phan Lan Hương: Có nhiều khó khăn như đăng ký giấy phép ở Hà Nội nhưng họ hoạt động lại ở các tỉnh, địa phương khác. Riêng việc đó đã khiến cho các cơ quan chức năng cảm thấy khó khăn trong việc xử lý.
Sự chồng chéo giữa các cơ quan chức năng, giữa đơn vị chủ quản cũng gây nên khó khăn. Bộ Lao động Thương binh Xã hội thanh tra về con người, về chăm sóc..Bộ Giáo dục và đào tạo thanh tra về lĩnh vực giáo dục, chương trình giáo dục.
Ông Ngô Dương, Nghiên cứu viên – Viện nhà nước và pháp luật, cũng là phụ huynh có con có chứng tự kỷ, trao đổi trong chương trình Bàn tròn trực tuyến. |
Ông Ngô Dương: Thực ra liên quan đến vấn đề sức khỏe và quyền của mỗi con người chúng ta, ở trong trường hợp này là nói về trẻ em hay trẻ có khuyết tật tự kỷ, nó là tổng hợp của nhiều vấn đề. Do đó, sự tham gia của nhiều các cơ quan là đương nhiên. Về mặt pháp luật thì liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em, bảo vệ quyền của trẻ khuyết tật theo quy định và các cam kết quốc tế.
Dưới góc độ bảo trợ xã hội, chúng ta phải làm sao để chi trả cho các trẻ mỗi tháng bao nhiêu.
Dưới góc độ giáo dục, phải quản lý về cơ sở vật chất đảm bảo cho giáo dục hay không, bằng cấp giáo viên…
Do đó, một con người tham gia vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội là bình thường. Chuyện đan xen về chức năng như ai quản lý chúng ta, điều đó cũng hoàn toàn bình thường và những câu chuyện đặt ra ở đây là, nó đang nổi lên và gốc rễ là vấn đề chăm sóc sức khỏe.
Bà Nguyễn Hoàng Oanh: Thông tin Tâm Việt bị đóng cửa hay là một trung tâm khác bị đóng cửa đều là điều đáng buồn. Rõ ràng bây giờ, cung không đủ cầu. Nhu cầu các con được chăm sóc, dạy dỗ rất nhiều, tỷ lệ các trường luôn luôn quá tải. Là người làm chuyên môn, tôi mong chúng ta có những hướng dẫn, quản lý rõ ràng, để những người như chúng tôi tập trung vào làm việc chuyên môn thật tốt. Để các con ở đâu, có thể tìm được nơi hỗ trợ ngay gần đó. Không nhất thiết rằng, con phải đi từ nơi rất xa xôi đến nơi rất nổi tiếng, bởi bây giờ bố mẹ không biết tin vào đâu. Có những bố mẹ không cần tin vào đâu, hễ bất cứ ai nói hay khuyên điều gì, họ sẽ mang con đến đó gửi.
MC Mỹ Hạnh: Xin được hỏi ông Ngô Dương, là phụ huynh của trẻ mắc chứng tự kỷ, điều ông mong muốn nhất về mặt chính sách cũng như cách thức giáo dục cho trẻ tự kỷ là gì?
Ông Ngô Dương: Theo tôi, điểm quan trọng là chúng ta phải xác định tự kỷ là gì, đâu là những biện pháp có căn cứ khoa học, những điều này rất cần có công bố chính thức.
Những nghiên cứu về tự kỷ của những nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn Việt Nam cũng phải được chuẩn hóa.
Ngoài công bố những biện pháp có căn cứ khoa học, quy định về cấp phép cũng phải rà soát lại. Trong tương lai có thể nới lỏng ra nhưng hiện tại việc cấp phép không chặt thì rất nguy hiểm. Bởi những nhà chuyên môn tốt, không thể phát triển được, nếu như có những nhà chuyên môn không tốt hoặc không phải nhà chuyên môn nhưng lại có truyền thông tốt.
MC Mỹ Hạnh: Bà Phan Lan Hương thấy hiện tại cả về mặt chính sách, lẫn việc giáo dục cho trẻ tự kỷ đang ở tình trạng như thế nào và hiệu quả thực tế ra sao?
Bà Phan Lan Hương: Bên cạnh những điều mà chúng ta đã bàn, đã nói, thì cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề an toàn, bảo vệ trẻ em trong tất cả môi trường học tập.
Trẻ bình thường cũng có vấn đề xâm hại, cũng có bạo hành trong nhà trường. Trẻ tự kỷ hay các trẻ khuyết tật khác cũng có nhiều nguy cơ đó, đến từ những người giáo viên. Thậm chí nguy cơ giữa trẻ tự kỷ với nhau cũng rất cao. Vì đến tuổi trưởng thành, nhu cầu tâm sinh lý của trẻ đôi khi không biết cách giải tỏa. Đó là một khía cạnh mà hầu hết các trung tâm chưa để ý và quan tâm.
Ví dụ, ở một số trung tâm, cho trẻ nọ tắm cho trẻ kia, vậy vấn đề an toàn cho bản thân trẻ liệu có ổn không? khi chúng ta vẫn dạy trẻ rằng, cơ thể của con là của con, là bí mật.
MC Mỹ Hạnh: Xin các vị khách cho biết để làm được những việc tốt nhất cho trẻ tự kỷ với dự báo là sẽ tăng lên thì những việc chúng ta cần phải làm ngay là gì?
Bà Phan Lan Hương: Với số lượng trẻ tăng lên như vậy, liên quan đến chất lượng giáo dục, an toàn, các vấn đề khác, thì các cơ quan chức năng cần phải cùng vào cuộc. Bên cạnh đó, cần có cơ quan chủ quản cụ thể và có những quy định, hướng dẫn để các cơ sở nhìn vào đó áp dụng và làm việc. Hoặc bản thân phụ huynh họ cũng nhìn vào đó để đánh giá chất lượng giáo dục, cách thức làm việc của các trung tâm khác. Đó là sự giám sát lẫn nhau giữa phụ huynh và các cơ quan chức năng và với các trung tâm với nhau nữa.
Ông Ngô Dương: Nhu cầu quản lý là rất rõ ràng và phải làm ngay. Cần đưa ra một quan điểm chính thống về can thiệp trẻ tự kỷ, và chuẩn hóa các biện pháp có căn cứ khoa học.
Cần có cách đánh giá ngang hàng giữa phụ huynh, với hoạt động trung tâm. Cần có bảng đánh giá các trung tâm và có cơ chế bảo đảm các trung tâm có nghĩa vụ, khả năng minh bạch nội dung đào tạo của mình, thay vì đánh bóng trên truyền thông.
Bà Nguyễn Hoàng Oanh: Chúng ta cần nâng cao nhân thức của cha mẹ lẫn cộng đồng, về việc chấp nhận những đứa trẻ đó là những đứa trẻ đặc biệt. Những đứa trẻ đặc biệt chứ không phải khác biệt, vì vậy mà cần đối xử, chăm sóc, nuôi dạy theo cách đặc biệt.
Tại sao chúng ta lại có những người không học hành gì có thể biến thành người dạy trẻ tự kỷ. Phải chăng, nhân lực chúng ta còn quá thiếu. Có rất ít trường đại học hiện nay đang đào tạo những chuyên ngành mà trẻ tự kỷ cần phải có, như âm ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu.
Những chuyên ngành trên mới bắt đầu có từ một vài năm nay và cũng chỉ mới có một đến hai trường đào tạo. Với số nhân lực mỏng manh ít ỏi như vậy, chúng ta phải chấp nhận rằng, những người không được đào tạo, họ vẫn dạy trẻ tự kỷ.
Rõ ràng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thiết mở thêm các mã ngành mới này, để đào tạo thêm những trị liệu viên. Nhà nước cần cởi mở hơn với các quy định mở mã ngành vẫn còn đang khắt khe hiện nay, để các trường có thể mở mã ngành và đào tạo nhân lực, đón số lượng trẻ rối loạn phát triển càng ngày càng đông.
Vâng, xin được cảm ơn các vị khách mời đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết cho bàn tròn trực tuyến.
Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi!
VietNamNet
Giáo dục trẻ tự kỷ: Đang đục nước béo cò
- Số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng nhưng nhiều quy định như cơ quan nào cho phép điều trị, cách nào được áp dụng, cách nào không chưa rõ ràng nên đây là mảnh đất đang bị lợi dụng để trục lợi...