Cuốn Dân chủ và giáo dục (Democracy and Education) của John Dewey ra đời cách đây đã gần 100 năm nhưng vẫn còn nóng hổi tính thời sự với nền giáo dục nước ta. Tác giả là nhà triết học và nội dung mà ông bàn đến trong cuốn sách, cũng là nhan đề của nó, là câu chuyện chưa bao giờ cũ. Cuộc gặp gỡ với dịch giả Phạm Anh Tuấn, tác giả bản dịch tiếng Việt dày hơn 400 trang sách khổ lớn, chủ nhân của Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2009 và giải Sách hay 2011, về hành trình gian nan để Dân chủ và giáo dục (DCVGD) đến Việt Nam.
Dịch giả Phạm Anh Tuấn. |
- Ông Phạm Anh Tuấn: Đúng là tính thời sự của cuốn sách này chỉ dành cho những nền giáo dục lạc hậu mà không biết mình lạc hậu trong một thế giới đã đổi thay rất nhiều kể từ năm 1916 là năm cuốn sách ra đời. Bởi DCVGD được coi là một biên bản đánh dấu sự chia tay vĩnh viễn giữa nhà trường tiến bộ và nhà trường cổ truyền...
Là người dịch tác phẩm của John Dewey, xin ông cho biết “tư tưởng vàng” về giáo dục của nhà triết học này là gì?
- Trẻ em học trong lúc chúng tự thực hành và trong lúc chúng được tự mình sống cuộc sống thực đang diễn ra ngay hôm nay. Hãy bỏ hai khẩu hiệu. Khẩu hiệu thứ nhất là: “Tiên học lễ hậu học văn”. Khẩu hiệu thứ hai là: “Học để làm người”.
Điều gì ông nghĩ là đáng giá nhất ở John Dewey, nếu áp dụng được vào nền giáo dục ở nước ta?
- Điều thứ nhất là giải phóng trẻ em. Điều thứ hai là giải phóng trẻ em nhiều hơn nữa và đừng bao giờ dừng lại.
Sau khi “thấm” John Dewey, theo ông, dân chủ là một thuộc tính hay là một yêu cầu của giáo dục?
- Cả hai. Là “thuộc tính” bởi vì phi dân chủ thì giáo dục trở thành huấn luyện con vật. Là “yêu cầu” bởi vì phi dân chủ thì để cho nhà trường tồn tại làm cái gì nữa?
Những lần giáo dục Việt Nam bị lỡ “con tàu John Dewey”, theo ông, lần lỡ tàu nào là đáng tiếc hơn cả?
- Nếu nói lỡ tàu thì nền giáo dục Việt Nam triền miên lỡ tàu. Bi kịch nằm ở chỗ là rất nhiều người vẫn thấy vui vẻ khi bị lỡ tàu!
Ông từng phàn nàn: “Chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo được phép nghiên cứu triết lý giáo dục thôi, chỉ mỗi bộ mới được phép nghiên cứu sách giáo khoa thôi. Chính điều ấy tiêu diệt khả năng sáng tạo của rất nhiều tầng lớp, bỏ phí nguồn chất xám của xã hội”, nhưng một mặt lại nói: “Thôi đừng cãi nhau về triết lý giáo dục nữa. Thực ra, trên thế giới, trong lịch sử nhân loại, chỉ một vài người có khả năng tư duy và tư tưởng kiệt xuất mới có thể đưa ra được một triết lý giáo dục”. Ông có thấy mình mâu thuẫn không?
- Không mâu thuẫn. Hiện đang có một đề tài cấp bộ nghiên cứu triết lý giáo dục Việt Nam. Tôi nói “đừng cãi nhau về triết lý giáo dục nữa” là trong cái nghĩa tôi muốn tiết kiệm cho đất nước tiền bạc và thời gian. Giờ đây, những ai còn muốn làm giáo dục thực sự thì hãy thực tế: Hãy cho tôi xem sản phẩm được tạo thành từ lý luận của anh, tức sách giáo khoa!
Như vậy theo ông, việc chúng ta nên làm lúc này là tiếp nhận tư tưởng theo cách “ăn sẵn”, “hưởng lộc”, hơn là ngồi tranh cãi, “trưng cầu dân ý” theo kiểu “lắm thầy nhiều ma”?
- “Trưng cầu dân ý giáo dục” để làm gì?! Trong vòng mấy năm thôi mà đã có tới sáu đề án cải cách giáo dục của giới trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước được gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo mà đâu thấy hồi âm.
Có vẻ như bản dịch của ông, cũng như “kế hoạch 500 cuốn sách” (thuộc kho tàng tinh hoa thế giới mà Việt Nam cần dịch) do Ngô Tự Lập khởi xướng sẽ khó mà tìm được “bãi đáp” đáng giá là những người cần đọc nó nhất?
- Nếu như ở các nước khác thì Ngô Tự Lập có thể được người đứng đầu ngành giáo dục mời đến hỏi, thậm chí chất vấn cụ thể thêm, rồi cấp ngân sách để thực hiện. Như thế gọi là bộ máy làm việc gọn nhẹ, hiệu quả, minh bạch. Các nước họ đều làm thế cả, sao mình không làm được? Dịp John Dewey sinh nhật 90 tuổi, ông còn được biếu 90.000 đô la (theo thời giá bây giờ có lẽ phải là hàng triệu đô la) để “muốn làm gì thì làm”. Ngô Tự Lập và nhiều trí thức khác rất có tâm huyết với giáo dục hiện nay, do bản chất của người trí thức, đều là những người lý tưởng chủ nghĩa, ôm ấp nhiều ước mơ, thậm chí ảo tưởng, tất nhiên là ảo tưởng cao đẹp và đáng trân trọng. Nhưng nếu họ thất bại thì chắc chắn không phải lỗi của họ. Giáo dục Việt Nam sẽ bắt đầu chuyển mình khi biết lắng nghe.
Theo Nguyên Quân (TBKTSG)