- Buổi góp ý xây dựng Luật Giáo dục ĐH diễn ra ngày 19/4 do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức đã được nhiều tờ báo tường thuật lại.


Ngoài sự hiện diện của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Chủ nhiệm Ủy ban Đào Trọng Thi, buổi thảo luận có sự góp mặt của những người làm giáo dục lâu năm như nguyên Chủ nhiệm Trần Thị Tâm Đan, nguyên Thứ trưởng Bành Tiến Long, nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương nay đang là Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ...cùng lãnh đạo một số trường ĐH.

Dự luật dài 18 trang với 50 điều được báo
Người lao động nhận xét là "quá chung chung, không rõ ràng", báo Pháp luật TP.HCM gọi dí dỏm nhận định "Bộ vẫn “làm hộ” các trường", các báo Thanh Niên, Giáo dục Thời đại Online nêu vấn đề trực diện "Cần xóa bỏ rào cản quyền tự chủ ĐH", "Cần luật hóa tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH" còn Tuổi Trẻ thì khẳng định "Nhiều nội dung chưa xứng tầm".

Thấy quản, chưa bung


Sự không rõ ràng được ông Trần Ngọc Đường, Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội phân tích:

Dự thảo mới chỉ có các quy định về hoạt động giáo dục theo hình thức chính quy trong khi các hình thức khác như: tại chức, mở rộng, học từ xa phải bao nhiêu năm, chính sách tuyển sinh… thì chưa thấy có sự điều chỉnh.

Đặc biệt, dự thảo chưa làm rõ nội dung vai trò của quy hoạch và nguyên tắc quy hoạch, viết như một câu khẩu hiệu, không có ý nghĩa điều chỉnh đối với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH. Chưa kể, dự luật hoàn toàn không đề cập gì đến trường ĐH có yếu tố nước ngoài.


Báo
Thanh Niên nêu ý kiến của 2 giáo sư từng làm giáo dục đại học lâu năm, yêu cầu có quy định riêng cho hai loại hình công lập và tư thục và đối xử công bằng với các loại hình đó.

Ông Lê Du Phong - nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân phân tích, điểm khác nhau căn bản giữa hai loại hình này là chủ sở hữu. Và vì thế, luật phải thể hiện được khác nhau nhất là về nguồn lực tài chính, cách thức huy động sử dụng nguồn lực tài chính, công tác tổ chức, cán bộ trong nhà trường đối với mỗi loại hình.


Bà Hoàng Xuân Sính, người theo đuổi mô hình giáo dục tư thục ở Việt Nam đã hơn 20 năm và nay là Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH Thăng Long thì kiến nghị:

“Trường ngoài công lập đã phải chịu nhiều quy chế, nhiều nghị định ràng buộc và không bình đẳng với trường công. Hệ thống ĐH ngoài công lập đòi hỏi được bình đẳng trước luật để có thể phát triển tốt. Có lẽ để bảo vệ sự bình đẳng cần thiết này, luật nên nhấn mạnh sự bình đẳng về mọi mặt giữa các mô hình giáo dục".

Đòi quyền tự chủ

Theo tường thuật của báo Người lao động, phần lớn các đại biểu tham dự buổi góp ý đều cho rằng cần có một bước đột phá trong dự luật, đó là quy định về quyền tự chủ của các trường.

Thời sự nhất, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Thành Tây đề nghị bỏ 3 rào cản liên quan tới  tuyển sinh, đó là cơ chế "xin - cho" khi mở ngành, chỉ tiêu tuyển sinh và việc tổ chức thi tuyển vào một thời điểm trên toàn quốc.

Dự thảo Luật Giáo dục ĐH giống một luật quản lý hành chính trường ĐH hơn là luật giáo dục ĐH vì còn thiếu tính chất, nguyên lý giáo dục, phương pháp giáo dục, phát triển giáo dục' - GS Nguyễn Mậu Bành, Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

Trong dự thảo mới giới hạn "tự chủ" ở lĩnh vực hoạt động tài chính của trường tư thục. Trên trang Giáo dục và Thời đại Online, ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng đề xuất:

"Cần đưa vào những nội dung cụ thể hơn như tự chủ, tự quyết trong công tác quản trị nhà trường; tự chủ, tự quyết trong công tác tài chính, trong việc ban hành các quyết định liên quan đến nhân sự, chương trình đào tạo, công tác đánh giá và cấp bằng cấp cho sinh viên".

Còn theo ông Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cần phải có sự rõ ràng giữa quản lý của Bộ GD-ĐT với quyền tự quyết của các trường, tập trung vào 3 vấn đề: Chương trình đào tạo, bộ máy tổ chức và tài chính.

Tuổi Trẻ tường thuật lại đề xuất của ông Trần Phương: Cần dành hẳn một chương viết về quyền tự chủ của trường ĐH, đồng thời bỏ quy định về việc xin và cho phép thành lập trường ĐH cùng “các giấy phép con” cho phép hoạt động, cho phép mở ngành, tuyển sinh... đi kèm với “văn hóa phong bì” đã hình thành lâu nay.


Ông Phương lý giải, chính từ chỗ không dám thay đổi, dứt bỏ quyền can thiệp vào những công việc cụ thể đáng lẽ thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH nên  Bộ GD-ĐT đang soạn thảo “một dự thảo luật vẫn bị chi phối bởi tư tưởng đã quá cũ kỹ trong quản lý nhà nước về giáo dục ĐH là quản lý cho chặt".


Đề xuất Hội đồng trường


Ông Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng phụ trách giáo dục ĐH trong nhiều năm, người theo đuổi ý tưởng "phân tầng giáo dục ĐH" góp ý, cần bổ sung ít nhất 6 điều, trong đó có tự chủ và trách nhiệm xã hội.


Trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Long nhắc tới Hội đồng trường - tổ chức quyền lực cao nhất chịu trách nhiệm về quyền tự chủ ở các trường ĐH:


"Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trên thế giới chỉ còn khoảng 3%-5% giáo dục ĐH các nước còn bộ chủ quản, trong đó có nước ta, làm cho các trường không có môi trường và không gian sáng tạo. Bỏ bộ chủ quản không có nghĩa là vô chủ mà là chỉ còn một bộ quản lý nhà nước và đây cũng là một biện pháp cải cách hành chính hiệu quả nhất, các trường phải tự chủ và tự chịu trách nhiệm cao nhất. Kèm theo đó chính là điều kiện thành lập Hội đồng trường".

Bà Trần Thị Tâm Đan cũng đề nghị xác lập các cơ chế đảm bảo cho quyền tự chủ thực thụ, trong đó không thể bỏ qua vai trò quan trọng của
Hội đồng trường - chủ đề còn bỏ ngỏ lâu nay.

Khá am tường câu chuyện "tự chủ - bao cấp" trong cơ sở giáo dục ĐH, ông Lê Du Phong, một lãnh đạo nhiều năm ở trường ĐH nhà nước - ĐH Kinh tế quốc dân quả quyết: "Cần phải có điều khoản tự chủ giáo dục ĐH. Hội đồng trường ở các trường công lập chỉ có giá trị khi các trường có quyền tự chủ, nếu không, sẽ chẳng có quyền hạn gì" - Đây cũng là trích dẫn mà nhà báo Yến Anh thuật lại trên Người lao động khi kết thúc bài viết.

Dự thảo Luật Giáo dục ĐH nếu được thông qua, vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết như quyền tự chủ của các trường ĐH đến đâu; học viện - ĐH - trường ĐH khác nhau thế nào; vị trí, vai trò và mô hình của ĐH quốc gia.
Theo tờ trình về dự án Luật Giáo dục ĐH, mô hình ĐH hai cấp sẽ quy định trong văn bản dưới luật.
“Cơ cấu, tổ chức của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam rất đa dạng và chưa ổn định. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ GD-ĐT đang cùng các bộ, ngành tổ chức khảo sát, đánh giá mô hình ĐH hai cấp, trong đó có mô hình ĐH quốc gia (…), Bộ GD-ĐT đề nghị quy định nội dung này trong văn bản dưới luật”.

(Theo Pháp luật TP.HCM)
  • Vân Phong (tổng hợp)