Bức tượng tạc GS Hoàng Chương làm bằng than Antraxit Cẩm Phả là loại than cực kỳ quý hiếm, được thành tạo cách đây trên 300 triệu năm.

Phát biểu tại buổi lễ trao tặng, Tiến sĩ Vũ Văn Đông – nguyên Giám đốc Công ty Địa chất Mỏ bày tỏ: “Với những đóng góp to lớn của GS. Hoàng Chương, Đảng, Nhà nước ta đã ghi nhận và đánh giá cao bằng việc trao tặng cho Giáo sư danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới năm 2020, Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2021. 

GS. Hoàng Chương thực sự là một trong những tượng đài và là một trong những “cây đa, cây đề” của nền Văn hóa dân tộc Việt Nam. Trân trọng Giáo sư, Công ty Cổ phần Địa chất Mỏ quyết định tạc tượng Giáo sư từ Than Antraxit Cẩm Phả là loại than cực kỳ quý hiếm, được thành tạo cách đây trên 300 triệu năm, được hun đúc từ linh khí đất trời nằm sâu trong lòng đất cũng như GS Hoàng Chương cũng được hun đúc từ linh thiêng của vùng đất sinh thành là Bình Định, chắt chiu từ những giá trị văn hóa, được tích lũy qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Từ những mảnh ghép nhỏ đã hình thành một con người, một nhân cách lớn, một nhà nghiên cứu lớn của đất nước Việt Nam…”.

GS. Hoàng Chương xúc động tại lễ trao tặng.

Với quan niệm “Một quốc gia không có văn hóa thì quốc gia đó sẽ không tồn tại”, GS. Hoàng Chương dành cả cuộc đời để tìm tòi, nghiên cứu, bảo vệ những di sản nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch: Bài Chòi, ca Huế, ví dặm, nghệ thuật Chăm…

Trong hơn 60 năm làm việc không mệt mỏi, gia sản của ông là hơn 20 công trình nghiên cứu. Có thể kể ra những công trình tiêu biểu như: Những vấn đề sân khấu truyền thống, Bài Chòi và dân ca Liên khu 5, Nghệ thuật tuồng Bắc, Tuồng và võ thuật dân tộc....

Ngoài ra, GS. Hoàng Chương còn là người chủ trì, chủ biên nhiều công trình cấp bộ về văn hóa dân tộc, tổ chức các hội thảo có được nhiều tiếng vang trong và ngoài nước như: Tuồng với đề tài nước ngoài, Văn học nghệ thuật với đề tài Tây Sơn…

Không chỉ đắm mình cùng nghệ thuật, GS. Hoàng Chương còn dành thời gian để viết và xuất bản hơn 20 đầu sách và hàng trăm bài báo, bài nghiên cứu về nghệ thuật dân tộc, ca ngợi những bậc hiền tài. Ông cũng tham gia tích cực vào việc phát hiện, bảo vệ, tôn vinh những di sản văn hóa dân tộc cùng những công trình mới như múa rối nước, quan họ, bài chòi, hát xẩm...

GS. Hoàng Chương từng là cố vấn Hội đồng xây dựng hồ sơ di sản của nghệ thuật Bài Chòi. Ông từng viết cuốn sách Bảo tồn và phát huy giá trị của bài chòi - quyển sách quý nhằm phục vụ cho việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Bài Chòi là di sản của nhân loại. Tháng 12/2017, tại kỳ họp diễn ra ở trung tâm hội nghị quốc tế Jeju, Hàn Quốc, UNESCO đã nhất trí ghi danh hồ sơ "Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sinh thời, GS.Vũ Khiêu từng nhận xét “Không có bản báo công nào ghi hết thành tích của GS. Hoàng Chương”. Trong khi đó, NSND Đặng Nhật Minh khẳng định: GS. Hoàng Chương là một người hiếm. Mặc dù có gia tài khoa học đồ sộ, sự nghiệp lừng lẫy, nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, hăng say công hiến. “Tôi thật sự khâm phục sức khỏe, cũng như ý chí, nghị lực phi thường của ông dành cho sự nghiệp giữ gìn và phát huy nền văn hóa dân tộc Việt Nam”, NSND Đặng Nhật Minh nói.

Tình Lê