Việt Nam đang trải qua làn sóng dịch thứ 4 với sự xuất hiện cùng lúc có 2 biến chủng mạnh nhất hiện nay đến từ Anh và Ấn Độ.
Đáng lưu ý, trong đợt dịch lần này, xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm với số lượng ca mắc lớn như chuỗi liên quan đến 2 vợ chồng ở Center Point, công ty T&T Hà Nội, chuỗi lây nhiễm tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Mới nhất là chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại TP.HCM với 44 ca mắc.
Giáo sưPhan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM giải thích, thực tế các sự kiện siêu lây nhiễm không phải bắt đầu từ 1 bệnh nhân sau đó tiếp xúc và lây truyền theo chuỗi như mọi người thường nghe.
Thực tế, một người nhiễm SARS-CoV-2 nếu cơ thể mang số lượng virus cực lớn, sau đó tiếp xúc cùng lúc nhiều người thì có thể cùng lúc lây nhiễm cho số lượng lớn.
Giáo sư Phan Trọng Lân
“Khi có các điều kiện thuận lợi, virus sẽ lây lan nhanh hơn. Đơn cử, nếu tổ chức buổi tiệc và mời 30 khách, với những hành vi nguy cơ cao trong các bữa tiệc như ăn uống, giao lưu đi lại, tụ tập đông người, ở lại lâu, không gian kín, nói to, kém thông khí… sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, có thể gọi là sự kiện siêu lây lan”, giáo sư Lân giải thích.
Nhiều người lo ngại các chủng virus mới ngày càng biến đổi theo hướng nguy hiểm hơn, giáo sư nói rõ, hiện thế giới đã phát hiện trên 28.000 đột biến gene của virus SARS-CoV-2.
Trong số này, WHO chia thành 2 nhóm: Biến thể đáng quan tâm và biến thể đáng lo ngại. 2 biến thể Anh (B.1.1.7) và biến thể Ấn Độ (B.1.617) được xếp vào nhóm đáng quan ngại cùng với biến thể Nam Phi và Brazil.
Nhóm này nguy hiểm hơn, làm gia tăng khả năng lây nhiễm, làm thay đổi tình hình dịch tễ, tăng độc lực virus hoặc làm nặng lên biểu hiện lâm sàng, giảm hiệu quả của biện pháp y tế công cộng hay làm giảm hiệu quả của vắc xin, giảm hiệu quả xét nghiệm chẩn đoán…
Riêng biến thể Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ, nghĩa là một người đã mắc bệnh với biển thể cũ trung bình sẽ lây cho 2-4 người khác thì với biến thể B.1.1.7 có thể lây cho đến 7 người. Các thông tin ban đầu về biến chủng Ấn Độ báo cáo rằng khả năng lây nhiễm còn cao hơn.
Đặc biệt với khoảng 60% trường hợp nhiễm virus không có biểu hiện bệnh, không biết mình mang virus lại tiếp tục đi lại sẽ làm bệnh dễ dàng lây lan và khó phát hiện.
“Do vậy, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn thì khả năng lây lan dịch tăng theo cấp số nhân”, giáo sư Lân cảnh báo.
Khi các biến thể quan ngại xuất hiện ở Việt Nam, công tác dự phòng và kiểm soát đòi hỏi phải ở mức cao hơn vì nếu số ca mắc tăng lên nhiều sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế, từ đó dẫn đến tăng số ca tử vong.
Rất may theo cập nhật đến ngày 21/5, phương pháp xét nghiệm realtime RT-PCR không bị ảnh nhiều trước các đột biến hiện có của SARS-CoV-2.
Tuy nhiên theo thời gian, SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến thường xuyên nên vẫn có khả năng ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm trong tương lai và có thể dẫn đến kết quả âm tính giả. Do đó, cần thường xuyên cập nhật thông tin về ảnh hưởng của các đột biến và khi luận giải kết quả cần xem xét thêm các triệu chứng lâm sàng, dịch tễ và tiền sử đi kèm của bệnh nhân
Hiện tại, những biến đổi hoặc đột biến của virus vẫn chưa làm vắc xin mất hoàn toàn tác dụng. Trường hợp vắc xin kém hiệu quả với một hoặc nhiều biến thể, nhà sản xuất có thể đổi thành phần vắc xin để bảo vệ chống lại các biến thể mới.
Do đó, việc giám sát các đột biến của virus cũng như tác động của các biến thể mới đối với hiệu quả bảo vệ của vắc xin cần được tiếp tục theo dõi, cập nhật và đánh giá.
“Dù các biến thể hiện nay lây lan nhanh song các nguyên tắc 5K vẫn là những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn, cắt đứt đường virus SARS-CoV-2 lây lan”, giáo sư Lân nhấn mạnh.
Thúy Hạnh
Ca bệnh ở Việt Nam cách 10m vẫn mắc Covid-19
Việt Nam ghi nhận ca bệnh ngồi họp cách xa 10m vẫn mắc Covid-19, củng cố thêm bằng chứng virus SARS-CoV-2 lây trong không khí.