- Không ít phụ huynh tỏ ra băn khoăn về việc có nên dạy con cách dùng tiền sớm hay không và nếu dạy thì phải dạy như thế nào.


{keywords}
Ảnh minh họa: Internet

Bé Bun năm nay đã 5 tuổi rưỡi. Chia sẻ trên một diễn đàn có tiếng dành cho các bậc cha mẹ, mẹ Bun rất băn khoăn về việc có nên dạy con cách tiêu tiền, quản lý tiền từ nhỏ hay không.

Nhà đông cô dì chú bác nên mỗi dịp Tết, tiền mừng tuổi của Bun cũng được một khoản kha khá. Những năm trước, cứ ai mừng tuổi là Bun để trong bóp đeo trước ngực, rồi đưa hết cho bố mẹ giữ. Số tiền ấy được mẹ Bun gửi hết vào tài khoản tiết kiệm cho con sau này. Cứ hết Tết, Bun lại hỏi: “Mẹ ơi, tiền lì xì con bao nhiêu? Mẹ dùng làm gì?”. Mẹ Bun nói để mẹ đóng tiền học cho Bun nhưng gần đây bố bé muốn dạy con tự lập và cách dùng tiền từ nhỏ nên đề nghị mẹ Bun cho con trai giữ một ít.

Dạo gần Tết, mẹ Bun giật mình khi nghe bé đề nghị: “Tết này con giữ 50, mẹ giữ 50 nha mẹ!”. Mẹ Bun không ngờ mới tí tuổi đầu mà con trai đã biết phân chia sòng phẳng như vậy.

Hôm đi ăn tân niên cùng mấy người bạn của mẹ, Bun lấy tiền mừng tuổi của mình lì xì hết các cô các chú rất hào phóng. Mặc dù con ngoan, biết chia sẻ nhưng mẹ Bun vẫn lo khi để con tiếp xúc sớm với tiền, luôn canh chừng cẩn thận những biểu hiện của con. Đôi lúc bố mẹ Bun cũng gặp rắc rối với những câu hỏi ngây thơ nhưng hóc búa của con về tiền bạc.

Tuy nhiên, ý định cho con tiếp xúc với tiền quá sớm của bố mẹ Bun lại được nhiều phụ huynh khuyên là không nên. “Em thấy đừng nên dạy cho trẻ con biết xài tiền sớm không tốt đâu. Nhóc Bắp nhà em nay lớp 3 rồi, tiền lì xì năm nào cũng tự giác đưa cho em, thấy mà thương con, mới tí tuổi mà biết thương cha mẹ” – tâm sự của mẹ bé Bắp.

Bắp cũng nhận được tiền mừng tuổi khá lớn mỗi dịp Tết nhưng mẹ Bắp chọn cách quản lý tiền bạc khác cho con như mua bảo hiểm hoặc mở tài khoản tiết kiệm để dành lo cho những chi phí học hành sau này của bé.

Phương án này cũng được nhiều mẹ ủng hộ, đồng tình. “Em nghĩ mẹ nên mở tài khoản cho bé đi, mình vừa cho bé được một số tiền nho nhỏ, sau này bé lớn rồi bé sẽ tự quyết định số tiền đó sẽ như thế nào”, “Con lớn từng ngày, càng lớn thì càng có nhiều khoản phải lo, nào tiền học, học thêm, quần áo, sửa phòng... Ôi chao, mệt mỏi, em thiết nghĩ mình bây giờ nên để tiền phòng, lỡ lúc cần gấp thì có cái mà dùng ngay!” – ý kiến chia sẻ của các mẹ về cách xử lý tiền mừng tuổi của con.

Mẹ bé Bi (2 tuổi rưỡi) thì quan niệm “không cần dạy bé tiêu tiền sớm, khi lớn bé sẽ biết”. Ai cho tiền Bi đều đưa cho mẹ và nhờ mẹ cất cho con. Cũng có lúc bé hỏi “mẹ ơi, con có nhiều tiền không?”

Cũng ngoan ngoãn đưa tiền cho bố mỗi lần được lì xì, nhưng càng lớn bé Tôm (năm tới sắp vào lớp 3) lại có tật xấu thích mua đồ chơi trước cổng trường. Bố mẹ thấy không an toàn, khuyên con không nên mua. Nhưng một lần vô tình mở cặp, mẹ Tôm thấy con giấu tiền trong đó, trong khi nói dối mẹ là con đưa hết cho bố rồi.

Ngược lại với quan điểm “không muốn con sành sỏi trước tuổi”, mẹ Khánh Chi cho rằng: “Giờ ra đường việc gì cũng cần có tiền, cứ cho bé một ít phòng thân đi mẹ, biết đâu cần tới thì sao? Bé nhà em thì chỉ cho vừa đủ xài thôi, tiền mừng tuổi của bé em gửi tiết kiệm rồi”.

Mẹ Khánh Chi cho rằng tầm khoảng 5, 6 tuổi không phải là sớm để dạy trẻ cách sử dụng tiền vì theo chị dạy cho trẻ biết cách dùng tiền sớm sẽ yên tâm hơn. Nhưng chị cũng không quên dạy bé bài học tiết kiệm.

Cho con dùng heo đất cũng là cách được nhiều mẹ áp dụng. Mua heo đất để bé giữ tiền, sau đó hướng dẫn bé làm những việc có ích như mua quà sinh nhật cho người thân, giúp đỡ trẻ em nghèo…

Như mẹ bé Mỳ chia sẻ, năm nay Mỳ 5 tuổi nhưng từ trước tới giờ cũng chỉ biết bóc hết lì xì ra nhét lợn. Một hôm đi siêu thị thấy Lego đẹp, bé bảo mẹ mua cho con một bộ thì mẹ trả lời là mẹ hết tiền rồi, phải tiết kiệm. Ngay lập tức, Mỳ phát biểu: “Thế thôi, để con lấy tiền của con ra mua”. Mặc dù không muốn con biết quá nhiều nhưng chị lại lo không dạy sớm thì sau này sẽ càng khó hơn. Hơn nữa mẹ bé Mỳ là bà mẹ đơn thân nên lại càng muốn con học cách chia sẻ với mẹ nhiều hơn.

Cũng bắt đầu cho con tiếp xúc với tiền nhưng thận trọng hơn, chị Hoa bắt đầu từ việc dạy bé phân biệt mệnh giá tiền và cách trả lại tiền thừa. “Cũng mệt phết, nhưng vui. Bé nhà mình yêu lắm cơ, toàn phân biệt tiền bằng Bác Hồ xanh và đỏ” – chị chia sẻ.

Ủng hộ quan điểm nên dạy con tự lập từ nhỏ nhưng chị Thùy cho rằng cũng không nên lấy trường hợp của trẻ nước ngoài ra làm gương, vì “mỗi nhà mỗi cảnh”, trẻ nước ngoài có môi trường tự lập từ nhỏ, từ gia đình, nhà trường cho tới xã hội. “Mình không phải cứ quăng tiền đó cho con làm sao thì làm, mà mình phải dạy nó biết giá trị của tiền. Cho phép mua nhưng trước khi mua phải báo cáo với ba mẹ một tiếng”.

Nguyễn Thảo

Mời bạn đọc chia sẻ các câu chuyện dạy trẻ về tài chính theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn