Ngày càng nhiều bậc cha mẹ cho con dùng điện thoại di động. Nhưng dù giàu cỡ nào cũng chỉ mua cho con 1 chiếc điện thoại đen trắng. Đó là lời khuyên của chuyên gia.

Gặp nguy hiểm vì dùng smartphone

Hiện nay, các bậc phụ huynh đều mong muốn cho con mình biết nhiều, biết sớm nên cố gắng cho trẻ học nhiều, tiếp cận công nghệ càng sớm càng tốt. Cũng chính vì vậy mà rất nhiều trẻ còn rất nhỏ đã được “sở hữu” một chiếc smartphone với đủ các tính năng chụp ảnh, quay phim, kết nối 3G đến trường.

Thế nhưng đã có nhiều trẻ xao lãng học hành như trường hợp con của chị Lương ở Thanh Xuân (Hà Nội). Để tiện liên lạc, chị Lương đã cho con dùng chiếc điện thoại iPhone 5 cũ của chị. Từ khi có điện thoại xịn, cu cậu ham điện thoại hơn ham học.

Vừa rồi, khi chị đi công tác về không thấy con cầm điện thoại, gặng hỏi mãi cậu con trai mới ấp úng nói “cho bạn trong lớp mượn”. Nhưng khi chị hỏi cậu bạn kia thì hai gia đình mới tả hỏa biết các con trao đổi điện thoại để thi game.

Thậm chí, đã có em gặp nguy hiểm từ chính chiếc điện thoại đắt tiền. Con gái chị Nguyễn Thị Thủy, ở quận Hoàn Kiếm đã làm mất mất 3 chiếc điện thoại iPhone trong năm học vừa qua. Một lần đang mải nhắn tin khi đang đi bộ trên đường, cô bé đã bị một thanh niên giật điện thoại, rất may chỉ bị xây xước nhẹ.

Lần khác, cô bé lại bị cướp và mới đây nhất là cho bạn mượn rồi “không cánh mà bay”. Sau lần đó, chị mua cho con một chiếc điện thoại “cục gạch”.

{keywords}

Chỉ nên cho con dùng điện thoại có chức năng nghe gọi. Ảnh minh họa: Ontap

Nên cho con dùng điện thoại đen trắng

Trước tâm lý cho con dùng điện thoại hiện nay của nhiều phụ huynh, theo TS Nguyễn Thị Kim Quý (Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam), sắm điện thoại cho con đôi khi cũng cần thiết và để tiện cho việc liên lạc. Nhưng với trẻ nhỏ không nên cho dùng điện thoại đắt tiền.

Từ lớp 4 trở lên mới nên cho trẻ sử dụng điện thoại, loại chỉ có chức năng nghe, gọi. Ngoài việc các cháu bị sa đà việc chat chít, chơi games, xem phim, xao lãng việc học… nhiều em còn nguy hiểm tới tính mạng vì trở thành đối tượng cho bọn cướp giật theo dõi.

Còn chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất nhấn mạnh, dù giàu cỡ nào cũng chỉ mua cho con 1 chiếc điện thoại đen trắng không thể truy cập internet và không được trang bị camera. Không thể phủ nhận những tiện ích mà smartphone mang lại trong việc giáo dục hay tiêu khiển cho trẻ nhỏ song nếu không có sự kiểm soát thì việc cho trẻ tiếp cận quá sớm với các thiết bị số hiện đại lại vô tình hại con.

Các em có thể bị ảnh hưởng bởi những luồng thông tin xấu từ những trang web có nội dung không lành mạnh. Và tệ hơn là khi được trang bị camera sẽ khiến trẻ có xu hướng làm những việc sai trái mà người lớn không thể kiểm soát được.

Bên cạnh đó, việc sắm cho các em những chiếc điện thoại đắt tiền khiến chúng huênh hoang với bạn bè, không quý trọng công sức lao động, thậm chí dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Theo các chuyên gia tâm lý, trước 6 tuổi là giai đoạn quan trọng để trẻ nâng cao khả năng ngôn ngữ, giao lưu xã hội. Những khả năng này đa phần được xây dựng nên từ việc chơi đùa với bố mẹ, bạn bè. Nếu trong giai đoạn này, trẻ em chỉ “đối thoại” với máy thì sẽ gây ảnh hưởng rõ rệt đối với sự trưởng thành của trẻ.

Chẳng hạn, khi nghiện smartphone thay vì đòi bố mẹ chơi cùng khi bố mẹ đi làm về, trẻ sẽ chỉ nhăm nhăm lấy iPad để nghịch, còn bố mẹ lại cảm thấy thoải mái vì không bị làm phiền dù trẻ ngồi cạnh, thoải mái xem ti vi hoặc ôm máy tính. Thói quen này càng tiếp diễn lâu dài, lớn lên tính cách của trẻ sẽ trở nên lập dị, không thích giao lưu, cách xử lý vấn đề sẽ luôn xem mình làm trung tâm.

Trẻ cũng không cần quan tâm đến thời gian và hứng thú của đối phương, muốn chơi như thế nào thì chơi. Như vậy, sau này trẻ lớn lên sẽ tự ti, ích kỷ hơn những đứa trẻ khác và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến trẻ trong việc quan hệ giao lưu với người khác.

Bởi vậy thay vì trang bị cho con những chiếc điện thoại đắt tiền, tốt nhất khi trẻ còn quá nhỏ dù giàu cỡ nào cũng chỉ mua cho con 1 chiếc điện thoại đen trắng. Sự dạy dỗ và gần gũi của cha mẹ với con cái vẫn là chính.

Cha mẹ đừng vì quá bận rộn mà “quẳng” cho con smartphone. Hãy giáo dục trẻ các kỹ năng sống, cách giao tiếp với các thành viên trong gia đình và ngoài xã hội, tạo cơ hội cho các em vui chơi với bạn bè cùng trang lứa. Khi trẻ chơi với bạn bè, trẻ học được nhượng bộ, quan tâm đến cảm nhận của người khác, tôn trọng luật chơi và giữ lời hứa... Điều này rất quan trọng cho trẻ phát triển.

(Theo Gia đình & Xã hội)