Đối với những bạn trẻ đam mê “chủ nghĩa xê dịch” thì dịp nghỉ “Tết Tây” này sẽ là cơ hội để “xách ba lô” lên đường thưởng thức một cái Tết trọn vẹn theo cách của riêng mình.  Họ đi khắp mọi nơi, hát nghêu ngao, hòa đồng với tất cả mọi người….Đây là một trào lưu mới của giới trẻ ngày Tết rất có ý nghĩa trong việc nhen nhóm  tình yêu quê hương đất nước, yêu con người Việt Nam  đang dần bị lãng quên.

Du lịch “bụi” ngày Tết

Theo các tục cổ truyền, người đi xa thường cố gắng trở về sum vầy cùng gia đình trong những ngày cuối cùng của năm cũ. Thế nhưng, xu hướng mới của giới trẻ ngày nay là đi xa ngày Tết. Đặc biệt, có nhiều bạn trẻ tìm đến với hình thức “du lịch bụi” trong ngày “Tết Tây” này vì đơn giản họ “muốn yêu đất nước mình hơn”.

Trên những trang web, diễn đàn, mạng xã hội trong những ngày này đang sục sôi những câu hỏi thảo luận về việc đi đâu, làm gì, tìm bạn đi du lịch “bụi” … Có một điều đặc biệt là họ không đi theo tour, theo đoàn đông mà chỉ một vài người tụ tập “khoác ba lô” trông giống như “đi bụi”  nhưng điều thú vị đó là họ đang đi để khám phá và yêu thương từng vùng đất nhỏ trên tổ quốc mình.

“Đi để thấy mình không cũ kĩ”

Với tiêu chí “đi để thấy mình không cũ kĩ” giới trẻ chọn phương thức rong ruổi mọi nơi ngày Tết, chỗ nào cũng có thể đến dù là hang cùng ngõ hẻm, rét mướt, núi đá nguy hiểm…. Hành trang duy nhất mà họ đem đi đó là niềm vui và thông điệp vui vẻ chào năm mới tới những vùng đất họ yêu, với con người họ mến thương.

 Là một ngườ đam mê nhiếp ảnh và du lịch, Nguyễn Hoàng Lan, sinh viên năm 3, HV Báo chí Tuyên Truyền đã quyết định Tết này sẽ cùng các “chiến hữu” đi du lịch “bụi” để thưởng ngoạn phong cảnh và tiếp xúc thêm nhiều con người mới, vùng đất mới. Lan có chia sẻ “mình là người yêu chủ nghĩa xê dịch, Tết mà bắt ở nhà chắc không chịu được. Cả hội bạn đã lên kế hoạch Tết Tây lên Sapa để trải nghiệm cái Tết cùng đồng bào các dân tộc miền núi ở đây”. Đối với những người say mê chụp ảnh như Hoàng Lan thì việc đi “du lịch bụi” vào ngày Tết Tây là không thể từ chối.

Chia sẻ thêm về lí do đi du lịch, Hoàng Lan nói “Có đi mới biết đất nước mình tươi đẹp thế nào, con người xinh đẹp ra sao, những em nhỏ rách rưới trong nắng chiều, những người dân tộc họ ăn uống ra sao… tất cả đều hút hồn, mê hoặc bởi mình không muốn sống bằng những lí thuyết sáo rỗng, màu hồng trong sách vở nữa”. Vậy là kế hoạch đã có chỉ còn chờ ngày được nghỉ học để “lên đường” du lịch 3 ngày tết trọn vẹn.

Theo trung tâm kí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết 3 ngày Tết Dương lịch khá ấm áp, thuận lợi cho các hoạt động du xuân, đi du lịch và thưởng ngoạn các hoạt động văn hóa ngày Tết.

Vốn năm nào Tết Tây nhóm của Thành Trung, sinh viên ĐH Xây Dựng HN cũng tổ chức ăn uống, đập phá, đi hát trong một ngày. Thế nhưng, năm nay các thành viên trong nhóm đã lên kế hoạch đổi gió. Thành Trung có tâm sự “Tết Tây này bọn mình dự định tổ chức đi du lịch lên Hòa Bình, thưởng thức rượu cần dân tộc Mường, món đặc sản của các tộc người ở đây. Mình muốn trải nghiệm cùng người dân tộc ăn và sống như thế nào, họ có khác người miền xuôi không? Mình muốn biết tất cả để thấy mình trưởng thành hơn”

Một bộ phận đông đảo giới trẻ đang náo nức cho những kế hoạch đi “du lịch bụi” vào ngày nghỉ Tết Tây với những điểm đến: Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Mù Cang Chải…. Điều quan trọng ở mỗi chuyến đó là sự trưởng thành, những bài học thực tế, những tình yêu được nhen nhóm lại, sự yêu thương con người và hơn nữa đó là tình yêu Việt Nam ngày càng sâu đậm. Theo Lưu Trang, một phóng viên trẻ đã từng có rất nhiều những chuyến đi như vậy tâm sự “Yêu tổ quốc, yêu con người Việt Nam là tất cả những gì tôi có thể nói sau mỗi chuyến đi”

Giới trẻ và bài học  về sự lãng quên

Trước những xu hướng mới, trào lưu mới vẫn luôn có những ý kiến trái chiều.  Thế nhưng, cái còn lại sau mỗi chuyến đi mới là điều tinh túy nhất mà con người luôn hướng đến. Có rất nhiều ý kiến cho rằng, giới trẻ ngày nay đã quên những phong tục truyền thống của dân tộc để chạy theo những xu hướng, trò chơi lố lăng, vô bổ. Nhiều phụ huynh còn ra sức phản đối và lên tiếng ngăn cản sở thích “du lịch bụi” ngày Tết của con em mình. Tất nhiên, người lớn luôn có những lí lẽ “có lí” của mình.

Đi để khám phá và yêu thương từng vùng đất nhỏ trên tổ quốc mình.

Nói về chủ nghĩa “xê dịch” ngày Tết của con gái mình chị Nguyễn Thị Thu, một phụ huynh học sinh có tâm sự “thực sự được nghỉ lễ Tết chỉ muốn gia đình được sum vầy, quây quần bên mâm cơm hàn huyên chuyện năm cũ và nói chuyện năm mới. Nhưng có đứa con gái thì suốt ngày chạy ngoài đường, lúc thì đi du lịch, khi lại tình nguyện, chẳng mấy khi cháu ở nhà. Đến Tết Tây này cũng dự định đi tình nguyện vùng cao” Chị Thu nói mà buồn thiu vì bữa cơm cuối năm lại thiếu vắng tiếng cười của cô con gái yêu.

Nói vậy để biết rằng, giới trẻ đi du lịch, đón giao thừa ở một nơi xa lắc, cười nói trong giá buốt, đi bộ mỏi chân thậm chí tại nạn giữa đường đi…là họ đang “lãng quên” những giá trị truyền thống, những phong tục truyền thống của dân tộc Việt. Thật ra, chính nhưng chuyến đi vậy mới thực sự bổ ích vì giới trẻ ngày nay  đã khác xưa, họ không muốn nhìn cuộc sống toàn màu hồng như trong sách giáo khoa vẽ ra, những lí thuyết sáo rỗng, khô khan và nhàm chán. Họ muốn có những trài nghiệm mới, những chuyến đi sẽ giúp họ biết đến “thì ra ở đất nước mình tình yêu con người vẫn tồn tại” hay “đất nước mình còn có nơi nghèo khổ đến vậy sao”. Và thế là, tình yêu non sông đất nước được nhen nhóm, yêu phong tục tập quán để “mỗi ngày trôi qua là một ngày để yêu những nơi mình đến” -Nguyễn Văn Quyết, sinh viên năm 3, Khoa Du lịch học, ĐHKHXH &NV  chia sẻ.

Bắt  đầu nổi thành trào lưu từ 5 năm trở lại đây, trào lưu xê dịch, du lịch bụi phát triển mạnh mẽ và lan rộng trong cộng đồng giới trẻ. Thích va vấp, cọ xát, ngã vào thực tế là một trong những cách học thú vị. Đó chính là là bài học của  sự hòa nhập cộng đồng, của việc chạm vào tình yêu nơi họ đến…

Theo nhận xét của PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ, một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử văn hóa, phong trào đi du lịch bụi ngày Tết là một khuynh hướng mới của giới trẻ gần đây. Ông nói: "Thời buổi bây giờ khác đi, nhất là kinh tế thị trường nên lớp trẻ bây giờ cũng ít quan tâm đến phong tục. Họ thích đi chơi, thích những thú vui hiện đại và họ cho những phong tục là cổ lỗ. Ở đây có sự giao lưu vừa là xung đột, vừa là đối thọai giữa các thế hệ. Thay vì trách họ thì hãy thừa nhận trào lưu này".

Huệ bạch